Hệ thống mà ông Park Hang Seo áp dụng cho các cấp đội tuyển Việt Nam thời gian qua là tương đối ổn định. Trước hết, sự ổn định nằm ở sơ đồ 3-4-3. Đây là sơ đồ đã nhận được sự chú ý không chỉ ở Việt Nam.
Hệ thống “ổn định”
Khi HLV người Italy Antonio Conte đưa Chelsea tới chức vô địch Premier League mùa giải 2016/17, đã có hàng loạt CLB “sao chép” hệ thống này, điển hình là Arsenal, West Ham hay phần nào đó là Tottenham, Watford. Trở lại trong nước, trong ít năm gần đây, cũng đã có nhiều đội bóng bắt đầu áp dụng 3-4-3, đặc biệt tại giải hạng Nhất 2018 như Công An Nhân Dân, Viettel, Hà Nội B.
Bỏ qua vấn đề về trình độ cá nhân, đẳng cấp tập thể… thì cách vận hành sơ đồ 3-4-3 của các đội bóng kể tên trên cơ bản đều tương đối giống nhau, đặc biệt về tính cân bằng trái và phải được đề cao, chủ yếu ở hai tuyến dưới.
Nói đơn giản hơn, cùng một vai trò thì các yêu cầu chơi sẽ giống nhau, dù chơi ở hai bên đối diện (bên trái sân – bên phải sân) và dù phong cách cá nhân khác nhau. Ví dụ, trong hệ thống của ông Park Hang-seo, Duy Mạnh và Tiến Dũng là hai cầu thủ có phong cách chơi khác nhau, nhưng khi đảm nhận các vị trí lần lượt là trung vệ lệch phải và trung vệ lệch trái thì vai trò của họ là như nhau, các yêu cầu cũng là như nhau.
Tương tự là Văn Thanh – Văn Hậu. Hoặc khi Đức Huy thỉnh thoảng thay thế vị trí ở biên khi Văn Hậu chấn thương, rõ ràng phong cách khác nhưng vai trò thì vẫn vậy, thể hiện qua cách chọn vị trí cả khi có bóng và không bóng.
Sơ đồ đối xứng thường thấy của U23 Việt Nam. |
Cũng qua ví dụ này, chúng ta có thể nhận thấy sự ổn định thứ hai trong hệ thống của ông Park: nhân sự. Bộ khung cho thành công của ông với Việt Nam là tương đối ổn định. Khi cách đàn anh trên 23 tuổi bước vào đội tuyển Olympic Việt Nam, họ chỉ thay thế trực tiếp các đàn em cùng vị trí chứ không kèm theo một sự thay đổi đáng kể nào về vận hành chiến thuật. Văn Quyết thay Văn Đức hay Hùng Dũng thay Đức Huy nhưng vai trò thì vẫn tương tự như những người đàn em.
Tại AFF Cup 2018 lần này, sự thay đổi đã xuất hiện một cách rõ ràng.
Biểu đồ diễn biến chiến thuật chung của 2 đội. |
Trọng Hoàng khác Văn Thanh
Về mặt nhân sự, ông Park thiếu đi Văn Thanh vì chấn thương. Trên lý thuyết, Trọng Hoàng là người thay thế trực tiếp. Tuy nhiên dường như Trọng Hoàng đang đảm đương một vai trò rất khác so với Văn Thanh trước kia. Sự thay đổi về nhân sự này, kèm theo việc Quang Hải chơi tiền vệ trung tâm (thay vì tiền vệ công sau lưng trung phong) đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cách vận hành chiến thuật của đội tuyển.
Đầu tiên là việc hệ thống đã được vận hành theo phương pháp bất đối xứng. Nói đơn giản thì vai trò của Văn Hậu và Trọng Hoàng đã có sự khác nhau lớn, đặc biệt là cách chọn vị trí khi ĐT Việt Nam cầm bóng. Khi Quang Hải hoặc Xuân Trường có bóng, Văn Hậu chọn vị trí như thường lệ - không dâng quá cao. Tuy nhiên Trọng Hoàng thì đẩy lên rất cao, ngang hàng hậu vệ đối thủ như một tiền vệ cánh đích thực.
Sơ đồ "bất đối xứng" của Việt Nam trước Lào. |
So với Văn Hậu, Trọng Hoàng dâng cao hơn nhiều. |
Phải chăng lý do nằm ở việc Trọng Hoàng vốn dĩ là một cầu thủ tấn công thuần túy, nên bản thân anh thích dâng cao hơn dù được đặt ở một vai trò đòi hỏi cân bằng công-thủ? Có thể. Nhưng có một chi tiết khác xuất hiện cho thấy đây không đơn thuần do thói quen cá nhân của Trọng Hoàng, mà là một tính toán có chủ đích.
Khác với sự dàn ngang đều đặn thông thường của ba trung vệ như trước đây, hàng thủ Việt Nam trong giai đoạn kiểm soát bóng vận hành rất khác. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, khi đội tuyển đang cầm bóng, Duy Mạnh chơi lệch sang phải nhiều hơn và dâng cao hơn, như một tiền vệ trụ ở hành lang trong bên phải. Trong khi đó, Quế Ngọc Hải và Đình Trọng đứng như một cặp trong sơ đồ 4 hậu vệ (2 trung vệ), thay vì Đình Trọng ở trung lộ và Quế Ngọc Hải lệch sang trái.
Cũng ở hình ảnh trên, dễ thấy Duy Mạnh hoạt động rất khác hai trung vệ còn lại. |
Một hình ảnh khác tương tự. |
Sự thay đổi này có phần hợp lý, bởi các lý do như sau. Thứ nhất, nó phù hợp hơn với thiên hướng của Trọng Hoàng, vốn vẫn luôn là một tiền vệ tấn công trong suốt sự nghiệp. Thứ hai, cự ly giữa Duy Mạnh và Trọng Hoàng như vậy không bị kéo giãn quá nhiều, phần nào đó đảm bảo được việc khoảng trống quá lớn không xuất hiện. Thứ ba, là bởi Lào hầu như chỉ có tiền đạo số 9 Soukchinda Natphasouk cắm phía trên, vì vậy Quế Ngọc Hải và Đình Trọng là đủ để phòng ngừa, còn nếu Duy Mạnh cũng lùi sâu có thể sẽ là quá nhiều.
Vai trò của Quang Hải
Khác với thường lệ, Quang Hải không còn chơi trong vai trò một tiền vệ tấn công hoạt động sau lưng trung phong, mà lùi rất sâu để đóng vai trò điều phối bóng. Chính Hải chứ không phải Xuân Trường mới là người lùi sâu nhất để nhận bóng từ tuyến dưới cùng trước khi triển khai tấn công. Trên sóng truyền hình, bình luận viên Quang Tùng phân tích: “Hầu như mọi đường bóng tấn công của đội tuyển Việt Nam đều đi qua đôi chân của Quang Hải”.
Đây không phải lần đầu tiên Quang Hải được đưa vào vai trò này. Ông Park đã từng đưa ra sự điều chỉnh tương tự, khi rút Quang Hải lùi xuống trong hiệp hai tại một vài lần tại các giải U23 châu Á cũng như ASIAD. Dù vậy, việc xuất phát sâu và có sự tập luyện chuẩn bị kỹ càng hẳn tới giờ mới được thực hiện.
Trong hai tiền vệ, Xuân Trường là người có xu hướng dâng cao nhiều hơn. |
Hải “con” trên thực tế đã chơi trong vai trò của một “số 8” tại CLB Hà Nội, tuy nhiên cách vận hành cũng tương đối khác khi nhiệm vụ của anh là tấn công vào các “nách” cũng như hoán đổi vị trí với đàn anh Thành Lương bên cánh trái, tức không gian hoạt động còn cao hơn so với vai trò hôm qua.
Có thể nói rằng Quang Hải đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ phát động tấn công. Trước những đối thủ đẳng cấp không cao và có quyền áp đặt thế trận, đây là phương án không hề tồi của HLV Park Hang-seo. Chúng ta không cần một tiền vệ thu hồi bóng mạnh mẽ.
Ở chiều ngược lại, cũng cần nhấn mạnh đội tuyển đã thiếu đi những pha xử lý sắc bén ở gần vòng cấm địa đối thủ của Quang Hải, chủ yếu do đội trưởng Văn Quyết đã có một ngày thi đấu không thực sự nổi bật.
Sang hiệp hai, khi tinh thần của các cầu thủ Lào lên cao, HLV Park đã có quyết định phù hợp khi Đỗ Hùng Dũng vào sân, Quang Hải lên cao thay vị trí Văn Quyết, còn Xuân Trường lùi sâu hơn để trở lại vai trò điều phối. Sự điều chỉnh này giúp thế trận một lần nữa trở về dưới sự kiểm soát của chúng ta.
Vai trò của Công Phượng
Ban tổ chức trận đấu đã trao cho Nguyễn Công Phượng danh hiệu Cầu thủ hay nhất trận. Đó là một sự lựa chọn hợp lý, với những gì anh đã thể hiện. Không chỉ mở tỷ số, Phượng còn là nguồn đột biến gần như duy nhất trong suốt hiệp một.
Kể từ khi Anh Đức góp mặt tại đội tuyển, Công Phượng được chơi thấp hơn. Đây có lẽ là vai trò phù hợp hơn cho cầu thủ gốc Nghệ An, so với vị trí cao nhất trên hàng công. Ở vai trò này, Phượng được chơi tự do hơn và thể hiện tốt hơn bộ kỹ năng của mình.
Phượng thường xuyên lùi về nhận bóng… |
…hoặc nhận bóng giữa các tuyến của đối thủ, tạo đột biến. |
Công Phượng hoạt động tương đối rộng, chủ yếu lệch trái nhưng đôi lúc cũng linh hoạt hoán đổi với Văn Quyết. Dễ nhận thấy xu hướng của anh luôn là lùi sớm để xin bóng từ hàng tiền vệ hoặc nhận bóng sau lưng hàng tiền vệ đối thủ. Với cách kèm người của đội tuyển Lào, cách di chuyển này thường xuyên tạo ra những khoảng trống cho Đoàn Văn Hậu băng tốc độ xuống biên trái. Tuy nhiên, miếng đòn này chưa hoàn thiện bởi còn thiếu đi những bài di chuyển hỗ trợ cho Hậu ở gần cột cờ góc, cũng như thiếu người xâm nhập vòng cấm địa để đón các quả tạt.
Một bài tấn công xuống biên trái của ĐT Việt Nam, với hạt nhân Công Phượng. |
Pha lập công mở tỷ số đến từ chính cách chơi này. Công Phượng lùi lại nhận bóng, trước khi có mặt trong vòng cấm để dứt điểm pha hỗn loạn sau tình huống căng ngang của Văn Hậu.
Cũng trong vai trò được phép di chuyển tự do hơn, Công Phượng trở thành cái tên quan trọng nhờ những pha đột phá cá nhân ở trung lộ.
Lào phòng ngự theo định hướng kèm người, đồng nghĩa là có những pha bóng, họ gần như dàn ra một hàng ngang tới 7-8 người trước khung thành, khi các tiền vệ biên lùi rất sâu về gần hai cột cờ góc. Cặp Chanthaphone Waenvongsoth (số 10) và Phouthone Innalay (số 23) gần như phải bao trọn không gian rộng lớn trước mặt hàng thủ. Họ dễ dàng bị cô lập và rơi vào những tình huống một chống một với Công Phượng. Và ở đó, kỹ năng qua người của Phượng đã nhiều lần tạo ra đột biến.
Lào dàn hàng ngang 6-7 người, Công Phượng là một niềm hy vọng. |
Sơ đồ 4-2-3-1
Ở nửa cuối hiệp hai, HLV Park Hang Seo đưa ra một thay đổi quan trọng hơn nữa về mặt hệ thống. Thay vì 3-4-3 bất đối xứng, ông cho các cầu thủ chuyển hẳn sang 4-2-3-1 tương đối rõ ràng.
Đồ thị sơ đồ 4-2-3-1 của Việt Nam. |
Sơ đồ 4-2-3-1 thực tế. |
Lý do có thể nằm ở cái tên Phan Văn Đức, người đã tiến bộ rất nhiều dưới sự dẫn dắt của ông thầy Hàn Quốc trong hơn một năm qua. Khi hiệp hai bắt đầu, Văn Đức vào sân thay trực tiếp vai trò của Văn Hậu. Tuy nhiên tuyển thủ áo số 20 đã không thể hiện được bản thân. Nhiều pha lên bóng ở cánh trái đã thiếu đi sự nguy hiểm so với hiệp một. Điều này thật ra không quá khó hiểu, khi đây không phải vị trí sở trường của Văn Đức.
Sơ đồ 4-2-3-1 đồng nghĩa Đức chuyển vai trò từ cầu thủ bao cánh sang vị trí tiền vệ công bên trái. Ở đây anh được phép bó vào trung lộ, tham gia đập nhả hoặc tạo đột biến ở khu vực bên trong. Sau lưng Văn Đức đã có Quế Ngọc Hải phòng ngự, anh không còn lo lắng giữ vị trí ôm biên nữa. Điều này đã khiến Văn Đức thể hiện tốt hơn và tạo ra ít nhất 2 cơ hội nguy hiểm để nâng tỷ số.
Sơ đồ này đã hoạt động tốt, nhưng không thể quên rằng đây là thời điểm Lào đã mất hoàn toàn ý chí chiến đấu. Ngoài ra, cũng có thể thấy rằng đội tuyển Việt Nam đang thiếu một cái tên để thực sự đảm nhận thay thế Văn Hậu khi cần thiết. Rất có thể, nếu có cơ hội, ông Park nên thử nhiệm với Đức Huy hoặc Hồng Duy.
Kết luận
Trên trang chủ của AFF Cup, trong phần đội hình ra sân trận Lào – Việt Nam, giải đã sắp xếp sơ đồ của chúng ta là 4-2-3-1 thay vì 3-4-3.
Sơ đồ của Việt Nam trên trang chủ AFF Cup. |
Đó không hẳn là sự nhầm lẫn. Về bản chất, việc đọc tên một hệ thống chỉ nhằm dễ hiểu hơn, quan trọng là nó được vận hành cụ thể như thế nào. 3-4-3 bất đối xứng của Việt Nam hoàn toàn có thể hiểu là 4-2-3-1 với hậu vệ phải Duy Mạnh bó vào bên trong (giống như Philipp Lahm của Bayern Munich 2013-2016); tiền vệ cánh Trọng Hoàng với vai trò ôm biên, khác với tiền vệ cánh Công Phượng với vai trò ôm vào bên trong.
Lào là đối thủ “nhẹ ký”, khi họ đã xác định tâm thế phòng ngự bị động, co cụm trước vòng 16m50 ngay từ phút đầu tiên. Vì vậy, trận đấu này chỉ nên xem là cơ hội để nhận biết những sự khác biệt ở đội tuyển Việt Nam hiện tại, chứ chưa nên là bằng chứng để đánh giá tốt hay không tốt.