Sự tiến bộ không ngờ của CLB TP.HCM ở V.League 2019 cho thấy bóng đá Việt Nam không chỉ nhờ một người Hàn Quốc là Park Hang-seo, mà còn có Chung Hae-seong.
Một năm trước, HLV Chung Hae-seong là người thất bại ở HAGL, CLB TP.HCM khủng hoảng khi chia tay Lê Công Vinh, còn CLB Hà Nội vẫn là đội bóng mạnh nhất V.League.
Một năm sau, HLV Chung chứng minh ông xứng đáng với cái danh cựu trợ lý Guus Hiddink, còn TP.HCM đang xếp trên CLB Hà Nội và vừa vô địch lượt đi V.League.
Gặp Zing.vn trong chiều hè ở TP.HCM, ông Chung giờ là người chiến thắng, kẻ chinh phục mà cả V.League muốn đánh bại.
- Xin chào HLV Chung Hae-seong, chúc mừng ông và CLB TP.HCM đang có phong độ tốt tại V.League mùa này. Thành công của HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam dường như không hề tạo áp lực cho ông?
- Thành công của ông Park không tạo áp lực cho tôi vì đội tuyển và CLB khác nhau nhiều lắm. Tôi biết ông Lee (Lee Heung-sil - PV) của CLB Viettel đã từ chức. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều HLV Hàn Quốc qua đây giúp đỡ bóng đá Việt Nam.
Áp lực thực sự của tôi nằm ở công việc HLV trưởng. Dù tại đội tuyển quốc gia hay CLB, áp lực đó luôn tồn tại. TP.HCM hiện không có cầu thủ nào lên tuyển quốc gia, nên áp lực của tôi là phải giúp họ lên đội tuyển. Tôi biết nhiều người đã nói HLV trưởng tuyển Việt Nam và HLV của CLB TP.HCM đều là người Hàn Quốc. Tuy nhiên, đó không phải lý do để ông Park chọn cầu thủ TP.HCM lên tuyển. Việc của tôi là giúp học trò chứng minh bản thân ở CLB. Đá tốt tại CLB, họ mới có cơ hội lên tuyển.
- Nhân nói về HLV Park, ông ấy có vẻ là người thành công nhất trong các HLV Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam những năm gần đây?
- 2 năm vừa qua, bóng đá Việt Nam rất thành công. Đó một phần là công của ông Park, do ông ấy đã làm rất tốt, đã giúp đỡ bóng đá Việt Nam nhiều điều. Tuy nhiên, thời điểm tôi và ông Park tới Việt Nam cũng may mắn, bởi Việt Nam đang có nhiều cầu thủ xuất sắc. Khi đội bóng có nhiều người giỏi, công việc của HLV sẽ dễ dàng hơn.
Tôi nghĩ bóng đá để thành công phải đúng thời điểm. Ông Park là HLV giỏi, chất lượng, nhưng thời điểm ông ấy và tôi có mặt ở Việt Nam cũng may mắn.
- Nói như thế có phải là hạ thấp vai trò của HLV Park không?
- Việc của ông Park và các HLV Hàn Quốc như chúng tôi chỉ là một phần nhỏ. Điều quan trọng là các CLB Việt Nam đã chuẩn bị thế nào 10 năm qua, trong đó có vai trò lớn của những CLB như Hà Nội, HAGL, Viettel, của những cầu thủ như Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải, Xuân Trường. Sự xuất hiện các tài năng trẻ ấy cũng chứng minh năng lực của HLV Việt Nam tại 14 CLB V.League, 12 CLB hạng Nhất và các đội hạng Nhì.
Muốn thành công, chúng ta phải tập trung vào các cầu thủ trẻ rồi từ đó tiến lên đội một. Mỗi CLB đều phải tập trung vào đội trẻ trước. CLB TP.HCM cũng vậy, chúng tôi đang bắt đầu bằng một Học viện cộng tác cùng Juventus. Tôi hy vọng học viện sẽ có nhiều cầu thủ trẻ xuất sắc để 10 năm, 20 năm sau, họ giúp đỡ được cho bóng đá Việt Nam.
Tôi cũng nhận thấy một điều, sự khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc là các trường cấp ba, cấp hai, cấp một của Hàn Quốc đều sở hữu các đội bóng nhí. Nhiều cầu thủ ấy từ đó đã chuyển sang chơi bóng chuyên nghiệp. Còn tại Việt Nam, chỉ các CLB chuyên nghiệp mới có bóng đá trẻ.
Thế mới nói, chất lượng HLV Hàn Quốc cao hơn cũng chỉ là một phần nhỏ thôi. Sau thành công 2002, nhiều HLV Hàn Quốc đã đi học bóng đá ở châu Âu và có nhiều cái mới. Muốn giúp cầu thủ trẻ nhiều hơn, HLV và các CLB Việt Nam cũng phải học, đi xem các nước khác chuẩn bị đội trẻ thế nào rồi đưa những điều tốt đẹp đó về Việt Nam để bóng đá phát huy nhiều hơn, cao hơn nữa.
- Như vậy, đào tạo trẻ vẫn là điều quan trọng nhất?
- Đúng vậy, bóng đá Việt Nam 2 năm vừa rồi quá thành công. Thành công lúc này sẽ không thể giữ lại mãi, các bạn phải chuẩn bị tốt hơn.
Như tại CLB TP.HCM và Vũng Tàu, chúng tôi đang chuẩn bị cho chính mình và cho cả đội tuyển Việt Nam trong tương lai. Mong rằng 20 năm sau, khi xem danh sách của VFF, chúng ta có thể thấy 4-5 cầu thủ TP.HCM và Vũng Tàu giúp sức cho đội tuyển quốc gia.
- Hãy quay trở lại với CLB TP.HCM, tôi nhớ không nhầm thì đội bóng của ông vừa thua một trận trước Viettel - trận thua đầu tiên kể từ tháng 6?
- Sau 13 trận lượt đi, có thời điểm chúng tôi thua CLB Hà Nội rồi gặp khó khăn. Tuy nhiên, sau đó TP.HCM vẫn vượt qua họ và vô địch lượt đi. Tôi nghĩ thắng thua là một phần của bóng đá. Thất bại trước Viettel không mang tới vấn đề gì, quan trọng là không khí hiện tại ở TP.HCM đang rất tốt, vui vẻ. Mọi thứ ở CLB hiện giờ đều giống như gia đình.
Quay lại với trận gặp Viettel, tôi nghĩ cầu thủ của mình đá tốt, nhưng thua thì vẫn là thua. Dù vậy, hãy nhớ đánh bại TP.HCM ở V.League 2019 luôn là việc không dễ dàng. Các cầu thủ dù trên sân hay trong cabin luôn cố hết sức mình tới những phút cuối cùng. Chúng tôi đã tập trung hơn, chuẩn bị tốt hơn và làm lại từ thất bại.
- Thất bại ấy có làm ảnh hưởng tới mục tiêu vô địch của đội bóng mùa này?
- Tôi chưa thể nói được điều đó lúc này. Hãy để CĐV tự xem kết quả vào cuối mùa. Còn mục tiêu của tôi vẫn là đứng vị trí cao nhất.
- Việc CLB nhóm dưới như Viettel có thể quật ngã đội đầu bảng như TP.HCM cho thấy điều gì?
- Điều đó nói V.League cực kỳ khốc liệt. Lịch thi đấu hiện tại là 4 ngày/trận. Điều quan trọng lúc này là sự chuẩn bị. Chúng tôi phải xem trước các bài tập, các đối thủ, xem họ đá thế nào và chuẩn bị ra sao. Không chỉ chuyên môn, đội bóng còn phải làm chủ các vấn đề khác. Và có những vấn đề thậm chí lớn hơn cả chuyên môn.
- “Lớn hơn cả chuyên môn” dường như cũng là vấn đề của ông ở HAGL mùa giải trước. Năm 2018 ở Gia Lai và 2019 tại TP.HCM có khác nhau nhiều không?
- Vị trí của tôi. Đó là sự khác biệt. Khi ở HAGL, tôi là giám đốc kỹ thuật. Còn ở TP.HCM, tôi là HLV trưởng và người quan trọng nhất.
Tôi ở Pleiku rất hạnh phúc và có nhiều niềm vui. Là GĐKT, nhiều việc ở Gia Lai tôi không làm được. Về TP.HCM làm HLV trưởng, tôi quyết định được mọi thứ từ sinh hoạt, tập luyện tới thi đấu. Hãy luôn nhớ, khi đội bóng thành công, đó là công sức của từng người. Khi đội thất bại, trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về HLV trưởng vì ông ta là người quyết định. Không có áp lực ấy, thì không phải là HLV trưởng.
- Ông biết không, tôi chưa gặp nhiều HLV ở Việt Nam nói về niềm vui khi chơi bóng và huấn luyện như ông?
- 2 năm ở Việt Nam, tôi có nhiều niềm vui. Tôi thấy nhiều học trò cũ lên tuyển quốc gia thành công. Là HLV, tôi vui vì điều đó. Tôi rất nhớ các học trò cũ (ở HAGL - PV).
Tôi cũng thấy các học trò mới của mình ở CLB TP.HCM lúc này đã khác xưa rất nhiều. Mỗi ngày, khi họ sinh hoạt, tập luyện, tôi cảm nhận tâm lý, sự tập luyện của họ giờ chuyên nghiệp hơn. Tôi bây giờ là HLV rất vui. Khi có 30 học trò này, ai không muốn làm việc ở đây chứ? Đó là may mắn của tôi.
- Tiếp tục nói về sự chuyên nghiệp, ông chủ cũ của ông, Đoàn Nguyên Đức, mới đây đã nói về cuộc chiến “5 thằng gầy đánh một thằng béo”.
- Tôi cũng mới nghe được câu nói của bầu Đức. Khi nghe câu đó xong, tôi cũng kiểm tra và hỏi lại xem câu này là câu gì, ý này là nói tới những đội bóng nào. Tuy nhiên, V.League không phải chỉ có 6 đội bóng, V.League có tới 14 CLB. Không chỉ là 5 đội bóng, chúng tôi còn phải chuẩn bị để chơi với 13 đội khác.
5 đội V.League ấy tôi chỉ nghe tên thôi chứ không biết có chính xác hay không. Lượt đi, chúng tôi hòa 2 trận, thua 2 trận trước 4 trong 5 đội thuộc nhóm đó. Lượt về, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ hơn khi gặp lại họ. Làm bóng đá, lượt đi đã thua, thì lượt về không muốn thua nữa. Tôi không rõ có phải 4 đội kia nằm trong nhóm ấy không, nhưng đội nào chưa thắng được thì tôi sẽ nỗ lực và cố gắng thắng cho bằng được.
- Sự chuyên nghiệp là điều chúng tôi muốn tiếp tục bàn tới. Nếu được thay đổi một điều để V.League chuyên nghiệp hơn, ông sẽ chọn điều gì?
- Ở Việt Nam, tôi mới làm việc tại HAGL và TP.HCM nên không biết các CLB khác như thế nào. Tuy nhiên, tôi nhận ra một số CLB có nhiều người hâm mộ, còn một số khác thì không có khán giả.
Tôi là HLV có kinh nghiệm, hiểu đội tuyển quốc gia nước nào muốn phát triển và thành công, thì giải vô địch quốc gia của họ phải phát triển trước. Bởi thế, mỗi trận đấu của 14 CLB V.League và 12 CLB hạng Nhất đều phải đẹp, vui, mang hứng khởi tới cho người hâm mộ. Khi ấy, V.League mới thành công, mới kéo được nhiều CĐV và đội tuyển Việt Nam sẽ thành công hơn.
- Tôi tin rất nhiều người muốn điều ông nói trở thành sự thật, nhưng việc đó không dễ đâu.
- Chẳng phải điều quan trọng nhất, điều cuối cùng, thứ cần tập trung nhất là bóng đá? Chúng ta phải tập trung vào bóng đá, phải hy sinh cho bóng đá. Bóng đá là tất cả, và chúng ta phải tôn trọng nó. Tôi cho rằng mỗi người làm bóng đá, từ VFF, VPF, lãnh đạo các CLB, cầu thủ, trọng tài phải là gia đình. Mỗi khi vào sân, dù đội thắng hay thua, họ phải cùng chia sẻ nỗi buồn, niềm vui.
Như TP.HCM, trước mỗi trận, chúng tôi luôn nhắc nhau mục tiêu không chỉ là 3 điểm. Mục tiêu đầu tiên của bóng đá là phải vui vẻ. Chúng tôi đá bóng để trả lại cho người hâm mộ và CĐV TP.HCM.
- Tôi hiểu điều ông nói, nhưng đội bóng của ông thì sao? Ông đã truyền tải được tinh thần đó tới học trò của mình chưa?
- Lúc này, tôi tự tin nói TP.HCM là đội bóng chuyên nghiệp nhất Việt Nam từ sinh hoạt tới tập luyện, thi đấu.
- Không phải CLB nào cũng có HLV Hàn Quốc là ông. Vậy các đội bóng khác phải làm sao để chuyên nghiệp hơn?
- Trước tiên, cầu thủ Việt Nam phải hiểu cầu thủ chuyên nghiệp là cái gì, phải làm những gì. Mỗi nước có văn hóa riêng, tôi không muốn thay đổi văn hóa ấy. Tôi tôn trọng văn hóa Việt Nam, nhưng văn hóa đó không được ảnh hưởng tới bóng đá, không được ảnh hưởng đến chuyên môn. Trong văn hóa Việt Nam, cái gì thay đổi được tôi sẽ thay nhưng thay đổi nào cũng cần thời gian.
Tôi không thể là người Hàn Quốc rồi thay đổi tập luyện, sinh hoạt theo Hàn Quốc. Tôi phải yêu văn hóa Việt Nam trước, tôi phải là Việt Nam trước đã. Đây là năm thứ 2 tôi làm ở Việt Nam. Tôi có thể nói là tôi yêu Việt Nam, tôi yêu văn hóa, yêu người Việt Nam.
- Còn các HLV thì sao?
- Để bóng đá Việt Nam vươn lên cao nữa, các HLV Việt Nam phải học nhiều hơn, xem bóng đá các nước khác cao hơn mình. Khi có thời gian nghỉ, họ phải đi nước ngoài, xem các trận đấu, đi học, đi hỏi. Làm cầu thủ, làm HLV thì phải học, phải tìm kiếm cái gì đó thật cao hơn.
- Nhiều người ở Việt Nam chưa coi trọng những điều ông nói đâu.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Ví như chuyện sân, SVĐ ở Việt Nam có những cái đẹp như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Tuy nhiên, số đó rất ít. Người hâm mộ Việt Nam muốn cầu thủ đá tốt, đá đẹp thì phải thay đổi sân. Khi người ta nghĩ cái sân chỉ là một phần nhỏ, đó là họ không hiểu bóng đá. Khi sân đẹp, cầu thủ ít chấn thương, đá đẹp hơn.
- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi. Chúc ông và CLB TP.HCM thành công trong phần còn lại của mùa giải.