Vào tháng 11/2020, cộng đồng game thủ bất ngờ trước thông tin Maurice “F3ro” Henriquez, game thủ chuyên nghiệp trong tựa game Call of Duty qua đời ở tuổi 21.
Trong thông báo, đội game Florida Mutineers của F3ro cho biết anh qua đời sau nhiều cơn đau tim. Đội game này cũng phủ nhận thông tin game thủ mắc chứng trầm cảm và đã tự tử.
Game thủ F3ro qua đời vào tháng 11/2020 sau vài cơn đau tim. Ảnh: Getty. |
Trước đó, vào tháng 6/2020 Jian Zihao, còn được biết với tên "Uzi" tuyên bố giải nghệ ở tuổi 23. Uzi cho biết mình không còn chịu nổi những áp lực và ảnh hưởng tới sức khỏe từ nghề game.
Áp lực của giới game thủ chuyên nghiệp không còn là câu chuyện quá xa lạ. Không chỉ gặp những vấn đề sức khỏe, nhiều game thủ còn có thể mắc bệnh tâm lý sau quá trình luyện tập, thi đấu nhiều năm liền.
Áp lực từ nghề “nghỉ hưu sớm”
Với phần lớn nghề nghiệp, tuổi 20 là khi người lao động bắt đầu đi làm. Tuy nhiên, với nghề game thủ thì độ tuổi này họ đã bắt đầu “già” và phải tính đến chuyện giải nghệ trong tương lai gần.
Tuổi nghề quá ngắn của những game thủ chuyên nghiệp khiến cho áp lực đầu tư để phát triển bản thân lớn hơn nhiều so với những nghề nghiệp khác. Họ bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ tuổi thiếu niên, và chơi game cả trăm giờ mỗi tuần, để rồi giải nghệ khi bước vào giữa những năm 20 tuổi.
Richard Lewis, nhà báo lĩnh vực eSports từng khảo sát nhiều game thủ và kết luận họ chơi game 12-14 giờ/ngày. Dù không hoạt động thể chất nhiều như những vận động viên thể thao, game thủ chuyên nghiệp cũng có thể chịu nhiều chấn thương thể chất, tinh thần sau khi giải nghệ.
Việc chơi game quá nhiều khiến cho game thủ gần như luôn gặp vấn đề về mắt, tay, lưng, vai.
Thời gian chơi game quá dài khiến game thủ dễ gặp các vấn đề về mắt, tay, lưng, vai, chưa kể những bệnh như tiêu hóa, tim mạch. Ảnh: Wired. |
“Khi chơi game, các ngón tay thường bị giữ ở một vị trí trong thời gian dài. Các cơ bắp sẽ co lại, và rồi các bó cơ dính lại với nhau. Điều này khiến việc giãn cơ và thực hiện các hoạt động thông thường khó khăn hơn, dần dần tạo ra cảm giác tê dại”, Chris Oswald, bác sĩ chỉnh hình tại Canada nhận xét.
Theo ông Oswald, việc chơi game nhiều giờ khi không có ghế chuẩn, hỗ trợ cột sống có thể dẫn đến co cứng lưng, sưng đau các khớp, giảm độ linh hoạt.
“Khi còn chơi, tôi thường xuyên bị đau vai và tay. Vì không chịu nổi nên giờ tôi chuyển sang huấn luyện”, Kurtis Ling, còn được biết đến với tên “Aui_2000”, cự game thủ DOTA 2 chia sẻ.
Tổn thương tâm lý vô hình
Sự lan tỏa của những giải đấu game có quy mô thế giới khiến cho game thủ trở thành một trong những nghề hấp dẫn, có nhiều người hâm mộ nhất.
“Có quá nhiều tiền và cơ hội để kiếm tiền. Đây là một nghề hoành tráng”, Yiliang Peng, còn được biết đến với tên trong game “Doublelift” chia sẻ với CBS.
Những giải thưởng trị giá hàng chục triệu USD còn đi kèm với sự nổi tiếng. Từ một cậu bé chơi game trong phòng ngủ, những game thủ hàng đầu có thể thành thần tượng của hàng triệu người xem. Điều đó khiến người hâm mộ nhiều khi quên mất rằng game thủ cũng là con người.
Uzi chia sẻ về chấn thương vai trong một buổi phỏng vấn. Ảnh: NRG. |
“Họ không còn nhận ra rằng những game thủ vẫn là con người. Bạn sẽ không nhận thấy những sự hi sinh, áp lực và sự sợ hãi khi họ không chơi tốt”, nhà báo Richard Lewis nhận xét.
“Bạn được yêu cầu chơi game toàn thời gian”, Dennis Fong, game thủ đã giải nghệ chia sẻ. Fong cho rằng áp lực của nghề khiến game thủ ngại tìm kiếm người yêu, thậm chí là ngại nghỉ ngơi.
Nhiều game thủ tự cho rằng việc chơi thật nhiều chứng tỏ nỗ lực của họ, và đó là điều đáng tự hào.
“Trong thể thao điện tử, người ta tin rằng nếu cố gắng và chơi nhiều hơn, họ chắc chắn sẽ chơi tốt lên”, Doug Gardner, nhà tư vấn tâm lý và giám đốc hiệu suất của game Immortals chia sẻ.
“Họ vẫn sẽ tới đây và chơi, đó là lúc tôi thấy họ giống như đã mất trí. Họ cứ chơi liên tục và chờ đợi kết quả sẽ khác đi”, ông Gardner chia sẻ về nhiều trường hợp game thủ kiệt sức, hốc hác nhưng vẫn không dừng lại.
Một game thủ của tựa game Overwatch phải đi trị liệu sau mỗi ngày luyện tập. Ảnh: CBS News. |
Trong y học thể thao, từ lâu các bác sĩ đã để ý tới khía cạnh tâm lý. Tuy nhiên, việc áp dụng trị liệu tâm lý cho game thủ chuyên nghiệp vẫn chưa được quan tâm nhiều.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí chuyên ngành game IJGCMS vào năm 2019, những vấn đề tâm lý game thủ đối mắt là rất phức tạp, từ cảm giác lo lắng, sợ thất bại tới căng thẳng làm giảm khả năng giao tiếp. Nghiên cứu này kết luận game thủ chuyên nghiệp chịu stress tương tự vận động viên thể thao.
“Trong ngành này, từ lâu chúng ta đã biết rằng những vấn đề tâm lý đối với game thủ hàng đầu sẽ ảnh hưởng tới khả năng của họ. Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định điều đó. Cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực để đảm bảo nghề game có thể phát triển hơn trên toàn thế giới”, Rob Black, Giám đốc vận hành của đội game ESL nhận xét.