Chúng tôi có dịp theo đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP HCM, bất ngờ kiểm tra cơ sở Pháp Việt, chuyên sản xuất chế biến bò viên cung cấp cho các quán phở, hủ tiếu bình dân và các xe đẩy bán bò viên, cá viên chiên ở vùng ven TP HCM, tỉnh Bình Dương.
Cơ sở này nằm sâu hun hút ở trong ấp 3, xã Vĩnh Lộc A do ông N.V.B (31 tuổi, quê Quảng Ngãi) làm chủ. Nói “bò viên” cho oách, nhưng thật ra nguyên liệu không phải chỉ mỗi thịt bò mà hỗn tạp cả thịt heo bẩn và thịt gà hết đát.
Thế nên, ngay khi bước vào khu vực chế biến thì các thành viên trong đoàn phải lấy tay bịt mũi, bởi mùi tanh nồng bốc ra từ đống thịt tạp nham chứa đựng trong các thau nhôm, rổ nhựa nằm rải rác khắp nơi.
Các loại thịt gồm heo, gà, bò trộn chung với hóa chất và gia vị đưa vào máy xay trông rất bẩn. |
Ở đó, một người đàn ông ở trần có nhiệm vụ đưa thịt hỗn độn vào một máy cối trộn xay chung với một loại hóa chất (thứ bột màu trắng) cùng một số gia vị như đường, bột ngọt. Sau đó sẽ được chuyển qua “máy vo” thành từng cục gọi là... bò viên. Cuối cùng đem luộc, sản phẩm bò viên vớt ra có màu vàng khá đẹp, từ đây cho vào các bịch nilon đem đi tiêu thụ với giá bán sỉ bình quân 47.000 đồng/kg.
Dù cơ sở chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện ATVSTP, nhưng mỗi ngày cho ra lò hơn cả tấn bò viên “bẩn”. Làm việc với đoàn kiểm tra, ông B., cho biết cơ sở mới hoạt động được mấy tháng nay, và ông chọn địa điểm sản xuất ở hóc hẻm vùng ngoại thành, dân cư thưa thớt với mục đích chính là “không muốn cạnh tranh” với ai.
Về nguyên liệu thịt heo, thịt bò ông khai mua trôi nổi ở các chợ đầu mối, còn thịt gà được trữ lạnh cấp đông có nguồn gốc nhập khẩu từ Brazil đã hết hạn sử dụng 3 tháng. Mặc nhiên, ông không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc kiểm dịch động vật.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đếm có 6 thùng gà cấp đông, tổng cộng 90 kg đã hết hạn sử dụng từ tháng 3/2015, đồng thời có trên 340 kg thịt heo và thịt bò đang chuyển màu tím tái cùng 660 kg thịt xay sơ chế “dơ”.
Điều đáng nói, trước đó Trạm Thú y quận 8 (Chi cục Thú y TP HCM) đã bắt quả tang người làm của hộ kinh doanh N.H ở đường Tạ Quang Bửu thay đổi bao bì, hạn sử dụng mới cho thịt gà tươi cấp đông cũng có nguồn gốc từ Brazil quá đát.
Sản phẩm bò viên sau khi luộc trông vàng ươm bắt mắt nhưng lại rất “dơ”. |
Đoàn kiểm tra đã phạt cơ sở này gần 27 triệu đồng và buộc tiêu hủy hơn 1 tấn thịt và phụ phẩm gà đã hết hạn sử dụng. Không hiểu hộ kinh doanh V.H với cơ sở chế biến bò viên của ông B., có quan hệ gì không? Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện thêm 100 kg bột ngọt Trung Quốc, 70 kg đường Thái Lan dùng chế biến bò viên.
Đáng sợ hơn là cơ sở còn sử dụng cả chất cấm là sodium benzoate không rõ nguồn gốc của Trung Quốc với số lượng tồn đến 70 kg.
Theo quy định của Bộ Y tế, sodium benzoate chỉ được phép dùng cho một số nhóm thực phẩm mà tuyệt đối không được sử dụng trong nhóm thịt. Mấy năm gần đây, thịt ngoại ồ ạt nhập về (phần lớn là thịt gà) nên cạnh tranh trên thị trường rất quyết liệt, áp lực tiêu thụ lượng hàng lớn trong thời gian ngắn, đã đẩy nhiều lô hàng nhập khẩu thường vào tình trạng hết đát.
Theo quy định, chủ hàng phải khai báo với cơ quan chức năng để chuyển mục đích sử dụng hoặc đem đi tiêu hủy. Thế nhưng, theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Thú y TP HCM, hầu như không có chủ hàng nào chủ động, tự giác mà chỉ khi bị kiểm tra, phát hiện mới xin hủy hàng. Nếu cơ quan kiểm tra không phát hiện thì họ sẽ để lẫn lộn và tiếp tục kinh doanh.
Theo tìm hiểu chúng tôi, tình trạng sử dụng chất cấm trong tẩm ướp, bảo quản, gian lận thực phẩm diễn ra ngày càng nhiều. Cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra Công ty Thực phẩm H.V ở quận Tân Phú, TP HCM, cũng đã phát hiện chất cấm.
Tại đây, dụng cụ sản xuất, thịt nguyên liệu đặt ngay trên nền sàn ẩm ướt, sát ngay miệng cống nước thải và gần nhà vệ sinh. Trong khi sản phẩm công ty quảng cáo đưa ra thị trường là bò viên, cá viên, heo viên, nhưng trong kho lại chứa rất nhiều thịt trâu!
Một cán bộ đoàn kiểm tra cho biết, công ty này đã dùng thịt trâu để làm bò viên và sử dụng rất nhiều loại phụ gia, hương liệu, trong đó có nhiều loại không nhãn mác, có loại cả bột màu trắng, mà kiểm tra nhanh sau đó cho biết đó là hàn the, một chất cấm dùng trong thực phẩm.
Vận chuyển công khai nguyên con heo giết mổ ngay trên đường quốc lộ 1A khu vực giáp ranh giữa TP HCM và Long An. |
Hiện nay, có thể nói huyện Bình Chánh là điểm khá “nóng” về hoạt động vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. Ông Nguyễn Hồng Triệu, Trưởng Trạm Thú y cho rằng, thịt bẩn từ các tỉnh lân cận một khi đã luồn lách vào nội ô TP HCM thì cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, phát hiện.
Chẳng hạn, trong tháng 6, từ tin báo quần chúng, Trạm đã phát hiện có hơn 500 kg thịt đặc sản gồm cánh, bao tử đà điểu, thịt nai, thịt nhím và thịt heo đang được cấp đông tại kho chứa tại một cơ sở ở ấp 4A, xã Bình Hưng đang chuẩn bị tung ra cho các nhà hàng tiêu thụ.
Theo chủ cơ sở, các loại thịt đặc sản trên được mua từ tỉnh Đồng Nai. Thịt sau khi được đóng gói đẹp đẽ sẽ giao cho các quán ăn, nhà hàng với giá bình dân 80.000-100.000 đồng/kg.
"Nhưng qua cảm quan, chúng tôi nghi ngờ số thịt không còn tươi nên đã lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện toàn bộ đều bị nhiễm khuẩn E.Coli, Salmonella ở mức độ nặng. Tình trạng thịt sau xét nghiệm cho thấy người dùng có thể bị ngộ độc nếu ăn phải", ông Triệu nói.
Đây không phải là lần đầu tiên TP HCM phát hiện các loại thịt sắp được tung ra thị trường bị nhiễm bẩn. Theo bác sĩ thú y Dương Tấn Ni, Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP HCM, các loại vi sinh được phát hiện trong thịt bẩn thường là khuẩn E.Coli, Salmonella gây bệnh đường ruột. Ngoài ra, còn có khuẩn Streptococcus suis gây bệnh liên cầu lợn.