Trước trận đấu với U23 Lào, nhiều ý kiến nhận định HLV Miura sẽ cất con át chủ bài Công Phượng trên ghế dự bị. Nhưng cuối cùng, nhà cầm quân người Nhật đã để tiền đạo của HAGL đá gần hết 90 phút. Ông cũng không ngần ngại bố trí Công Phượng chơi ở vị trí tiền vệ khá lạ lẫm.
Bên cạnh đó, HLV Miura thực hiện hàng loạt sự xáo trộn trong cách sắp xếp đội hình. Tiền vệ Hữu Dũng đá hậu vệ phải. Phi Sơn hết đảm nhiệm vai trò tiền vệ cánh phải rồi chuyển sang cánh trái, đến cuối trận đá tiền đạo. Ngọc Hải từ trung lộ được chuyển ra biên, theo chiều ngược lại là Mạnh Hùng.
Ấn tượng nhất trong số những sự điều chuyển đó là Thanh Hiền. Cầu thủ người Đồng Tháp đá không mấy nổi bật trong vai hậu vệ phải. Nhưng khi chuyển sang cánh đối diện, anh đã bất ngờ tỏa sáng bằng pha lập công duy nhất trong trận đấu.
Thanh Hiền tỏa sáng theo cách ít ai hình dung trước giờ bóng lăn. Ảnh: Hoàng Hà |
HLV Lê Thụy Hải nhận xét trên báo Thể thao&Văn hóa: “Ông Miura đã thực hiện những sự thay đổi mà không HLV nào dám làm như thế”.
Thông thường, khi đã bước vào giải, các nhà cầm quân đều coi trọng sự ổn định trong cách vận hành chiến thuật và sử dụng con người ở đội bóng của họ.
Tất nhiên, cũng có những trường hợp cầu thủ đa năng chơi được nhiều vị trí. Nhưng việc sắp xếp họ đá trái với sở trường hầu như là quyết định bất khả kháng, chứ không phải sự lựa chọn chủ động như cách làm của HLV Miura.
Và phải ở một trình độ rất cao, đội bóng mới có khả năng biến thành “tắc kè hoa” trước từng đối thủ. Sau những gì U23 Việt Nam đã thể hiện, đa phần ý kiến đều cho rằng, đội bóng của HLV Miura chưa đạt đến tầm bậc thầy về chiến thuật để thực hiện điều này.
Chính nhà cầm quân người Nhật cũng bày tỏ sự không hài lòng với lối chơi của các học trò trong trận đấu gặp U23 Lào. Ông phàn nàn về việc hàng tấn công để mất bóng quá nhiều, trong khi tuyến phòng thủ cũng chơi không an toàn.
Nhưng HLV Miura không phát đi thông điệp sẽ thay đổi triết lý trung thành với sự đổi thay của ông.
Kết luận về nhà cầm quân người Nhật sau hơn một năm bắt tay vào công việc ở Việt Nam là ông không phải tín đồ của trường phái “đá bài”. Đây là khía cạnh HLV Miura hoàn toàn đối lập với HLV Calisto trước đây hay HLV Graechen hiện tại.
Ở giải đấu thứ tư dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam, hình ảnh quen thuộc của các đội bóng trong tay nhà cầm quân người Nhật là… không có hình ảnh quen thuộc nào cả. Hầu như mỗi trận đấu và mỗi giải đấu, các đội bóng của HLV Miura lại trình làng những diện mạo khác nhau từ con người đến lối chơi.
Thế nên, cũng có không ít ý kiến đề cao ông như một chuyên gia đá theo tình huống và thế trận nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Điều này hoàn toàn nhất quán với những gì người ta biết về HLV Miura từ ngày còn ở Nhật - một tín đồ của bóng đá thực dụng.
Với HLV Miura, kết quả là điều có ý nghĩa quan trọng nhất. Ảnh: Anh Tuấn |
Trở lại với trận đấu gặp U23 Lào, lối chơi của U23 Việt Nam có thể bị chê vì không thuyết phục, một số cầu thủ có thể bị chỉ trích vì thiếu hiệu quả… nhưng cái đích cuối cùng là 3 điểm vẫn được hoàn thành. Còn với những đối thủ của U23 Việt Nam, ý định đọc bài HLV Miura có lẽ là cơn đau đầu chưa có thuốc giải.
Xét một cách công bằng, nếu coi màn thể hiện của thầy trò nhà cầm quân người Nhật là thiếu thuyết phục, U23 Thái Lan cũng không khá hơn sau khi phải rất chật vật mới vượt qua được U23 Malaysia. Trong khi đó ở bảng A, U23 Singapore đã bất ngờ thất bại trước U23 Myanmar.
Sau 3 trận toàn thắng và giữ vững ngôi đầu bảng B, U23 Việt Nam vẫn đang đi đúng lộ trình vạch ra. Còn vị thuyền trưởng của đội bóng giờ có thể được xem là “nhân tố bí ẩn” của giải.