HLV Mai Đức Chung là một trong những chuyên gia hiểu rất sâu về bóng đá nữ khi từng 2 lần đưa đội nữ đến đỉnh cao ở SEA Games. |
- Đội tuyển Việt Nam sẽ đá với Thái Lan để giành vé tham dự VCK World Cup. Cái tên Thái Lan có gợi nhắc ông nhớ đến kỷ niệm nào không?
- Tôi còn nhớ SEA Games 19 (năm 1997) là lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam tham gia sân chơi khu vực, cũng là lần đầu tiên chúng ta chạm trán Thái Lan. Lúc đó thông tin không nhiều như bây giờ, ban huấn luyện của chúng tôi dạo ấy gần như hoàn toàn mù tịt về đối thủ, chỉ biết là họ mạnh lắm.
Đến khi bước vào thi đấu mới thấy Thái Lan quả rất mạnh, họ thắng Việt Nam 3-2 ở vòng bảng rồi sau đó lên ngôi vô địch. Tuy vậy, thành tích của đội tuyển nữ Việt Nam ở lần đầu bước ra sân chơi khu vực cũng không tồi khi giành được HCĐ.
Sau này, đội tuyển nữ Việt Nam và Thái Lan còn nhiều lần gặp nhau nữa, có thắng có bại nhưng sự chênh lệch về đẳng cấp đã bị thu hẹp lại đáng kể. Tôi cho rằng trong mắt đội bạn chắc họ cũng dành cho chúng ta một sự tôn trọng nhất định.
Thái Lan có thể lực tốt hơn nên cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam cho rằng chúng ta cần lựa chọn lối chơi thông minh, tránh đua sức với đối thủ. |
- Ông nhận định như thế nào về trận đấu giữa 2 đội chiều nay?
- Cả 2 đội đều đang đứng trước ngướng cửa dự World Cup nên đây chắc chắn sẽ là một trận đấu rất căng thẳng. Tất nhiên, chúng ta ai cũng mong cho đội tuyển Việt Nam sẽ làm nên lịch sử và tôi nghĩ với thực lực của thầy trò HLV Trần Vân Phát cùng lợi thế sân nhà, họ đủ khả năng để giành chiến thắng dù cách biệt về mặt tỷ số có thể rất sít sao.
- Lần gần nhất chạm trán với Thái Lan, chúng ta đã thua họ ở chung kết SEA Games 27. Vũ khí của người Thái là gì và làm cách nào để khắc chế nó, thưa ông?
- Trong trận chung kết SEA Games 27, Thái Lan chủ động lựa chọn lối đá rắn, rát để phá lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Một khi họ từng thành công với chiến thuật này, tôi nghĩ điều đó sẽ lặp lại trên sân Thống Nhất chiều nay.
Để chủ động đối phó với lối chơi ấy, theo tôi có 2 vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất, thể lực của chúng ta phải tốt. Tôi rất vui vì sau những chuyến tập huấn vừa qua, nền tảng thể lực đã cải thiện rõ rệt.
Thứ hai, đội tuyển Việt Nam cần đá ít chạm, chuyền ban nhanh ở cự ly trung bình để hạn chế chấn thương. Chúng ta cũng không nên sa đà vào những cuộc đua thể lực vốn không phải là điểm mạnh bằng những đường chuyền dài, nhưng ngược lại nếu đá ngắn quá cũng không phải là giải pháp tốt để kéo giãn hàng phòng ngự Thái Lan.
Thứ ba, cần nhớ lại những bàn thua trong trận chung kết SEA Games 27 để thấy rằng khả năng tập trung của chúng ta không phải là tốt. Các cầu thủ cần rút kinh nghiệm để không mắc sai lầm trong trận đấu chiều nay.
Trọng tài và lối chơi rắn của Thái Lan là 2 vấn đề mà tuyển Việt Nam phải vượt qua. |
- Ngoài thể lực và lối chơi, ông còn lo ngại điều gì nữa khi đội tuyển Việt Nam đá với Thái Lan?
- Theo tôi được biết, chủ tịch Hội đồng trọng tài của AFC là người Thái Lan. Mà những ngày qua, báo chí đã nói rất nhiều về những thiệt thòi mà đội tuyển Việt Nam phải hứng chịu từ những sai lầm của trọng tài. Đứng trước cơ hội lịch sử được tham dự World Cup, liệu sẽ có những sự tác động nào đó bất lợi cho thầy trò HLV Trần Vân Phát hay không? Tôi thấy lo ngại về điều này đối chiếu với những câu chuyện không hay của bóng đá khu vực nhiều năm qua.
- Nếu điều ông nghi ngại trở thành hiện thực, đó sẽ là khó khăn không nhỏ đối với đội tuyển Việt Nam?
- Tôi muốn nhắn nhủ tới các cầu thủ rằng hãy luôn bình tĩnh, giữ cho cái đầu nhẹ nhàng và đôi chân thanh thoát. Trong bất kỳ tình huống nào cũng đừng tự gia tăng thêm sức ép cho chính mình. Hãy gạt sang một bên chuyện có được tham dự World Cup hay không để tập trung vào việc ra sân chơi bóng thoải mái, tự tin, từ đó phát huy tối đa khả năng của mình.