Bình luận
Phải được chơi bóng, chúng ta mới giảm áp lực từ đối thủ và mong đợi kết quả tốt hơn trong trận gặp Australia ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á trên sân nhà Mỹ Đình lúc 19h ngày 7/9.
Triết lý xuyên suốt hơn 3 năm cầm quân tại Việt Nam của thầy Park là lấy thủ làm nền tảng, công làm điểm nhấn. Các đội bóng từ U23 đến tuyển quốc gia, khi phải đá với các đối thủ trên cơ đều chú trọng giữ chặt mặt thành trước hết, sau đó tùy diễn biến trận đấu mà có những tình huống phản công.
Ông đã rất mát tay, liên tiếp mở ra những trang sử mới bằng lối chơi này, mà vòng loại cuối cùng tranh vé đi World Cup hiện tại là chiến tích chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đạt tới. Nhưng đấy cũng là lúc chiến thuật của ông có dấu hiệu cũ mòn, thậm chí đã phảng phất sự bất hợp lý.
Tuyển Việt Nam gần như chơi bị động trước Saudi Arabia. Ảnh: AFC. |
Tử thủ có còn hợp lý?
Chúng ta không thể trách ông Park, vì đẳng cấp cầu thủ Việt đã từ lâu chạm ngưỡng, trong khi đối thủ ngày càng khổng lồ hơn. Chúng ta được nâng lên sân chơi mới, nhưng lực lượng vẫn cũ, chưa nói đến còn hao hụt khá nhiều trên chặng đường trường.
Với lứa tuổi U23, thầy Park đối phó dễ dàng hơn, thậm chí thắng cả U23 Australia, U23 Iraq, U23 Qatar… đứng trên chúng ta vài chục bậc. Với những đội tuyển nhỉnh hơn Việt Nam một chút, như Syria, Jordan, Bahrain…, thầy Park cũng áp dụng thành công chiêu bài phòng ngự xe buýt. Nhưng với những ông lớn nhỉnh hơn nhiều chút như Iran, Nhật Bản, Saudi Arabia, chưa khi nào chúng ta có điểm.
Đó chính là hạn chế của lối chơi phòng ngự. Tuyển Việt Nam có thể trụ vững khi đối phương không đủ nhanh, không đủ khéo, không đủ đa dạng hoặc không đủ tần suất gây sức ép. Nhưng UAE hôm 15/6, và Saudi Arabia hôm 3/9 có tất cả yếu tố này, họ đẩy các học trò ông Park vào thế chống đỡ đến kiệt sức, rồi thua.
Chuyện kiệt sức đã lâu lắm rồi chúng ta không cần nhắc đến. Là khi Việt Nam trơn tru trên hành trình vô địch AFF Cup hay giành huy chương vàng SEA Games. Là khi Việt Nam thẳng tiến qua Indonesia, Malaysia ở vòng loại thứ 2 World Cup. Vâng, là khi chúng ta chưa phải leo những đỉnh núi cao.
Việc leo núi cao thì khác hẳn. Điểm yếu thể lực là thứ không thể che giấu được. Ông Park biết điều đó và đã cố tìm ra giải pháp. Ông kéo về dàn trợ lý đồng hương hùng hậu, trong đó có chuyên gia thể lực Park Sung-gyun hay “thần y” Choi Ju-young. Nhưng 2 trận đấu gần nhất, các tuyển thủ Việt Nam hụt hơi khá nhanh khi đối thủ tăng tốc và nguy hại hơn, chấn thương hàng loạt.
Tụt hơi là tất yếu khi chúng ta phải căng mình chịu đòn từ mọi hướng. Đội hình phòng thủ bằng số đông và chiều sâu nhưng không phong tỏa được khu vực, cũng không đeo bám được cá nhân. Điều khả dĩ nhất các trung vệ có thể làm là phá bóng. Các tiền vệ khi thu hồi được bóng cũng không phối hợp được với nhau. Những đường chuyền phản công thường không đến đích, và nó lại mở ra đợt hãm thành mới cho đối thủ.
Đội bóng cửa dưới khi đã thua, thì rất dễ thua nhanh. Chúng ta cũng vậy. Sức mạnh tinh thần chỉ giá trị khi đang còn lợi thế. Cả 2 trận gặp UAE và Saudi Arabia, chúng ta đều thủng 3 bàn trong khoảng 25 phút.
Chấn thương xảy đến khi các cầu thủ đều phải cố gồng lên để đảm bảo vị trí của mình và lót cho đồng đội. Chúng ta ca ngợi họ đã chơi đến 120% hay 200% sức, thực tế lại là điều đáng lo cho họ, vì quá tải.
Bùi Tiến Dũng, người rất ít chấn thương từ trước đến nay, bị rách bắp trong quá trình chuẩn bị cho trận đấu với Saudi Arabia. Chung cảnh ngộ với anh là Đoàn Văn Hậu, Trần Minh Vương. Nguyễn Thành Chung mới hồi phục cơ háng vẫn phải xung trận. Sau trận đó, ông Park mất thêm, chính xác là lại mất Trần Đình Trọng.
Hơn 30 phút đá thay Đỗ Duy Mạnh khiến Trọng rách cơ đùi, nghỉ ít nhất 2 tuần. Trong 2 năm qua, Đình Trọng chưa có nổi trận đấu trọn vẹn cho thầy Park, và cứ mỗi lần vào sân bất đắc dĩ, anh lại đánh đổi vài tháng dưỡng thương.
Vấn đề nan giải nữa cho HLV Park Hang-seo là các học trò phạm lỗi quá nhiều. Lỗi phán đoán, lỗi xử lý tình huống, lỗi do tiểu xảo… tất cả đều dẫn đến những tiếng còi và những bàn thua.
Tuyển Việt Nam đến lúc này đã phải chịu 5 quả penalty, nhiều nhất trong 12 đội dự vòng loại thứ 3 World Cup và nhiều hơn tất cả đối thủ trong bảng cộng lại. Quả 11 m của Đỗ Duy Mạnh có thể gây tranh cãi, nhưng nó phản ánh cách chơi đầy rủi ro của chúng ta. Những pha bay xoạc trong vòng cấm chỉ là giải pháp bần cùng, vì xác suất trả giá của nó cao hơn nhiều so với xác suất giải nguy.
Australia sẽ lại là thử thách khó cho tuyển Việt Nam. Ảnh: AFC. |
Cần thêm người chơi bóng
Xác suất giải nguy chỉ tăng lên khi các trung vệ phán đoán được đường chuyền cuối của đối thủ, cũng là khi các tiền vệ ngăn cản đối thủ ở vào tư thế kiến tạo thuận lợi. Chúng ta không làm tốt cả hai điều, vì đối thủ di chuyển không bóng, chuyền khoảng trống khiến đội hình phòng thủ của chúng ta bị rối bời.
Hai trận đấu ở trình độ cao với UAE và Saudi Arabia cho thấy cách xây dựng phòng tuyến của HLV Park có thể đối phó với vài đợt tấn công cụ thể, nhưng không kịp chấn chỉnh để thích ứng với các đợt tấn công dồn dập. Nó đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng dễ thấy nhất là tuyến dưới hạn chế trong giải vây, còn tuyến trên hạn chế trong giữ bóng.
Cách duy nhất làm giảm áp lực tấn công từ đối thủ là không cho họ cầm bóng liên tục. Cách duy nhất không cho họ cầm bóng liên tục là tự mình cầm bóng và bắt họ phải đi tìm.
Ông Park Hang-seo đã tính nước cờ này trước Saudi Arabia, khi bố trí hàng tiền vệ có Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức - đều là những người có kỹ thuật, biết giữ bóng, biết qua người, còn Phan Văn Đức sở trường tốc độ. Tiếc là họ quá ít bóng để mà giữ, khi phần lớn thời gian phải bám theo đối thủ, chuồi bóng hoặc trám vào chỗ người chuồi bóng vừa để lại.
Bàn thắng sớm của Quang Hải, ở khía cạnh nào đó, lại đẩy đội hình tuyển Việt Nam lùi sâu thêm nữa, dù vốn dĩ ông Park đã bố trí dàn tiền vệ chơi rất thấp. Điều này tạo ra lớp trung vệ “ảo” trước vòng cấm của Bùi Tấn Trường, khiến Saudi Arabia gặp khó khăn khi tấn công trực diện suốt hiệp đầu tiên, nhưng cũng cắt luôn nguồn cấp bóng và giữ bóng của chúng ta.
Khi tuyến trên chỉ còn Nguyễn Tiến Linh đơn độc, chúng ta không có điểm đến cho những đường phản công. Tiền đạo cắm của chúng ta quá thất thế so với các trung vệ Saudi Arabia, và bóng hầu như chỉ lăn ở 2/3 sân của tuyển Việt Nam. Saudi Arabia kiểm soát bóng 72%, tỷ lệ nhất định không thể lặp lại nếu chúng ta muốn kết quả tốt hơn khi gặp Australia.
Australia chơi thứ bóng đá giàu thể lực hơn, không chiến nhiều hơn Saudi Arabia, nhưng khả năng xoay xở của họ lại là chỗ các cầu thủ Việt Nam có thể khai thác. Chúng ta sẽ rất mất sức nếu cứ chịu liên tục những đợt dội bom tầm cao của họ. Thay vì thế, những phương án cầm bóng, di chuyển, kéo người ở hàng tiền vệ nên được tính đến, thậm chí ưu tiên so với việc lùi sâu đánh chặn.
Ông Park Hang-seo trong bối cảnh mất hầu hết 2/3 trung vệ, đã gọi lại cầu thủ cao 1.86 m Bùi Hoàng Việt Anh, và mong chờ Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thành Chung kịp hồi phục để có thể “tái thiết” cùng Quế Ngọc Hải. Với hàng thủ chắp vá ấy, có lẽ ông nên tìm cách giảm tải cho họ bằng những bố trí hợp lý hơn ở tuyến trên.
Tuyển Việt Nam không nên và cũng không thể chơi sòng phẳng với Australia, những người đã dội 3 bàn vào lưới Trung Quốc. Chúng ta vẫn phải cố thủ, nhưng cần những phương án giải vây có tính toán, có điểm đến rõ ràng hơn. Chúng ta cần có những đợt phản công chất lượng hơn, theo phong cách U23 ở Thường Châu, nơi Quang Hải ghi bàn duy nhất mang về chiến thắng sửng sốt.
U23 hôm đó là câu chuyện đầy lãng mạn, với đôi cánh Vũ Văn Thanh - Đoàn Văn Hậu, với Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn thay nhau đá cạnh Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh tạo nên hàng công đầy sức ép… U23 hôm đó cũng phòng ngự là chủ đạo, nhưng không cho các chú chuột túi được thoải mái tấn công vì nỗi lo lắng hở sườn.
Tái hiện cách chơi phòng ngự chủ động ấy, thầy Park đã không còn Công Phượng, Văn Hậu, không còn Đình Trọng, Duy Mạnh…, nhưng ông hoàn toàn có cơ hội dùng Văn Toàn hay cái tên mới Phạm Tuấn Hải. Họ là những người hoặc đã bị “nhốt” quá lâu, hoặc chưa có đủ thời gian để chứng tỏ mình hữu ích, nhưng điểm chung là đầy nhiệt huyết và có phong cách phù hợp với thế trận phản công.
Ở HAGL, đã có thời CLB vận hành bằng cách ném quả bóng lên cho Văn Toàn và chờ đợi. Tuấn Hải cũng là người chơi bóng độc lập và toàn diện trong đội hình Hà Tĩnh. Họ xứng đáng được thử thách, trong bối cảnh Phan Văn Đức, Nguyễn Tiến Linh đã bị bắt bài.
Những đối thủ lớn, những thất bại đã cho bài học rõ ràng, những thiếu hụt trong đội hình quen thuộc…, đó là lý do khiến thầy Park nên thay đổi cách “xếp hình” đang dần đi vào ngõ cụt. Nếu không có những cuộc cách tân, tuyển Việt Nam sẽ tụt hậu so với chính mình và khi ấy, nói về World Cup lại sẽ là điều không thực tế.