Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hình phạt độc và lạ đối với tài xế say xỉn trên thế giới

Trên thế giới, những lái xe uống rượu vượt mức quy định không chỉ phải nộp phạt hành chính hay ngồi tù mà còn lao động khổ sai, bêu tên...

Belarus

Trong trường vi phạm lần đầu tiên, những người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định 0,04 miligam một lít khí thở sẽ phải nộp phạt 70 - 400 USD và bị tịch thu bằng lái trong vòng 3 năm. Nếu tái phạm, người đó có thể phải ngồi tù. 

Cộng hòa Czech

Cộng hòa Czech và một số nước ở Đông Âu như Hungary, Slovakia, Romania đã áp dụng luật “không rượu bia khi lái xe”. Nói cách khác, khi lái xe, người điều khiển phương tiện không được sử dụng bất cứ chất có cồn như bia rượu. Nếu vi phạm, họ sẽ phải nộp phạt 200 - 470 euro. 

Croatia

Trước đây, Croatia cũng là một trong những quốc gia thi hành luật “không rượu bia khi lái xe”, song dưới sức ép của ngành du lịch, chính phủ nước này đã thay đổi bộ luật. Croatia đưa ra quy định rằng những người điều khiển phương tiện hợp lệ là khi nồng độ cồn trong máu dưới mức 40 ml. 

Tuy nhiên, nếu lái xe vi phạm luật giao thông hoặc gây ra tai nạn, anh ta có thể phải đối mặt với hình phạt được áp dụng trong luật nhưng khoản tiền nộp phạt khá nhỏ, chỉ 70 euro. 

Đức

Theo quy định của hệ thống luật giao thông châu Âu, nồng độ cồn trong cơ thể người tham gia giao thông chỉ được phép dưới mức 0,5 miligam một lít khí thở. Quy định này được áp dụng với hầu hết nước Tây Âu. Tuy nhiên, với những lái xe chở theo trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoặc dưới 21 tuổi và cả lái xe taxi, luật pháp quy định không được phép uống rượu. 

Tại Đức, hình phạt đối với người uống rượu vẫn lái xe sẽ tăng theo số lần vi phạm. Nếu vi phạm lần thứ nhất, tài xế phải nộp phạt 500 euro, lần thứ hai là 1.000 euro và lần thứ 3 là 3.000 euro. 

Anh

Tháng 8/1967, lần đầu tiên chính phủ Anh phê chuẩn luật quy định nồng độ cồn trong cơ thể người tham gia giao thông. Sau 10 năm triển khai, giới chuyên gia Anh nhận định quy định này đã giúp 6.000 người tránh khỏi tai nạn giao thông. 

Quy định nồng độ cồn trong cơ thể người lái xe hiện nay được Anh áp dụng là 0,8 miligam một lít khí thở. Tuy nhiên, Anh đã trở thành quốc gia hà khắc nhất châu Âu khi quy định những người vi phạm luật trên sẽ phải nộp phạt 7.200 euro. 

Pháp

Tại Pháp, với những lái xe uống rượu mà nồng độ cồn trong cơ thể đạt 0,8 miligam một lít khí thở, anh ta sẽ phải ra hầu tòa và nộp phạt 135 euro. Nếu vượt mức 0,8 miligam một lít khí thở, tài xế nộp hành chính 4.500 euro và 30.000 euro nếu gây tai nạn giao thông. 

Trong trường hợp người lái xe gây tai nạn nghiêm trọng, anh ta sẽ phải nộp 150.000 euro và ngồi tù 10 năm. Ngoài ra, tất cả người điều khiển xe máy đều phải mang theo dụng cụ đo nồng độ cồn trong máu. Đối với những người điều khiển ô tô, khi rời khỏi nhà hàng, họ phải kiểm tra nồng độ cồn trước khi bước lên xe ra về. Nếu bị phát hiện không kiểm tra, người lái xe sẽ bị phạt. 

Mỹ

Tại Mỹ, quy định đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có phần chặt chẽ hơn so với nhiều nước. Nếu lái xe điều khiển phương tiện bị phát hiện, anh ta có thể phải đối mặt với bản án 6 tháng hoặc một năm tù hay bị tước bằng lái vĩnh viễn. Đối với người lái xe trên 21 tuổi, nồng độ cồn trong máu quy định là 0,8 miligam một lít khí thở. Những người vi phạm lần đầu sẽ phải nộp phạt 300 USD và cấm lái xe trong vòng 6 tháng. 

Nếu cảnh sát phát hiện người lái xe tái vi phạm lần thứ hai trong khoảng 10 năm, anh ta sẽ bị phạt 5.000 USD và lần thứ 3 là 10.000 USD. Còn trong trường hợp lái xe gây tai nạn chết người, anh ta sẽ phải ngồi tù 10 năm. Tuy nhiên, quy định này tại các bang của Mỹ có phần khác nhau. 

Singapore

Nồng độ cồn trong máu đối với người điều khiển phương tiện giao thông tại Singapore được quy định là 0,08 miligam một lít khí thở. Nếu say rượu mà vẫn lái xe, người vi phạm sẽ bị phạt 5.000 SGD cộng với 6 tháng tù. Nếu tái phạm, tài xế phải nộp tới một triệu SGD và một năm tù giam, bị cấm lái xe và chịu hình phạt đánh roi. Trong đó, quy định phạt roi chỉ áp dụng đối với người vi phạm là nam giới dưới 50 tuổi.

Trung Quốc

Đối với lái xe uống rượu gây tai nạn giao thông chết người, luật pháp Trung Quốc có thể kết án tử hình. Nếu người điều khiển xe máy bị bắt trong tình trạng say rượu, anh ta vẫn bị coi là phạm tội và đối mặt với bản án ngồi tù 1 – 6 tháng, thậm chí bị cấm lái xe trong 3 năm. 

Thái Lan

Luật pháp Thái Lan quy định, người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu chỉ được phép dưới 0,05 miligam một lít khí thở. Và những người vi phạm gây tai nạn giao thông chết người có thể bị tòa án kết án tử hình. 

Nhật Bản

Tại đất nước mặt trời mọc, với nồng độ cồn trong máu vượt mức 0,03 miligam một lít khí thở, người điều khiển phương tiện có thể phải nộp một khoản tiền phạt lớn và bị cấm lái xe trong khoảng thời gian dài. 

Trong trường hợp người lái xe gây tai nạn cố tình bỏ trốn khỏi hiện trường, anh ta sẽ bị cấm điều khiển phương tiện giao thông trong vòng 10 năm. 

Ngay cả người cùng ngồi trên xe với lái xe uống rượu tham gia giao thông cũng phải chịu hình phạt. Ngoài ra, người điều khiển giao thông say rượu sẽ bị tước bằng lái suốt đời nếu gây tai nạn khiến hơn một người đi bộ thiệt mạng. 

Ngay cả những người pha chế rượu trong quán bar cũng không được phép bán rượu cho khách nếu biết rằng vị này sẽ lái xe. Nếu vi phạm, quán bar đó sẽ bị tước giấy phép hoạt động. 

Những hình phạt độc và lạ:

Malaysia

Lái xe khi uống rượu, người điều khiển giao thông sẽ bị phạt tù. Nếu anh ta đã kết hôn, người vợ cũng phải ngồi tù chung. 

Australia

Tên của người lái xe say rượu sẽ bị đăng trên báo địa phương dưới dòng tiêu đề: “Anh ta say rượu và phải ngồi tù”. 

Nam Phi

Người lái xe say xỉn sẽ phải ngồi tù 10 năm và nộp phạt 10.000 USD

Thổ Nhĩ Kỳ

Cảnh sát sẽ đưa người lái xe say rượu ra khỏi thị trấn khoảng hơn 30 km và buộc anh ta đi bộ trở về vị trí cũ trong khi đoàn xe cảnh sát đi kế bên giám sát. 

Phần Lan và Thụy Điển

Theo quy định của hai nước này, những tài xế uống rượu đương nhiên phải chịu hình phạt lao động khổ sai trong một năm. 

Costa Rica

Cảnh sát có quyền tịch thu biển số xe đối với những trường hợp lái xe say rượu. 

Mexico và Canada

Các nhân viên hải quan của Mexico và Canada có quyền từ chối cho một công dân nhập cảnh nếu người này từng phạm lỗi lái xe say xỉn.

http://infonet.vn/nhung-hinh-phat-doc-va-la-doi-voi-tai-xe-say-xin-tren-the-gioi-post159543.info

Theo Minh Thu/Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm