Năm 2007, các nhà máy chế biến hải sản đóng tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) đi vào hoạt động cũng là lúc môi trường khu vực chịu nhiều ảnh hưởng. Tình trạng xả thải chưa qua xử lý khiến hồ nước rộng trên 10 ha phía sau các nhà máy trở thành hồ chết.
Bên trong cống xả số 6 của công trình thủy lợi toàn nước thải màu đỏ. Ảnh: Ngọc An. |
Theo ông Nguyễn Thành An, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi xã Tân Hải, những năm chưa xảy ra việc xả thải, vùng nước phía sau các nhà máy được thiết lập hệ thống đê ngăn cách với sông Chà Và. Từ đó hình thành hồ rộng lớn với chức năng xả lũ về mùa mưa và ngăn sự xâm nhập mặn vào vùng đất nông nghiệp. Hiện nay, hồ không còn công năng như thiết kế ban đầu mà trở thành khu vực chứa nước thải khổng lồ của các nhà máy.
Nước tại đây luôn có màu đỏ, nhiều khu vực xuất hiện lớp váng màu trắng trên bề mặt và quanh năm bốc mùi hôi thối. Ông Đặng Công Thảo 50 tuổi, ngụ tổ 10, thôn Cát Hải (xã Tân Hải) nói: “Ngày xưa trong hồ có cây ngập nước, cá tôm và các loại hải sản nhiều vô kể. Giờ không những hải sản bị tuyệt diệt mà cỏ cây cũng không sống nổi. Khu vực nước ngập của sông Chà Và sát chân đê cũng không còn tôm cá”.
“Người dân ngày ngày phải hít thở không khí hôi thối, ô nhiễm nên khó tránh bệnh tật. Hiện, nhiều người trong vùng bị viêm xoang và có 4 người chết do ung thư”.
Ông Nguyễn Long Trọng, ngụ tổ 9, thôn Cát Hải (xã Tân Hải)
Cũng theo ông Thảo, mùi hôi từ hồ bao trùm vùng rộng lớn, cách xa 5 km vẫn có thể cảm nhận được. Đặc biệt vào đêm khuya và rạng sáng, hồ bốc lên mùi hôi của hóa chất. Nhiều khả năng các nhà máy chọn thời điểm đó xả thải.
Hồ nước độc rộng 10 ha nằm bên bờ sông Chà Và đang trở thành mối nguy hại cho môi trường. Tháng 9/2015, nước từ hồ này tràn ra sông qua hệ thống cống xả số 6 (xã Tân Hải) khiến hàng chục hộ nuôi cá bè ở lưu vực thuộc xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) gánh hậu quả. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có khoảng 140 tấn cá của 33 hộ dân bị bị chết, gây thiệt hại trên 18 tỷ đồng.
Viện Môi trường và tài nguyên lấy mẫu nước xét nghiệm và kết luận, hoạt động xả thải của các công ty chế biến hải sản qua cống số 6 chiếm 75% trong các nguyên nhân gây hải sản chết hàng loạt.
Cư dân làng bè Dương Văn Hùng - người bị thiệt hại 1,3 tỷ đồng trong thảm họa xả thải tháng 9/2015 lo ngại: “Hồ nằm ở thượng nguồn Chà Và nên nước thải rò rỉ hoặc nếu bị ai đó mở cống xả lén thì ngư dân chúng tôi gánh hậu họa. Chừng nào nguồn nước ấy chưa được xử lý thì chúng tôi còn mất ăn, mất ngủ, mất tài sản”.
Một góc hồ thủy lợi chứa nước thải độc hại của 14 nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải (huyện Tân Thành). Ảnh: Ngọc An. |
Để tạm ngăn nước độc đổ ra sông Chà Và, Trạm quản lý - khai thác công trình thủy lợi huyện Tân Thành cắt cử nhân viên, lập chốt canh giữ ở khu vực cống xả số 6.
Ông Nguyễn Tam Khôi, nhân viên trạm, cho biết: “Việc lập chốt được thực hiện từ cuối mùa mưa năm 2015. 4 nhân viên của trạm thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn tình trạng người lạ lén mở cống xả”. Cũng theo nhân viên này, cống số 6 xuống cấp nên khi đóng chặt nước thải vẫn có thể tràn ra ngoài khi thủy triều rút và ngược lại.
Về vấn đề xả thải qua cống số 6 của 14 công ty chế biến hải sản ở xã Tân Hải, ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh Thanh tra Sở TN-MT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sở đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức cắt điện, nước sản xuất đối với 14 công ty.
Theo ông Sinh, trước đây lực lượng chức năng từng đình chỉ sản xuất những công ty gây ô nhiễm và buộc họ cải tạo môi trường. “Khi họ cải tạo và được phép hoạt động trở lại thì tiếp tục vi phạm. Vậy nên chúng tôi cần có biện pháp mạnh, quyết liệt hơn. Về hồ nước thải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đề nghị Viện Môi trường và tài nguyên khảo sát, đánh giá để thực hiện cải tạo, làm nước trong trở lại”, Chánh thanh tra Sở TN-MT nói.
Thực vật ở bờ hồ bị chết khô do nước thải dâng cao. Ảnh: Ngọc An. |
Tháng 9/2015, cá bè của hàng chục hộ dân nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) chết hàng loạt. Xác định nguyên nhân do các nhà máy chế biến hải sản xả thải, người dân đã chở cá lên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để yêu cầu giải quyết vụ việc.
Ngày 9/5, 20 luật sư tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 33 hộ dân nuôi cá bè để khởi kiện 14 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt.
Các doanh nghiệp xả thải bị kiện gồm: Doanh nghiệp tư nhân Trọng Đức, Công ty TNHH Hòa Thắng, Công ty TNHH Phước An, Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành, Doanh nghiệp tư nhân chế biến bột cá Phúc Lộc, Công ty TNHH Nghê Huỳnh, Doanh nghiệp tư nhân Đông Hải, Doanh nghiệp tư nhân Trung Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Thương Thương, Doanh nghiệp tư nhân Đại Quang, Doanh nghiệp tư nhân Gia Hòa, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Sương, Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt.