Vòng chung kết U17 Quốc gia 2020 đã chứng kiến câu chuyện gia đình xúc động của 2 cha con huấn luyện viên Lê Kỳ Phương. Cả ông và con trai là cầu thủ Lê Đức Trung đều sẽ chia tay U17 SLNA sau chức vô địch giải đấu. Ông Phương có ý định xin tạm dừng công tác huấn luyện vì bị bệnh tim, còn cầu thủ Lê Đức Trung tạm dừng đá bóng để chuyên tâm học hành.
HLV trưởng Lê Kỳ Phương và con trai là tiền đạo Lê Đức Trung ăn mừng chức vô địch U17 Quốc gia 2020. Ảnh: VFF. |
- Xin chào HLV Lê Kỳ Phương, người hâm mộ bóng đá trong nước đã nhắc khá nhiều đến hình ảnh 2 cha con ăn mừng chức vô địch U17 Quốc gia những ngày qua. Xin chúc mừng ông với danh hiệu vô địch này.
- Đây là chức vô địch đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi khi U17 SLNA đã lâu không lên ngôi sau nhiều năm chờ đợi. Càng đặc biệt khi đây là giải đấu cuối cùng của con trai tôi (cầu thủ Lê Đức Trung). Tâm nguyện vô địch giải quốc gia của 2 cha con trên tư cách HLV trưởng và đội trưởng cuối cùng cũng được hoàn thành.
Tôi xác định cho Trung không theo nghiệp cầu thủ nữa, còn quyết định của các lãnh đạo như thế nào thì đấy là chuyện cá nhân. Con tôi không phải cầu thủ có chuyên môn tốt như các bạn cùng lứa, nên tôi muốn em đi theo con đường khác. Trước mắt, Trung sẽ phấn đấu học xong chương trình phổ thông, hết lớp 12 sẽ thi vào đại học. Tôi để em tự do lựa chọn trường.
- Bao năm ăn tập trong môi trường đào tạo trẻ, chắc chắn sẽ rất khó để cầu thủ chia tay sự nghiệp bóng đá. Cảm giác của ông và con trai như thế nào?
- Cuộc đời làm bóng đá bao nhiêu năm rồi, tôi biết rõ đời cầu thủ vất vả như thế nào. Cầu thủ chuyên nghiệp có nhiều người khó đảm bảo cuộc sống, huống chi con tôi không có năng khiếu như các bạn cùng lứa. Với tư cách phụ huynh, tôi chỉ muốn con mình có cuộc sống tốt, và tôi đã định hướng cho em đi theo con đường khác.
Tôi dẫn dắt lứa U17 SLNA từ khi họ còn ở độ tuổi U13. Là HLV, ai chẳng muốn có con trai theo nghiệp bố, nên khi đó tôi đưa em Trung đi theo đội ăn tập luôn. Bao năm sống trong môi trường bóng đá, được đào tạo bài bản, giờ xác định con trai không đá bóng nữa, chắc chắn cả Trung và tôi đều sẽ khó tránh khỏi cảm giác hụt hẫng.
- Việc để con trai - vốn là cầu thủ dự bị - đeo băng đội trưởng chỉ trong vài phút đầu trận chung kết đầy quan trọng có hơi mạo hiểm không, thưa ông?
- Việc làm của tôi giống như phép thử dành cho đội bóng. Tôi muốn biết các cầu thủ có đồng cảm với nhau không, có chiến đấu vì nhau không. Trước trận chung kết, tôi đã nói với các em về tâm nguyện cuối cùng trước khi chia tay lứa U này, đó là 2 cha con tôi có thể vô địch cùng nhau với vai trò HLV trưởng và đội trưởng.
Đồng đội biết em Trung sẽ nghỉ đá bóng để tập trung đi học và thi đại học nên rất ủng hộ. Điều đó khiến tinh thần chiến đấu của các em được nâng cao hơn. Tôi cảm ơn các cầu thủ đã thi đấu đầy quyết tâm để giúp 2 cha con hoàn thành được tâm nguyện.
HLV Kỳ Phương không buồn khi trợ lý Phạm Văn Quyến được nhắc đến nhiều hơn ở chức vô địch U17 Quốc gia 2020. Ảnh: Hoàng Mai. |
- Ông đã cố làm nhiệm vụ ở giải này dù sức khỏe không tốt. Dự định của ông sau giải này là gì?
- Tôi xin phép lãnh đạo được nghỉ một thời gian vì sức khỏe của mình giờ cũng không còn như xưa. Nói cái này hơi tế nhị chút vì đi khám 2 lần thì người ta bảo mình bệnh tim. Trước giải này vài tháng, tôi đã định nghỉ rồi nhưng vì các học trò động viên nên cố gắng. Các em bảo cần thầy Phương và sẽ chiến đấu vì thầy, với lại đã dẫn dắt lứa này 6 năm rồi, nên tôi xác định cố nốt.
Đương nhiên tôi sẽ vẫn theo nghiệp huấn luyện. Tôi nói với các học trò rằng kể cả thầy không theo các em nữa thì thầy vẫn sẽ luôn hướng về SLNA. Nói đến đây thì nhiều học trò tôi buồn lắm vì họ muốn tôi dìu dắt họ trưởng thành hơn nữa.
- Cho tới trước trận chung kết, người ta nhắc đến trợ lý Phạm Văn Quyến nhiều hơn là HLV trưởng như ông. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi thì thoải mái thôi chứ cũng không buồn hay suy nghĩ gì nhiều đâu. Mọi người nhắc ai là việc của họ. Nhiều người cũng hỏi tôi rằng tại sao tôi làm HLV trưởng mà báo chí lại toàn nhắc đến Văn Quyến. Tôi không quan tâm nhiều đến chức danh mà chỉ luôn nỗ lực để làm điều gì đó cho các cầu thủ. Các học trò của tôi, họ sẽ được cái gì, làm được gì sau này, đó mới là điều tôi quan tâm.
Chuyện người ta nhắc Văn Quyến nhiều hơn, tôi rất vô tư vì từng trải qua trước đây rồi. Cách đây vài năm tôi bị Liên đoàn kỷ luật, không được dẫn dắt đội thi đấu với tư cách HLV trưởng mà chỉ làm trợ lý. Nói cái này hơi tế nhị, mong anh thông cảm, vì lúc đội vô địch, các học trò chạy ra sân ôm tôi, chia vui với tôi chứ không phải HLV trưởng lúc đó.
- Đâu là kỷ niệm đẹp nhất đối với ông trong quá trình đào tạo trẻ những năm qua?
- Suốt bao năm qua, tôi đã tiếp xúc và làm việc với rất nhiều cầu thủ. Để mà nói về những kỷ niệm đẹp thì quá nhiều, kỷ niệm đẹp luôn đi cùng với những câu chuyện xúc động mà tôi chứng kiến. Người ta nói lò đào tạo trẻ SLNA có nhiều câu chuyện rơi nước mắt, không sai đâu. Tôi chỉ muốn nói là hạnh phúc khi tất cả cầu thủ của mình được trưởng thành và thành công trong sự nghiệp.
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
HLV Lê Kỳ Phương sinh năm 1966, là cầu thủ trước thời Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường. Sau nhiều năm tham gia công tác huấn luyện ở lò SLNA, ông Phương được đôn lên làm trợ lý HLV trưởng đội một nhưng đến năm 2012 lại xin trở lại làm đào tạo trẻ.
Trong sự nghiệp, ông Phương từng dẫn dắt đủ các đội U của SLNA, từng là thầy của hàng loạt tên tuổi như Trần Phi Sơn, Ngô Hoàng Thịnh, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh.
Ở VCK U17 Quốc gia 2020, HLV Lê Kỳ Phương trao quyền chỉ đạo cho trợ lý Phạm Văn Quyến. Sức khỏe không tốt khiến ông Phương bị hạn chế trong việc hô hào chỉ đạo học trò thi đấu trên sân.