Nếu nền bóng đá là một hình chóp thì đội tuyển quốc gia là đỉnh, giải vô địch quốc gia và bóng đá trẻ là đáy. Đáy có sâu và rộng, vững và mạnh thì đỉnh mới cao. Đấy là quy luật bất biến của mọi nền bóng đá trên thế giới.
Chiếu quy luật ấy vào bóng đá Việt Nam, chúng ta sẽ lập tức nhìn thấy nghịch lý.
Hình tháp ngược của bóng đá Việt Nam
V.League là hạng đấu cao nhất trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với sự tham gia của 14 CLB. Giải hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba lần lượt có 7, 16 và 7 đội góp mặt. Với những con số ấy, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giống một hình tháp ngược hơn là hình nón.
Mô hình hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và Thái Lan. Đồ họa: Quý Sáng. |
Bởi hệ thống ấy không tuân theo quy luật phát triển, nó đã tạo ra vô số hệ lụy. Giải hạng Nhất chỉ có 7 đội tham dự nên nguồn cung cho V.League bị giảm đi rõ rệt. Điều đó khiến kết cấu của V.League trở nên mong manh, dễ biến động. Từ năm 2013 tới nay, số lượng đội tham dự V.League đã thay đổi ít nhất 3 lần. Đó là chưa nhắc tới những trường hợp bất ngờ bỏ giải như An Giang, Ninh Bình hay Kiên Giang.
Để duy trì con số 14 đội V.League, VPF đã làm mọi cách. Họ phớt lờ các quy chế chuyên nghiệp, tiến hành các cuộc kiểm tra qua loa. Họ chấp nhận những mặt sân lồi lõm, những khán đài hư hỏng. Với họ, nỗi sợ bỏ giải còn lớn hơn nỗi sợ chất lượng giải đi xuống.
Tư tưởng ấy của VPF khiến V.League dần mất đi vị thế và giá trị. Các đội bóng không còn mặn mà trong việc lên hạng, các CLB không nỗ lực để cải thiện hình ảnh, còn CĐV thì dần dần quay lưng với giải đấu. Bằng chứng là số lượng người hâm mộ tới sân mỗi mùa ngày càng giảm. Tại V.League 2017, con số ấy là 5.592 người/trận - thấp nhất lịch sử giải đấu.
Đặt cạnh hệ thống giải của Thái Lan, những người yêu bóng đá sẽ thấy rõ sự khác biệt. Thai League 1 có 18 đội tham dự. 3 giải đấu hạng dưới của người Thái lần lượt có 18 đội, 32 đội và 61 đội góp mặt. Bên cạnh 4 hạng đấu này, bóng đá Thái còn một giải nghiệp dư dành cho các cầu thủ không chuyên với số đội tham dự không giới hạn.
Với nền tảng vững chắc ấy, bóng đá đỉnh cao Thái Lan dễ dàng tuyển chọn được những cầu thủ xuất sắc các lứa tuổi và trên cơ sở đó xây dựng các ĐT U23 và ĐTQG mạnh hàng đầu khu vực. Minh chứng rõ nhất là người Thái vô địch cả 4 kỳ AFF Cup và SEA Games gần nhất, đồng thời là đội Đông Nam Á duy nhất 2 lần liên tiếp có mặt ở vòng loại cuối World Cup.
20 trận/năm cho cầu thủ trẻ: Giấc mơ không bao giờ thành sự thật
Hệ thống giải vô địch quốc gia bất hợp lý khiến bóng đá trẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam từng đặt ra một yêu cầu: “Cải tiến hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia với các quy định, chế tài đảm bảo VĐV bóng đá U21 được thi đấu tối thiểu 20 trận mỗi năm”. Chiến lược ấy cho tới nay vẫn chưa thể thực hiện.
Do các hạng đấu phía dưới có ít đội bóng, cơ hội ra sân của những cầu thủ trẻ bị hạn chế rất nhiều. Họ buộc phải hài lòng với các giải vô địch quốc gia theo lứa tuổi được tổ chức mỗi năm một lần. Từng ấy là quá ít cho một cầu thủ trẻ.
Cầu thủ trẻ Hải Dương (áo vàng) và Viettel tại VCK Giải U13 quốc gia 2016. Ảnh: Thanh Hà. |
HLV Nguyễn Hải Biên - người đang làm đào tạo trẻ tại Viettel, phân tích: “Một cầu thủ trẻ U13 hoặc U15, nếu đá hết vòng loại của Giải vô địch quốc gia thì sẽ được chơi khoảng chục trận mỗi năm. Nếu lọt vào VCK, họ được đá thêm 5 trận nữa. Ở cấp độ U19 hay U21, con số cũng gần tương tự. Tính trung bình, cầu thủ trẻ chỉ có thể thi đấu tối đa 15 trận ở cấp độ CLB. Cơ hội cọ sát, thi đấu của họ vì thế rất ít”.
Thực trạng ấy là điều VFF cũng nhìn ra. Nhưng giải quyết nó là cả một bài toán khó. Tổng thư ký Lê Hoài Anh chia sẻ: “Trong 3 năm qua, VFF đã nỗ lực cải tiến hệ thống thi đấu của các giải trẻ. Việc tổ chức các vòng loại theo thể thức 2 lượt đi và về đã khiến số trận đấu tăng lên đáng kể. Dù vậy, chúng ta còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Các giải trẻ chỉ tiện tổ chức trong dịp hè, phải cân bằng với lịch học văn hóa của cầu thủ. Kinh phí tổ chức các giải trẻ cũng không có nhiều”.
Ngay cả khi VFF tổ chức được thêm giải đấu, bóng đá trẻ cũng phải đối diện với nhiều khó khăn khác. Bởi giải đấu càng kéo dài thì kinh phí của mỗi đội bóng càng tăng lên. Trong khi ấy, nguồn tiền đầu tư cho bóng đá trẻ là rất hạn chế.
Ngoại trừ những lò đào tạo mới như HAGL, PVF hay Viettel, các hệ thống đào tạo cũ đều đang gặp khó khăn. Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh của SLNA từng kể rằng ông chỉ mong có thêm một cốc sữa mỗi ngày cho các cầu thủ trẻ.
HLV Hải Biên tâm sự: “Ngay ở trung tâm lớn như Viettel, chúng tôi tổng kết năm 2017 và cũng đánh giá rằng cầu thủ của mình được thi đấu ít quá. Giá mà các em được chơi bóng nhiều hơn. Tôi tin rằng khi ấy, trình độ cầu thủ trẻ Việt Nam sẽ tăng lên rõ rệt”.
Cuộc “Đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam” sẽ được tổ chức vào hồi 14h ngày 13/1 tại nhà khách 35 Hùng Vương (Hà Nội). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Trước đó, nhiều vấn đề hóc búa của bóng đá Việt Nam vẫn chưa được trả lời dứt khoát trong “Hội nghị sơ kết thực hiện chiến lược phát triển BĐVN đến năm 2020, tầm nhìn 2030” diễn ra hôm 19/12. Sau cuộc gặp, Phó Thủ tướng đã đề nghị lấy góp ý từ các CLB, các chuyên gia về những vấn đề của bóng đá nước nhà.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục thể dục thể thao, VFF, VPF sẽ phải chuẩn bị các câu trả lời trước Hội thảo diễn ra hôm 13/1 này.