Trong cơn phẫn nộ và sự thất vọng đỉnh điểm của dư luận, những sai lầm của U22 Việt Nam và HLV Hữu Thắng bị đưa lên đoạn đầu đài… cái gì cũng đúng. Tuy nhiên, nếu chỉ vì một thất bại, vì một sứ mệnh không hoàn thành mà coi họ là những “tội đồ” thì không nên.
Khó ai thay thế Miura ngoài Hữu Thắng
ĐT Việt Nam (và U22) kết thúc triều đại Nhật hoá của HLV Miura trong sự thất vọng. Nhà cầm quân đến từ xứ sở Mặt trời mọc đã không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ (NHM).
Chưa cần bàn đến chuyên môn, nhưng yếu điểm lớn nhất của HLV Miura là không hiểu cầu thủ Việt và thiếu thông tin về bóng đá nội cũng như bóng đá khu vực. Một đội tuyển với lối chơi khô cứng mà “bất cứ ai cũng là đối thủ lớn” được phô diễn suốt thời kỳ này.
Còn nhớ, NHM đã từng “nổi điên” với những trận cầu ăn may trước những đội bóng mà nói thẳng ra, cầu thủ tự bảo nhau đá cũng thắng. Điển hình nhất là trận “thắng rùa” Đài Loan 2-1 trên đất khách (vòng loại World Cup 2018). Cộng thêm rất nhiều hạn chế khi làm việc, HLV người Nhật buộc phải kết thúc sớm hợp đồng với VFF. Lúc ấy, đội tuyển đang cạn kiệt niềm tin và bước vào giai đoạn hậu Miura rất khó khăn.
Miura từng giúp U23 Việt Nam giành HCĐ SEA Games. |
Những người có trách nhiệm phải mất vài tháng để tìm kiếm thuyền trưởng cho đội tuyển và U22 cho những sứ mệnh nặng nề. Rất nhiều cái tên, cả tây lẫn ta được cân nhắc, được nâng lên đặt xuống tỉ mỉ. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Thắng được chọn.
Nói cho công bằng, đây là quyết định không sai của VFF vì trong thực trạng hiện tại của bóng đá nội, HLV xứ Nghệ là số ít những nhà cầm quân có trình độ, có trải nghiệm đời cầu thủ và trên hết, là tinh thần “dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu”. Một chuyên gia kỳ cựu đã nói ngay sau thất bại của U22 Việt Nam tối 23/8 rằng, hiện nay để tìm được HLV như Hữu Thắng không đơn giản và nếu được, hãy giữ lại anh ấy!
Trong suốt quá trình tại vị, Hữu Thắng đã dành nhiều tâm huyết cho công việc và các cầu thủ trẻ nói chung, nếu có thời gian làm việc với “chú Thắng” đều cảm thấy vinh dự. Hơn thế, họ nhìn thấy được nhiệt huyết của ông thầy, tìm được sự tự tin chơi bóng với quyết tâm màu cờ sắc áo đặc trưng.
Nói không quá, nếu không phải Hữu Thắng dám ngồi vào chiếc ghế nóng ấy, sẽ chẳng anh tài nào (thời điểm sau HLV Miura) dám đương đầu với thách thức. Cho nên, để nhận xét tổng quan về Hữu Thắng, thì đơn giản: Đấy là một người dũng cảm!
Chuyến phiêu lưu của HLV Hữu Thắng kết thúc sớm hơn dự kiến. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Hữu Thắng đã làm được nhiều việc cho đội tuyển, giúp các cầu thủ cầm 1 chiếc Cúp (Tứ hùng Myanmar tháng 6/2016), xây dựng lối chơi phù hợp với tố chất con người Việt Nam. Nó khác hẳn với cách triển khai bóng dài, dùng sức chạy đua với mọi đối thủ thời HLV Miura. Cho đến trước SEA Games 29, những gì người đàn ông này làm là chấp nhận được. ĐT Việt Nam và ĐT U22 Việt Nam đáng xem hơn trước rất nhiều!
Hữu Thắng sai một ly, đi cả dặm
Nhưng Hữu Thắng đã thiếu chuẩn (và không may) trong đường binh cuối cùng ở giải đấu mà chính anh cũng bị “thòng lọng cuốn cổ” bởi áp lực thành tích.
Xét chuyên môn thuần tuý, Hữu Thắng có trong tay đội ngũ cầu thủ đồng đều, mỗi vị trí đều có người thay thế tương đương, nếu không phải điểm 10 thì cũng 8-9. Điều này, các đời HLV trước chưa có cơ hội tiếp cận.
Trong các trận đấu với đối thủ yếu, rất dở là U22 Việt Nam đã bung hết sức, dùng những quân bài tốt nhất để phân thắng bại. Quyết định ấy vô tình khiến những trụ cột bị vắt sức trước khi đối đầu sinh tử với hai cái tên lớn là Indonesia và Thái Lan.
Có thể, vì áp lực thành tích, vì không thoát được ám ảnh dư luận, Hữu Thắng đã vô tình tạo ra những vị trí “đóng đinh” trong đội hình. Anh luôn muốn U22 thắng đẹp, thắng to để thoả mãn niềm phấn khích đang dâng trào của NHM.
Sẽ hợp lý hơn nếu U22 Việt Nam được vạch rõ kế hoạch lực lượng trong từng trận đấu. Lịch thi đấu chỉ rõ một sự thật: Chúng ta gặp đối thủ mạnh tăng dần, nên chuyện phân phối binh lính, người nào dùng cho nhiệm vụ nào vô cùng quan trọng. Một đội bóng khó có thể đi đến tận cùng chỉ với một đội hình duy nhất.
Khi đối đầu với Đông Timor, Campuchia và Philippines, chỉ cần Hữu Thắng xếp đội hình vừa đủ thắng, xoay tua khôn khéo một chút thì đến hai trận tử chiến cuối cùng, U22 Việt Nam thừa năng lực có mặt ở bán kết.
Hơn nữa, việc dùng những cầu thủ ít được ra sân cũng là một cách giúp họ thể hiện khao khát, thậm chí, nếu xét về tinh thần, có thể nhóm cầu thủ này còn “sống chết” hơn những đồng nghiệp có vị trí chính thức.
Việt Nam đã để lộ hết bài ở các trận đấu gặp những đối thủ yếu. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Tiếc là, U22 Việt Nam đã dùng 7-8 gương mặt cho tất cả các trận chiến. Đến trận đấu với Indonesia, hạn chế về thể lực và một chút điều chỉnh chiến thuật chính là nút thắt không được cởi.
Khi đối thủ chỉ còn chơi với 10 người và không thể lên bóng trong khoảng 30 phút cuối trận, sẽ tốt hơn nếu U22 Việt Nam chủ động thay người sớm, rút bớt 1 cầu thủ phòng ngự ra để tăng thêm hoả lực tuyến đầu.
Nếu trận đấu này giải quyết được, coi như đá với Thái “thế nào cũng được”. Vấn đề chỉ là chọn đối thủ vòng sau mà thôi. Đáng tiếc là Tuấn Anh, Quang Hải được vào sân quá trễ, trong khi Hà Đức Chinh, Thanh Bình vẫn im ắng trên ghế dự bị còn cặp Tiến Dũng, Hoàng Văn Khánh đứng trụ suốt 90 phút nhưng rất ít việc để làm?!
Trận đấu cuối cùng với Thái Lan, U22 Việt Nam vẫn còn nhiều lựa chọn hơn đối thủ. Nhưng một lần nữa, chúng ta để cơ hội tuột khỏi tay. Vẫn là câu chuyện áp lực, thành tích và sự xác định tư tưởng chưa chuẩn. Chúng ta dường như không chấp nhận đá “cửa dưới” mà vẫn muốn so kè cao thấp với đội bóng mà giải nào cũng là ƯCV vô địch?!
Vẫn chưa có chiến thắng nào cho tuyển Việt Nam trước người Thái tại SEA Games kể từ năm 2003. |
So với chúng ta, U22 Thái Lan là đội phải vội vàng, phải tốc chiến tốc thắng vì họ chỉ còn mỗi đường binh duy nhất này. U22 Việt Nam đâu cần phải chú trọng tấn công ăn bàn, chúng ta cần thủ nhiều hơn và rình rập cơ hội. Tuy vậy, đội hình xuất phát đã khiến nhiều người lo ngại khi mũi “mỏ neo” trước mặt hàng tứ vệ không có, trong khi cặp tiền đạo vẫn duy trì.
Điều này thực sự chưa hợp lý khi trong tay HLV Hữu Thắng vẫn còn Đông Triều để dọn dẹp thay cho Duy Mạnh chấn thương, tiền đạo có thể chỉ cần dùng một người, hoặc Tuấn Tài hoặc Công Phượng. Tiếc là, Hữu Thắng đã xử lý thiếu tỉ mỉ khâu nhân sự.
Tiếp đó là vận đen. Người ta không thể ngờ thủ thành Minh Long lại có những pha xử lý rất thiếu tập trung trong trận đấu không được phép sai lầm. Chính hai quyết định nghiệp dư của cầu thủ này đã phá tan tiền đồ của U22 Việt Nam và cả đường quan lộ của Hữu Thắng. Kết cục sau đó thì chẳng nói ai cũng đã rõ.
Thất bại, mổ xẻ và rút kinh nghiệm luôn là đáp án của bất cứ hành trình nào. Chỉ có điều, khi đứng vào vai phán xử, sự công tâm là điều cần thiết. HLV Nguyễn Hữu Thắng thực sự đã làm tốt công việc của mình bằng tinh thần và sự quả cảm cho đến trước kỳ SEA Games đầy áp lực này mà thôi!
Lần thứ 3 chúng ta phải rời cuộc chơi ngay từ vòng bảng. |