Trong khi đó, ven các sông lớn ở Huế, Đà Nẵng, TP.HCM luôn có nhiều không gian sinh hoạt cho người dân vui chơi, vãn cảnh.
Khoảng 2 năm trước, sau mỗi ngày làm việc, chị Khánh Linh (Ba Đình, Hà Nội) thường có thói quen chạy bộ ven hồ Tây để rèn luyện sức khỏe và thư giãn. Tuy nhiên, khi lượng người, hàng quán đổ về khu vực này ngày một nhiều, con đường ven hồ vốn dĩ đã hẹp nay càng hẹp hơn khiến người phụ nữ này buộc phải tìm đến công viên nhỏ gần nhà để chạy bộ.
“Vỉa hè bị các quán ăn chiếm chỗ để xe máy, còn lòng đường luôn chật chội xe cộ mỗi giờ tan tầm khiến những người đi bộ như tôi rất vất vả khi chạy dọc ven hồ sau giờ làm việc. Do đó, khoảng 2 năm nay, tôi thường chỉ chọn sáng sớm cuối tuần ra hồ Tây để tránh tình trạng ùn tắc”, chị than.
Tình trạng ùn tắc thường xảy ra tại bán đảo Quảng An vào giờ cao điểm. Ảnh: Trần Kiên. |
Thực tế, hồ Tây vốn dĩ được xem là khu vực có cảnh quan đẹp và hiếm có trên thế giới nhưng nơi đây lại đang thiếu các không gian công cộng như công viên, quảng trường, đường dạo bộ… Đặc biệt trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa đang gia tăng mạnh, lượng dân cư đổ về khu vực ven hồ Tây ngày một đông càng cho thấy rõ sự thiếu hụt không gian công cộng ở đây.
Hồ Tây có gì và thiếu gì?
Nhắc đến hồ Tây, tiềm thức của người dân thủ đô vẫn luôn nghĩ đến địa danh sở hữu cảnh quan thiên nhiên hiếm có, nổi bật và cũng lâu đời nhất của Hà Nội. Một mặt nước lớn với sự kết hợp biết bao cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của những làng hoa cây cảnh, làng nghề với rất nhiều di tích đền chùa nổi tiếng gắn với lịch sử nghìn năm.
Thế mạnh và sự độc đáo của không gian hồ Tây nằm ở không gian xanh lớn và duy nhất nằm kề khu trung tâm đô thị sầm uất, đang ngày càng ngột ngạt vì thiếu những mảng xanh.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh trong nhiều năm qua với mật độ dân cư ngày càng đông đúc đang khiến Hà Nội nói chung và hồ Tây nói riêng đối mặt với tình trạng thiếu hụt công viên cây xanh, quảng trường và các khu vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng.
Bán đảo Quảng An có cảnh quan thiên nhiên hiếm có. Ảnh: Trần Kiên. |
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn từng thừa nhận việc thiết kế quy hoạch quảng trường trong không gian đô thị ở nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy, diện tích quảng trường trên diện tích đất đô thị ở nước ta chỉ chiếm 0,004%; chỉ tiêu diện tích quảng trường trên đầu người rất thấp, chỉ là 0,022 m2.
“Với tinh thần đó, việc phải có thêm ít nhất một không gian quảng trường ở Hà Nội, có thể đặt ở quận Nam Từ Liêm hoặc khu vực tây Hồ Tây là cần thiết”, ông Sơn nêu quan điểm.
Mặc dù có Công viên nước Hồ Tây - khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời, nhưng so với các khu vui chơi như Sun World Ha Long tại thành phố Hạ Long, công viên Châu Á ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng, thì quy mô của điểm vui chơi này vẫn còn quá nhỏ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thủ đô. Đáng nói, các loại hình dịch vụ giải trí tại đây cũng không đa dạng, được xây dựng từ lâu nên đã lỗi thời, xuống cấp.
Hơn nữa, các cung đường vòng quanh hồ Tây đều chật hẹp, nhiều chỗ bề rộng lòng đường chưa đầy 4 m dẫn đến tình trạng ôtô và xe máy khó khăn mỗi khi di chuyển vào giờ cao điểm… Đặc biệt, vào buổi tối hè oi nóng hay những ngày cuối tuần, lượng người đổ ra các khu vực đường ven hồ Tây rất lớn dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên.
Tình trạng ô nhiễm do rác thải, túi nylon, vỏ lon gây ô nhiễm môi trường. |
Thậm chí, tại khu vực bán đảo Quảng An, thuộc địa bàn phường Quảng An, lòng hồ hiện có nhiều rác, phế thải, túi nylon, vỏ lon nước trôi lềnh bềnh, dạt vào bờ, phân hủy gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều địa phương “mạnh tay” quy hoạch không gian công cộng ven sông
Ở nhiều địa phương, ven các sông lớn ở Huế, Đà Nẵng, TP.HCM luôn có nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân vui chơi, vãn cảnh.
Tại Đà Nẵng - địa phương với thương hiệu "thành phố đáng sống nhất Việt Nam", không gian công cộng lớn nhất phải kể đến là khu vực trung tâm thành phố, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng gắn với Công viên vườn tượng APEC, công viên Châu Á nằm ngay bên sông Hàn, chợ đêm, các vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước dọc sông Hàn.
Công viên Châu Á góp phần tạo nên cảnh quan hiện đại bên bờ sông Hàn. |
Hiện nay, Đà Nẵng cũng chú trọng mở rộng và đầu tư cho tuyến đường này hệ thống vỉa hè lát gạch cùng các tượng đá, cây xanh công phu và nổi bật. Nhờ chạy dọc theo bờ sông, nên không gian phố đi bộ thoáng đãng và trong lành. Đứng tại đây, người dân Đà Nẵng và khách du lịch có thể phóng tầm mắt ra xa và ngắm nhìn cầu Rồng, cầu Sông Hàn lung linh, thơ mộng hay những chiếc tàu du lịch đầy màu sắc.
Tương tự, Huế cũng là địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng sử dụng quỹ đất hai bên bờ sông làm công viên, trồng cây xanh. Cung đường đi bộ chạy dọc theo bờ sông Hương lọt thỏm giữa rừng cây xanh cổ thụ là một trong những không gian công cộng, điểm đến của người dân và du khách bởi luôn hít thở được không khí trong lành, mát mẻ.
Tại Hà Nội, từ năm 1994, trong đồ án Quy hoạch khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, cơ quan tư vấn cũng đã đề xuất ý tưởng gia tăng các không gian xanh và tạo dựng một công viên cây xanh giữa lòng đô thị. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay đồ án đã được hoàn thiện và đang tiến hành lấy ý kiến cộng đồng.
Đồ án Quy hoạch khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An đề xuất ý tưởng gia tăng các không gian xanh và tạo dựng một công viên cây xanh giữa lòng đô thị. Ảnh: UBND quận Tây Hồ. |
Mục tiêu của đồ án là phát triển khu vực hồ Tây trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa của thành phố, trong đó có một nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho thủ đô; bảo tồn khu vực sinh thái đô thị, bảo tồn công trình tôn giáo tín ngưỡng, tăng cường kiến trúc xanh và là không gian công cộng, công viên cây xanh, quảng trường, hình thành trục văn hóa, truyền thống của Hà Nội.
Bên cạnh đó, tiến hành nâng cấp mở rộng một số tuyến đường giao thông theo quy hoạch với mục đích đảm bảo giao thông kết nối thuận tiện thông suốt bên trong và bên ngoài khu vực nghiên cứu, bố trí các điểm bãi đỗ xe đồng bộ, hệ thống cấp điện, liên lạc được bổ sung đầy đủ cho khu vực.
Đồ án này đã tuân thủ chủ trương quy hoạch hồ Tây có từ 3 thập kỷ trước, tận dụng tối đa các lợi thế về văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên mặt nước, cây xanh của khu đất, tạo nên một lá phổi xanh mới cho thủ đô. Do đó, toàn bộ hạng mục công trình văn hóa, dịch vụ được bố cục giấu vào trung tâm công viên. Bao bọc bên ngoài, bám theo các trục đường giao thông chính là hệ thống cây xanh, mặt nước, tạo cảm giác như đang được trải nghiệm các không gian xanh ở ngoại thành cho không chỉ khách tham quan công viên, mà còn cả người tham gia giao thông trong khu vực.
Có thể thấy, đồ án Quy hoạch khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An đã thể hiện ý chí và khát vọng của chính quyền TP Hà Nội và quận Tây Hồ trong việc đưa hồ Tây trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật và giải trí của Hà Nội. Dù ở thời kỳ nào, khu vực xung quanh hồ Tây luôn được chú trọng khai thác những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, về giá trị các làng nghề truyền thống và cả về các truyền thuyết.