Man United công bố bản hợp đồng chi tiết của Cristiano Ronaldo, với những thông tin quan trọng như: Phí chuyển nhượng 19,8 triệu bảng, lương 385.000 bảng/tuần, hợp đồng 2 năm kèm theo điều khoản gia hạn 1 năm.
Ronaldo cũng có bài phát biểu đầu tiên trên tư cách tân binh của Man United. Và thông qua bài phát biểu trên The Guardian của Ole Gunnar Solskjaer, nhiều khả năng Ronaldo ra mắt trong trận gặp Newcastle vào ngày 11/9. Sân khấu đã được chuẩn bị xong, nhưng liệu đạo diễn Solskjaer đã nắm vững kịch bản trong tay hay chưa?
Cristiano Ronaldo đã chính thức "về nhà". Ảnh: Daily Mail. |
Solskjaer có kiểm soát nổi Ronaldo?
3 năm gắn bó của Cristiano Ronaldo với Juventus đã cho chúng ta thấy vấn đề tương đối rõ ràng. Ronaldo là ngôi sao hàng đầu thế giới, nhưng nếu hệ thống của đội bóng không đủ tốt, anh cũng chỉ như con hổ bị thả xuống đồng bằng.
Vậy nên, việc Man United chiêu mộ được Ronaldo cũng mới chỉ hoàn thành bước đầu tiên. Đó là gắn thêm một họng pháo lợi hại vào cỗ máy chiến đấu của họ. Còn họng pháo đó có nổ súng hay không và nổ súng thì có trúng mục tiêu hay không, còn tùy thuộc vào chiến lược và những người nhồi thuốc súng.
Câu hỏi đang dồn lên vai huấn luyện viên Ole Gunnar Solskjaer. Sau 3 trận đầu Premier League mùa này, niềm tin vào Solskjaer đang sói mòn dần. Tất cả đều đang nhìn rất rõ sự loay hoay, thiếu nhất quán của Solskjaer trong việc bố trí đội hình lẫn vận hành lối chơi.
Trận đầu ông thành công khi để Mason Greenwood đá số 9 ảo, thì đến trận thứ hai lại đột ngột kéo Greenwood ra cánh. Sau khi bị chỉ trích, ông trả Greenwood vào trung tâm hàng công ở trận thứ 3 gặp Wolves, nhưng lại tỏ ra khó hiểu với quyết định kéo Paul Pogba xuống đá tiền vệ trụ, dù 2 trận trước đó Pogba đá hay ở vị trí lệch trái.
Huấn luyện viên Ole Gunnar Solskjaer đang suy nghĩ quá nhiều? Ảnh: Getty Images. |
Chiến lược gia người Na Uy đang rơi vào thế “loạn đao pháp” như Solskjaer, thì kiểm soát hào quang của Cristiano Ronaldo bằng cách nào?
Tờ Daily Mail hỏi Solskjaer: Liệu ông có đủ tiếng nói để thuyết phục Ronaldo nhường những cú đá phạt trực tiếp cho Bruno Fernandes hay không?
Đừng để Ronaldo đá phạt
Tất cả thống kê đều chứng minh Ronaldo đá phạt chẳng khác nào ném cơ hội qua cửa sổ. Trong 3 năm ở Juventus, Ronaldo được trao 72 cơ hội đá phạt, nhưng chỉ ghi đúng 1 bàn thắng. Như vậy, tỷ lệ chuyển hóa những cú đá phạt của anh trong vài năm gần đây là 1,4%.
Ngay cả trong thời kỳ Ronaldo đạt phong độ đỉnh cao, đá phạt cũng chưa bao giờ là vũ khí lợi hại của anh. Trong 9 năm khoác áo Real Madrid, anh thực hiện 444 cú đá phạt trực tiếp và ghi 33 bàn thắng, đạt tỷ lệ 7,3%. Báo chí còn tính được, cứ phải trung bình 19,2 trận đấu, Ronaldo mới ghi 1 bàn từ các pha đá phạt trực tiếp thời còn tỏa sáng ở Real.
Solskjaer tin chắc đã đọc những thống kê này, và cựu trung vệ của "Quỷ đỏ" Rio Ferdinand mới đây cũng khuyên Solskjaer nên phân chia việc thực hiện các tình huống cố định thật hợp lý. Cụ thể, penalty nên được giao cho Ronaldo, nhưng sút phạt trực tiếp thì nên để Bruno Fernandes thực hiện.
Solskjaer sẽ phải phân chia hợp lý việc thực hiện các tình huống cố định giữa Ronaldo và đồng hương Bruno Fernandes. Ảnh: Getty Images. |
Dù đó chỉ là chi tiết rất nhỏ, người hâm mộ và giới chuyên môn vẫn nghi ngờ Solskjaer không thể giải quyết được. Nhiều cổ động viên bi quan còn lo lắng Man United của Solskjaer sẽ trở thành phiên bản khác của đội tuyển Argentina. Tức là Lionel Messi bảo gì, thì huấn luyện viên làm theo “chỉ đạo” đó. Những thất bại triền miên của Argentina tại các kỳ World Cup gần đây chứng minh mô hình “Messi bảo, huấn luyện viên nghe lời” là sai lầm.
Ronaldo vẫn đang giữ được cơ thể cường tráng và khả năng dứt điểm tuyệt vời, nhưng quy luật “cái tuổi đuổi cái xuân” vẫn không thể đi ngược. Ronaldo sẽ không thể chạy suốt cả trận đấu, mà buộc phải tiết kiệm sức cho vài tình huống đột ngột bứt tốc.
Điều này đặt Solskjaer vào bài toán chiến thuật gian nan khi ông phải đọc trận đấu thật chính xác để phát huy sức mạnh của Ronaldo. Solskjaer sẽ không thể kỳ vọng Ronaldo dâng lên rồi ngay lập tức chạy về hỗ trợ phòng ngự như Marcus Rashford.
Ông cũng không thể mong Ronaldo phải đuổi theo cầu thủ đối phương ngay phần sân khách và càng không thể mong Ronaldo phải hy sinh hào quang giống như Harry Kane đã làm ở đội tuyển Anh để tạo không gian cho những cầu thủ khác tung hoành.
Dĩ nhiên, Solskjaer sẽ phải suy nghĩ và tính toán. Đây cũng là trạng thái mà người hâm mộ Man United ái ngại nhất ở vị chiến lược gia người Na Uy, khi ông đang có dấu hiệu suy nghĩ quá nhiều và làm phức tạp hóa những vấn đề vốn dĩ có thể đơn giản hơn.
Chính vì vậy, mấu chốt thành công của Man United với Ronaldo hoàn toàn nằm trên đôi vai Solskjaer. Thậm chí, vài người hâm mộ vui tính còn ví von Ronaldo giống như chiếc búa quyền năng của thần sấm, nhưng liệu Solskjaer có phải là Thor để biến nó thành vũ khí chiến đấu?