Bề mặt sao Thổ dường như đang dần dần đổi màu, theo quan sát của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Tàu vũ trụ Cassini của NASA đã quan sát hành tinh này từ năm 2004. Theo những hình ảnh Cassini gửi về, bề mặt sao Thổ bắt đầu thay đổi màu sắc từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2016.
Sao Thổ chuẩn bị chuyển sang mùa hè là một trong những giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích cho sự đổi màu ở cực bắc của hành tinh này. Ảnh: NASA.
|
Hình lục giác ở cực bắc sao Thổ giống như một mô hình điện toán đám mây đang xoay. Các nhà khoa học tin rằng hình dạng này được tạo thành do sự khác biệt về tốc độ gió trên sao Thổ.
Sao Thổ là hành tinh thứ 6 tính từ Mặt trời và là hành tinh lớn thứ 2 trong Hệ mặt trời sau sao Mộc. Cũng giống như sao Mộc, sao Thổ là một hành tinh khí khổng lồ được hợp thành bởi các loại khí giống nhau bao gồm hydro, heli và methane.
Sự thay đổi màu sắc của sao Thổ được cho là kết quả của sự chuyển mùa trên hành tinh và mức độ tăng cao của ánh sáng mặt trời sản sinh ra các sol khí trong khí quyển.
Hình lục giác ở cực bắc của sao Thổ dần dần chuyển từ xanh lợt sang vàng ánh kim khi so sánh ảnh chụp mới nhận được với hình ảnh từ 4 năm trước. Ảnh: NASA. |
"Đặc biệt, sự đổi màu từ xanh lợt thành vàng có thể là do sự gia tăng của khói mù quang hóa được tạo ra trong khí quyển khi cực bắc đến gần hạ chí vào tháng 5/2017," NASA cho biết.
Theo cơ quan không gian Mỹ, hình lục giác ở cực bắc sao Thổ có thể hoạt động như một loại vỏ bảo vệ với "dòng tia sáu mặt" nhằm ngăn chặn các hạt vật chất bên ngoài xâm nhập vào bên trong hành tinh.
2016 là năm cuối cùng trong sứ mệnh quan sát các hành tinh bao quanh sao Thổ của tàu vũ trụ Cassini. Nó đã gửi được vô số thông tin về sao Thổ và các vệ tinh của hành tinh này.
Những ngày qua, tàu vũ trụ này đã chuyển trọng tâm từ mặt trăng của sao Thổ sang cực bắc của nó khi các nhà khoa học bất ngờ phát hiện sự đổi màu từ các bức ảnh chụp được.