Hồ nước Siloam được vẽ dựa trên cơ sở các cuộc khai quật. Ảnh: Reuters. |
Ngày 28/12, chính quyền Israel tuyên bố sẽ cho phép du khách tham quan hồ nước Siloam, địa điểm khảo cổ có “ý nghĩa quan trọng” được mô tả trong Kinh thánh, theo Algemeiner.
Hồ Siloam là một trong những địa điểm quan trọng nhất ở Jerusalem vào thời kỳ Đền thờ thứ nhất (1200-586 TCN), đóng vai trò là hồ chứa nước từ suối Gihon Spring. Hồ được mở rộng vào khoảng 2.000 năm trước, cuối thời kỳ Đền thờ thứ hai (586 TCN-70).
Các nhà khảo cổ học cho rằng hồ được sử dụng như một nhà tắm nghi lễ của người Do Thái (mikveh). Hàng triệu người hành hương sẽ đắm mình trong hồ trước khi đi lên đền thờ Jerusalem.
Quá trình khai quật sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, được công bố bởi Cơ quan Cổ vật Israel, Cơ quan Công viên Quốc gia Israel và Quỹ Thành cổ David.
Du khách ban đầu được phép quan sát công việc khảo cổ. Trong những tháng sau, du khách có thể tiếp cận hồ nước thông qua một tuyến đường bắt đầu từ phía nam Thành cổ David và kết thúc tại Bức tường phía Tây.
Thị trưởng Jerusalem Moshe Lion đã gọi hồ nước là “một địa điểm có ý nghĩa lịch sử, quốc gia và quốc tế”.
“Sau nhiều năm mong đợi, chúng tôi sẽ sớm khám phá ra địa điểm quan trọng này và giúp hàng triệu du khách tới Jerusalem chiêm ngưỡng”, ông nói
Hồ Siloam được cho là có diện tích khoảng 5.000 m2 vào thời kỳ đỉnh cao, thu hút sự quan tâm của các nhà khảo cổ từ cuối thế kỷ XIX. Trong những năm 1880, một dòng chữ cổ của người Do Thái đã được tìm thấy trong một đường hầm dẫn nước từ suối Gihon vào hồ nước.
Việc xây dựng hồ Siloam lần đầu tiên được mô tả trong Cựu ước, dưới thời trị vì của vua Hezekiah (khoảng thế kỷ VIII TCN). Trong Tân ước, hồ Siloam là nơi chúa Jesus chữa chứng mù lòa cho một người đàn ông.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.