HLV Alexandre Polking sẽ dẫn dắt tuyển Thái Lan với bản hợp đồng ngắn hạn. Mục tiêu của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) và cựu HLV CLB TP.HCM là chức vô địch AFF Cup 2020 diễn ra vào tháng 12 tới. Song nhà cầm quân người Brazil phải đối mặt với thử thách từng khiến nhiều HLV ngoại chịu thất bại cay đắng.
Nishino là HLV ngoại gần nhất của tuyển Thái Lan. Ông bị sa thải sau vòng loại thứ hai World Cup 2022. Ảnh: Quang Thịnh. |
8 đời thầy ngoại, 2 chức vô địch
Tính từ thời điểm khai sinh AFF Cup (tên cũ là Tiger Cup) vào năm 1996, đội tuyển Thái Lan đã đón 7 HLV ngoại tới làm việc. Đó đều là những nhà cầm quân được đánh giá cao và gây ấn tượng bởi bản lý lịch đồ sộ.
HLV Peter Withe là người đầu tiên dẫn dắt tuyển Thái Lan sau khi "Voi chiến" thất bại tại Tiger Cup 1998 với trận thua 0-3 trước tuyển Việt Nam. Sau đó, FAT lần lượt ký hợp đồng với các HLV Carlos Roberto Carvalho, Siegfried Held, Peter Reid, Bryan Robson, Winfried Schaefer, Milovan Rajevac và Akira Nishino ở những thời kỳ khác nhau. Alexandre Polking là đời thầy ngoại thứ 9 ngồi vào ghế nóng của tuyển Thái Lan.
Trong những nhà cầm quân từng làm việc tại Thái Lan nói trên, người duy nhất để lại ấn tượng và có thể trụ lâu là Peter Withe. Cựu tiền đạo tuyển Anh giúp Thái Lan có hai chức vô địch AFF Cup 2000 và 2002. Đầu năm 2004, nhà cầm quân này chia tay bóng đá Thái Lan và kể từ đó, "Voi chiến" trở thành đội bóng "sát" thầy ngoại.
Đến làm việc sau HLV Peter Withe, hai HLV Siegfried Held và Bryan Robson thậm chí còn khiến tuyển Thái Lan bị loại từ vòng bảng ở giải đấu năm 2004 và 2010. Tại AFF Cup 2008, nơi tuyển Việt Nam đăng quang, HLV Peter Reid giữ chức thuyền trưởng đội tuyển Thái Lan.
Ông nhận mức lương lên tới 1 triệu baht mỗi năm với bản hợp đồng kéo dài 4 năm. Tuy vậy, ngôi á quân là không đủ để thuyết phục những nhà làm bóng đá xứ Chùa Vàng. Tới giữa năm 2009, nhà cầm quân người Anh trở về nước làm việc.
Kịch bản tương tự đến với HLV Winfried Schafer. Tháng 7/2011, nhà cầm quân người Đức được chọn để thay thế người tiền nhiệm Bryan Robson với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất của HLV Schafer là đưa tuyển Thái Lan vào tới bán kết AFF Cup 2012. Tháng 6/2013, ông bị sa thải sau thất bại tại vòng loại World Cup 2014 của tuyển Thái.
HLV Milovan Rajevac đến Thái Lan từ năm 2017 hay ông Akira Nishino nhậm chức từ năm 2019 cũng chỉ có khoảng 2 năm làm việc. Họ đều không thể tiến xa ở các giải đấu tầm cỡ châu lục.
HLV Kiatisuk từng có thời gian mặn nồng với FAT trước khi những mối bất hòa ập đến. Ảnh: FAT. |
Những vấn đề thâm căn cố đế
Trong 25 năm qua, Thái Lan đã trải qua nhiều đời HLV cả nội lẫn ngoại. Họ đều được đánh giá cao, nhận nhiều đãi ngộ nhưng thành tích đem về thì không phải ai cũng tương xứng.
Giai đoạn bóng đá Thái Lan khởi sắc nhất là khi HLV Kiatisuk cầm quân. Huyền thoại của bóng đá Thái có 4 năm ngồi ghế nóng, đem về 2 chức vô địch AFF Cup. Ông cũng là người giúp Thái Lan lần đầu tiên góp mặt tại vòng loại thứ ba World Cup hồi năm 2017.
Đáng tiếc, vì những bất đồng trong đường lối với lãnh đạo FAT, Kiatisuk phải ra đi sau thất bại tại vòng loại thứ ba World Cup 2018.
Sự thiếu đồng nhất trong quan điểm và mục tiêu cũng xuất hiện ở những đời HLV sau này. FAT dường như thiếu kiên nhẫn với HLV Rajevac, người kế nhiệm Kiatisuk. HLV Nishino thậm chí còn bị Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung chỉ trích không ít ngay ở thời điểm nhà cầm quân người Nhật Bản còn tại vị.
Việc không bảo vệ người dưới quyền dường như là thói quen của lãnh đạo FAT. Kể cả huyền thoại bóng đá xứ Chùa Vàng Kiatisuk cũng không tránh khỏi cảnh tương tự.
"Tôi không thể nào chấp nhận những kết quả của tuyển Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018. Bản thân tôi rất xấu hổ vì điều đó", ông Somyot từng nói trước khi sa thải HLV Kiatisuk. Theo The Nation, Chủ tịch Somyot tin rằng "Zico Thái" chỉ phù hợp cho những mục tiêu khu vực của tuyển Thái và "Voi chiến" cần một HLV "còn hơn cả HLV giỏi" cho những tham vọng của FAT.
Kiatisuk là huyền thoại của bóng đá Thái Lan. Rajevac hay Nishino đều là HLV đẳng cấp và từng làm nên chuyện tại World Cup cùng tuyển Ghana và Nhật Bản. Tuy nhiên, họ đều chịu chung kết cục khi dẫn dắt tuyển Thái Lan: Bị sa thải sau thất bại ở giải châu Á.
Những HLV đó bất tài hay sức mạnh của tuyển Thái Lan chỉ có vậy? Một HLV đến và thất bại có thể do lỗi của họ, nhưng ba người cùng thất bại với một kịch bản, xem ra bóng đá Thái Lan mới là bên có vấn đề.
Đó cũng chính là những thứ đang chờ đợi HLV Polking. Mano (biệt danh của HLV Polking) sẽ phải đối mặt và vượt qua nhiều bão tố trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình trước khi nghĩ tới tương lai dài hơi ở tuyển Thái Lan.