Chia sẻ với báo giới chiều 27/8, HLV Park Hang-seo nói về trường hợp của 2 cầu thủ chấn thương Nguyễn Trọng Hoàng và Đoàn Văn Hậu: “Chẩn đoán ban đầu cho thấy chấn thương của Hoàng và Hậu khá nghiêm trọng. Tới nay, họ đã bắt đầu chạy bộ và tiến triển rất nhiều. So với thời gian đầu, họ đã tiến bộ”.
“Tôi chọn họ lên tuyển vì nếu bác sĩ bảo họ thi đấu được, tôi sẽ gọi. Tôi là người không dễ từ bỏ. Nếu bác sĩ nói điều đó, tôi sẽ tôn trọng ý kiến của ông ấy”, HLV Park nhấn mạnh.
Trọng Hoàng (phải) và Văn Hậu trên sân tập tuyển Việt Nam vào chiều 29/8. Ảnh: Thế Anh. |
Trước đó, ông Park gây tranh cãi lớn khi gọi bộ đôi hậu vệ cánh này lên tuyển quốc gia. Cả hai đều được CLB chủ quản xác nhận cần khoảng 4 tuần để bình phục chấn thương, tức là chẩn đoán ban đầu khẳng định họ không thể kịp bình phục cho trận gặp Thái Lan hôm 5/9.
Tuy nhiên, tới chiều 29/8, Văn Hậu và Trọng Hoàng thậm chí tập cùng đồng đội theo giáo án bình thường. Trong huấn luyện bóng đá, thế nghĩa là đã ở trạng thái sẵn sàng thi đấu.
Chuyện Hoàng - Hậu gợi nhớ một cái tên khác của tuyển Việt Nam là Trần Đình Trọng.
Tại AFF Cup, Đình Trọng nén đau thi đấu khi vẫn đang bị rạn một mảnh xương nhỏ ở mu bàn chân. AFF Cup kết thúc, anh lập tức được đưa sang Hàn Quốc điều trị và phải vắng mặt ở Asian Cup 2019.
Khi U23 Việt Nam hội quân đá vòng loại U23 châu Á 2020, Đình Trọng chưa bình phục hoàn toàn vẫn phải ra sân trước U23 Indonesia và Thái Lan. 2 tháng sau vòng loại, Đình Trọng tiếp tục dính chấn thương. Lần này, mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Đình Trọng và HLV Park Hang-seo. Ảnh: FBNV. |
Đương nhiên, chúng ta không có những bằng chứng y học cụ thể để cho rằng chấn thương của Đình Trọng trước King’s Cup có liên quan tới việc anh trở lại thi đấu sớm ở vòng loại U23 châu Á 2020.
Tuy nhiên, mọi người đều biết có thể thi đấu không đồng nghĩa cầu thủ đã bình phục 100%. Đặc điểm của chấn thương thể thao là không biến mất hoàn toàn sau mỗi lần điều trị. Nó tích tụ liên tục theo thời gian và có thể tái phát khi bị điều kiện bên ngoài tác động. Điều kiện bên ngoài ở đây là tần suất thi đấu vượt giới hạn. Tuấn Anh với cái đầu gối trái từng là dẫn chứng cho quy luật này.
Thêm nữa, luôn có độ chênh nhất định giữa chẩn đoán của đội ngũ Park Hang-seo với các CLB Việt Nam. Cụ thể với trường hợp của Đình Trọng, các chẩn đoán hồi tháng 6 của bác sĩ Choi Ju-young cho thấy Trọng cần 4 tháng để bình phục. Ông Choi thậm chí ngồi ở sân bay Thái Lan, gọi “video call” về Việt Nam cho Trọng để thông báo tình hình.
Cùng lúc đó, chẩn đoán của CLB Hà Nội cho thấy Trọng phải nghỉ thi đấu 6-8 tháng.
Có gì khác biệt giữa hai chẩn đoán ấy? Chưa bàn tới năng lực của các bác sĩ, chẩn đoán đầu tiên cho phép Đình Trọng dự vòng chung kết U23 châu Á 2020 và thậm chí SEA Games 30. Chẩn đoán thứ hai thì không.
Bác sĩ Choi gọi điện từ Thái Lan về Việt Nam báo tin chấn thương cho Đình Trọng. Ảnh: Quang Thịnh. |
Giống như các trường hợp của Đoàn Văn Hậu và Trọng Hoàng sau này, chẩn đoán của bác sĩ Choi luôn có thời gian chấn thương ngắn hơn chẩn đoán của các CLB V.League.
Mới đây, khi tái khám tại Singapore, bác sĩ Tan Jee Lim cho biết Đình Trọng cần tối thiểu 9 tháng để bình phục hoàn toàn. Nghĩa là kể từ AFF Cup 2018 tới nay, chấn thương của Đình Trọng đã liên tục tiến triển theo chiều hướng xấu đi, lần sau nặng hơn lần trước và tỷ lệ thuận với số trận đấu tăng lên của anh dưới màu áo CLB Hà Nội và nhất là tuyển Việt Nam. 9 tháng chấn thương của Đình Trọng là con số đủ để phá hỏng sự nghiệp của bất kỳ cầu thủ nào.
Nếu muốn sử dụng Văn Hậu và Trọng Hoàng ở trận đấu với Thái Lan, ông Park chắc chắn sẽ phải cân nhắc rất nhiều.