Huấn luyện viên lão làng Steve Darby có những chia sẻ thẳng thắn với Zing.vn về những vấn đề nổi cộm của bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây. |
- Ông đánh giá như thế nào về sai sót của trọng tài Việt Nam ở 6 vòng đấu V.League gần đây, trong đó có một vài trường hợp ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của trận đấu?
- Thực tế, trọng tài trên khắp thế giới (gồm cả ở giải ngoại hạng Anh hay World Cup...) cũng đều có thể mắc sai lầm. Bởi họ cũng là con người và họ phải đưa ra quyết định trong khoảng thời gian rất ngắn, họ được sử dụng các video quay lại tình huống để cân nhắc đưa ra quyết định.
Không ai muốn phạm sai lầm, nhưng cầu thủ, huấn luyện viên và báo chí Việt Nam luôn chỉ trích và nghi ngờ trọng tài có vấn đề về tư tưởng, điều này khiến họ rất khó làm việc.
Ông Darby rất am hiểu bóng đá Đông Nam Á.
|
- Theo ông, nguyên nhân chủ quan, khách quan nào dẫn tới các sai sót của trọng tài Việt Nam là gì?
- Nếu các bạn đặt niềm tin tuyệt đối về sự trung thực của các trọng tài, thì lý do lớn nhất dẫn tới sai lầm chỉ là do họ không được đào tạo bài bản và thiếu kinh nghiệm.
Ông Steve Darby từng làm việc tại Việt Nam, Singapore, Lào, Malaysia, Úc và Ấn Độ. Ông hiểu rõ bóng đá châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Chuyên gia 62 tuổi thẳng thắn chia sẻ sự cố ở trận đấu TP.HCM vs Long An trong khuôn khổ vòng 6 V.League là một sự hổ thẹn cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Các video về sự cố này đã lan truyền tới mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, ông hài lòng với các quyết định kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với CLB Long An.
- Trọng tài Việt Nam nhận tiền lương khoảng hơn 300 USD mỗi trận bắt chính. Ông có thể so sánh mức lương này so với các trọng tài quốc tế? Việc thu nhập thấp có phải nguyên nhân dễ dẫn tới vấn đề tiêu cực của các trọng tài?
- Với một trọng tài chuyên nghiệp, việc anh ta nhận được bao nhiêu tiền mỗi trận đấu không phải là yếu tố ảnh hưởng tới quyết định đúng hay sai trên sân cỏ. Một cầu thủ ở giải Ngoại hạng Anh nhận lương 100.000 bảng Anh mỗi tuần vẫn còn mắc những sai lầm.
Một mức lương tốt sẽ giúp các trọng tài có cuộc sống tốt hơn và dành toàn bộ thời gian để trau dồi chuyên môn. Nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận nếu họ mắc sai sót.
- Ông nhận xét thế nào về chuyên môn của một số trọng tài FIFA Việt Nam khi tham gia điều hành một số trận đấu quốc tế? Trình độ trọng tài Việt theo ông đang ở đâu trong khu vực Đông Nam Á?
- Tôi theo dõi và thấy rằng trọng tài Việt Nam đã tham gia điều hành nhiều trận đấu quốc tế và tôi thấy họ có chuyên môn rất tốt, không có vấn đề gì.
- Theo ông, việc sai sót liên tiếp ở giải trong nước có làm ảnh hưởng tới uy tín của trọng tài Việt Nam trong mắt AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) và FIFA không?
- Có, tôi nghĩ rằng trọng tài Việt Nam bị ảnh hưởng uy tín sau hàng loạt sai sót ở V.League. Và họ sẽ gặp khó khăn hơn khi AFC và FIFA tuyển chọn người để điều hành các trận đấu quốc tế. Tuy nhiên, nếu được chọn, trọng tài Việt Nam không có điều gì phải lo lắng, vì cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài sẽ luôn tôn trọng họ trên sân cỏ.
- Ông có giải pháp gì để giúp trọng tài Việt Nam hạn chế sai sót và vững vàng về tư tưởng khi chịu áp lực từ nhiều phía (đội bóng, khán giả, ban tổ chức V.League)?
- Các cổ động viên sẽ luôn phàn nàn về các quyết định của trọng tài khiến đội bóng của họ gặp bất lợi. Nhưng VFF và truyền thông Việt Nam phải luôn đứng về phía trọng tài để ủng họ họ. Tôi nghĩ rằng trọng tài ngoài chuyên môn cần nhận được sự hỗ trợ để ổn định về vấn đề tâm lý.
- Theo ông, điểm sáng lúc này của bóng đá Việt Nam là gì?
- Điểm nổi bật của bóng đá Việt Nam là sự nhiệt tình và niềm đam mê của các cầu thủ và người hâm mộ. Tôi đã sống ở đây 15 năm và bóng đá Việt Nam đã có sự tiến bộ rất lớn. Tôi hy vọng rằng VFF sẽ có biện pháp để ngăn chặn những sự cố đáng tiếc như trận TP.HCM vs Long An hôm 19/2, để giữ những hình ảnh tốt đẹp về bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
HLV Steve Darby từng làm HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam trong giai đoạn 2001-2002.
Trong những năm 2008-2009, ông Steve Darby từng làm HLV trưởng đội tuyển Thái Lan và U23 Thái Lan.
Ông Steve Darby từng làm việc ở 5 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào.