Lực lượng an ninh áp sát chiếc máy bay của Hãng Virgin Australia trong vụ báo động không tặc giả hồi tháng 4 ở Bali, Indonesia. Ảnh: AFP |
Hôm 30/11, một chiếc máy bay của Hãng hàng không American Airlines từ Barcelona, Tây Ban Nha, vừa hạ cánh xuống sân bay JFK ở New York, Mỹ, thì có điện báo khẳng định trên máy bay có bom. Nhà chức trách lập tức di tản tất cả hành khách và nhân viên phi hành đoàn.
Lực lượng cảnh sát lục tung toàn bộ máy bay nhưng không phát hiện bất cứ vật khả nghi nào. Nhà chức trách xác định đây là một vụ báo động giả.
Hồi tháng 4, chuyến bay của hãng hàng không Virgin Australia khi đang trên đường đến Bali, Indonesia, đã phát tín hiệu bị không tặc tấn công.
Lập tức chính quyền Bali đóng cửa sân bay Denpasar và buộc toàn bộ chuyến bay tới đây hạ cánh xuống những sân bay khác. Tuy nhiên, vụ việc hóa ra chỉ là một hành khách say xỉn trên chuyến bay này tìm cách xông vào buồng lái.
Hành khách này sau đó bị còng tay, cơ trưởng Virgin Australia thừa nhận đã ấn nhầm nút báo động không tặc tấn công. May mắn là chiếc máy bay chở 139 hành khách đã hạ cánh an toàn.
Kịch tính trên bầu trời
Tương tự, hồi tháng 1/2011 một chiếc máy bay của hãng hàng không Ai Cập Egypt Air chở 251 hành khách từ London, Anh, tới Cairo đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Athens, Hy Lạp, sau báo động có bom trên máy bay.
Các tiếp viên trên chuyến bay tình cờ tìm thấy một mẩu giấy có ghi chữ "bom". Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Athens, lực lượng đặc nhiệm Hy Lạp lập tức di tản các hành khách tới một khách sạn và lục soát máy bay suốt cả một đêm. Tuy nhiên, nhà chức trách không hề phát hiện bất kỳ quả bom nào. Chiều hôm sau, máy bay lại cất cánh đến Cairo.
Một vụ báo động giả nổi tiếng diễn ra đúng vào ngày 11/9/2001, ngày khủng bố tấn công nước Mỹ. Chuyến bay 85 của Hãng hàng không Korean Air đang trên đường tới Anchorage, bang Alaska, Mỹ, suýt nữa bị bắn hạ và buộc phải hạ cánh xuống thành phố Whitehorse ở Canada.
Khi đó cơ trưởng chuyến bay 85 thảo luận về diễn biến vụ 11/9 với văn phòng của Hãng Korean Air và đã viết chữ HJK (mã của chữ hijacked, nghĩa là bị không tặc tấn công) trong một đoạn tin nhắn. Hãng dịch vụ gửi tin nhắn Aeronautical Radio phát hiện chữ HJK và lập tức thông báo cho Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD).
NORAD đã triển khai máy bay chiến đấu F-15 từ Anchorage chặn đầu chiếc Boeing của Korean Air. Đài kiểm soát không lưu Alaska đặt câu hỏi mang mật mã với phi công để xác định xem máy bay có bị không tặc hay không. Đài kiểm soát không lưu yêu cầu phi công đổi mã tiếp sóng sang 7500, tín hiệu bị không tặc. Và phi công tuân thủ yêu cầu này.
Sau đó, thống đốc bang Alaska ra lệnh di tản các tòa nhà chính quyền và khách sạn ở Anchorage. Lực lượng tuần duyên Mỹ ra lệnh cho mọi tàu chở dầu phải đi ra biển. Người đứng đầu NORAD tuyên bố sẵn sàng ra lệnh cho máy bay chiến đấu bắn hạ chiếc máy bay của Korean Air nếu nó tấn công Alaska. Khi đó, đài kiểm soát không lưu Alaska yêu cầu máy bay hạ cánh xuống Whitehorse ở Canada, một khu vực thưa dân cư.
Tại Whitehorse, nhà chức trách Canada cũng ra lệnh di tản các tòa nhà lớn. Chiếc máy bay hạ cánh êm thắm xuống Whitehorse và được lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Canada "tiếp đón". Nhưng hóa ra chẳng có tên không tặc nào cả. Điều tra cho thấy cơ trưởng chuyến bay của Korean Air đã bị nhầm lẫn.
Tốn kém không cần thiết
Một vụ báo động giả hài hước xảy ra trên chuyến bay CB-744 của Hãng Alliance Airlines từ Bombay tới New Delhi, Ấn Độ, hồi tháng 10/2001. Các quan chức đài kiểm soát không lưu dưới mặt đất nhận được một cuộc điện thoại thông báo có không tặc trên máy bay và gửi thông tin cho các phi công. Các phi công lập tức khóa chặt buồng lái vì cho rằng không tặc trà trộn vào giữa các hành khách.
Ngược lại, các hành khách tưởng rằng không tặc đã chiếm buồng lái nên chỉ biết cầu nguyện và hoảng sợ. Sau ba giờ căng thẳng, máy bay hạ cánh xuống New Delhi. Hơn 100 cảnh sát và hàng chục xe cứu hỏa đã chờ sẵn. Thân nhân của các hành khách trên máy bay cũng đã tập trung đầy đủ ở sân bay vì lo lắng cho tính mạng người nhà. Nhưng kiểm tra cho thấy chẳng hề có gã không tặc nào cả. Mọi hành khách đều được ra về một cách an toàn.
Hiện chưa có thống kê về chi phí của các chiến dịch di tản và cứu hộ trong các trường hợp báo động giả khủng bố và không tặc trên máy bay. Tuy nhiên hồi tháng 4/2014. Hãng tin CBC cho biết nhà chức trách Canada đã tiêu tốn hơn 47 triệu USD tiền thuế của dân trong bảy năm qua vì việc triển khai lực lượng quân đội và cảnh sát biển để đối phó với các vụ báo động giả trên máy bay.
Trong đó chỉ riêng vùng Atlantic, Canada, tốn khoảng 11 triệu USD. Bởi mỗi chiếc máy bay quân sự được triển khai có thể tiêu tốn 10.000-20.000 USD cho mỗi giờ bay. "Các báo động giả thật sự khiến người dân đóng thuế tốn tiền", chuyên gia cứu hộ Greg Smit thuộc chính phủ Canada khẳng định.