"Chúng tôi ra đi mang theo cả linh hồn Hà Nội, từ mùa thu 1954. Và Hà Nội trong tôi, đã hơn mười năm cách biệt, vẫn còn giữ nguyên bóng dáng một tình nhân của tuổi hai mươi"… trong thiên hồi ức nhỏ Hà Nội văn nghệ những ngày báo hiệu loạn ly giữa thiên hồi ức lớn Đốt lò hương cũ nhà thơ Đinh Hùng đã viết thế.
Tôi tin thi nhân viết những dòng ấy khi lòng đang đằm trong cơn bức nhớ Hà Nội, nhớ những bóng hình bạn bè xưa cũ đến mòn điên da diết.
Đốt lò hương cũ của Đinh Hùng mới được NXB Đà Nẵng và Như Books phát hành. |
Viết về văn nhân trong nỗi nhớ da diết
Chỉ một vĩ tuyến 17 thôi mà đã kẻ Bắc người Nam, chỉ một hiệp định Geneve thôi mà đã bên này - bên kia, cách biệt nghìn trùng, muôn vàn xa cách. Những người đi năm ấy, mùa thu lá đổ, đi là đi mãi chẳng hẹn ngày về.
Chợt nhớ đến bài hát Tình lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình: "Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha". Hình ảnh mùa thu sau lưng, mùa khu đã khuất còn xuất hiện trong nhiều tác phẩm của những người Hà Nội ra đi năm ấy, là Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Vũ Bằng, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…
Nhưng thử hỏi còn có mấy người được nếm dư vị mùa thu thực sự ấy lần nữa. Được thở cái không khí trầm mặc phố xá rợp bóng cây, nhìn một mái ngói xô nghiêng đi trong mưa, ngửi một hơi trầm thoang thoảng thoát ra từ mái nhà nào đó. Tất cả đã cũ rồi, tưởng mới thôi mà chớp mắt nhìn quanh ồ hết một đời người. Một kiếp người sinh ra ở vùng có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông bị ướp trong nắng Sài Gòn mãi chẳng thể nào quen được.
Thế mới thấy thương cho kiếp thi nhân, khi nhớ chỉ còn biết viết ra, trải lòng mình lên trên trang giấy cho đỡ nhớ. Vì vậy ta mới gặp được một Thạch Lam khác sống trong ngôi nhà tranh ven Tồ Tây hết lòng vì bạn bè. Căn nhà của ông là nơi tụ họp của những văn nhân, họa sĩ, nhạc sĩ lừng lẫy một thời như Nhất Linh, Khái Hưng, Trần Tiêu, Thế Lữ, Huyền Kiêu, Nguyễn Tường Bách, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đỗ Cung…
Thạch Lam khác ở đây là một Thạch Lam chịu chơi đến tận cùng, làm cán cân cân bằng giữa những cuộc tranh cãi về văn chương, đời sống và giục mọi người uống rượu. Nó khác với bóng dáng Thạch Lam (như mọi người vẫn nghĩ, vẫn tưởng) xuất hiện sau các truyện ngắn như Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan, Nhà mẹ Lê… có gì đó u u buồn buồn, chấp nhận hiện thực đang giăng ra.
Thạch Lam của hiện thực là Thạch Lam sống với trực tiếp văn chương, bạn bè. Với trận rượu bày ra từ 6 giờ chiều, uống đến 12 giờ đêm thì Thế Lữ về. 3 giờ sáng Nhất Linh chưa có vẻ gì là say nhưng ngừng uống và ra võng giữa nhà nằm ê a ngâm thơ. Còn ba người là Thạch Lam, Huyền Kiêu, Đinh Hùng vì hết rượu Rhum xoay ra uống rượu Văn Điển với mực nướng, dưa chua. Hết mực hết dưa thì vặt cả cánh sen trong bình mà nhắm. Đến sáng người nhà dậy đi chợ mua thêm đồ thì uống tiếp đến 12 giờ trưa…
Không lạ khi thi sĩ Đinh Hùng dành ba bài liên tiếp phần đầu sách để viết về Thạch Lam. Một người anh từ sơ giao đến thân giao, chứng kiến cả những giờ phút cuối đời của nhà văn Hà Nội băm sáu phố phường. Để rồi chợt nghĩ rằng "Thạch Lam vẫn còn say chưa tỉnh, anh đã mang theo cả những hình ảnh tuyệt vời của cơn say dài bất tận về hư vô. Trong khi chúng tôi ở lại, chẳng còn chất men kỳ diệu nào để mà say, nên cứ phải giương mắt ra nhìn đời giữa lúc rất tỉnh - sự tỉnh táo vô vị của những con người đại bất hạnh".
Nhưng Đốt lò hương cũ đâu chỉ để nhớ có riêng Thạch Lam. Đó còn là nhớ thi sĩ Tản Đà với bữa rượu đầu đời ở lứa tuổi học sinh nhắm với cá với tôm, hưởng hương vị đơn sơ của sông Đà. Và một Tản Đà cầu kỳ với món lòng cá, thiếu là mất đi dư âm của việc ăn, việc uống rượu, chỉ còn là kẻ xuẩn ngốc. Và cái việc ông bắt học sinh nửa đêm soi đuốc ra bờ sông tìm lòng cá để cho bữa cá được có quy tắc, đúng niêm luật thì mới là chính “ông”.
Lò hương nhớ người khuất bóng
Rồi đến Vũ Trọng Phụng trong những ngày tháng cuối đời cùng văn hữu đấu tranh đòi nhà xuất bản Tân Dân tăng tiền bán chữ cho nhà văn. Nhà xuất bản không đồng ý. Nhà văn đình công. Lúc này có một số vẫn ngầm gửi bản thảo. Vũ Trọng Phụng trung thành với nhóm tranh đấu, chịu cơ cực, túng thiếu. Mấy tháng sau nhà xuất bản nhượng bộ, họ Vũ ốm lả vẫn nhờ bạn bè đưa lên ký, chứng kiến sự kiện quan trọng đó.
Cuốn sách khắc lại gương mặt những văn nhân một thuở. |
Nhưng có ai ngờ chỉ vài hôm sau nhà văn của Số đỏ từ trần. "Tác giả Số đỏ là người suốt đời chỉ gặp toàn số đen, và số đen cho tới lúc chết" như lời nhà văn Ngọc Giao nhận xét. Hay chính vì cái số đen cuộc đời cạnh Số đỏ - tác phẩm đã làm nên một Vũ Trọng Phụng không bao giờ chết.
Dù có "lặng lẽ chết đi với cái nghèo cố hữu của mình, nhưng lúc sống đã dám nhịn đói giữa lúc vi trùng lao đang tàn phá hai lá phổi, và nhịn đói để giữ trọn một lời giao ước với những người bạn đồng hội đồng thuyền, để trung thành với cái sĩ khí của chính mình, sĩ khí của một kẻ cầm bút không chịu để cho kẻ có tiền chi phối…"
Cạnh đó còn là cái chết vì loạn thần kinh của nhà văn Kim Hà, người được giải thưởng Tự lực Văn đoàn năm 1940 -1941 với cuốn tiểu thuyết Cái nhà gạch. Một nhà văn của thợ thuyền, của đời sống lam lũ, viết bằng chính cuộc đời của mình. Nhưng tiếc thay tài năng đó đã sớm tàn như một điềm sao mong manh lìa ngôi. Sau này, người ta quên mất cái tên Kim Hà như quên nhiều cái tên khác. Có chăng chỉ còn chút hương của Đinh Hùng vớt lại, đốt lên trong hồi ức Tìm về những màu xuân dĩ vãng.
Đốt lò hương cũ còn là những kỷ niệm về đi hát cô đầu của nhóm Nhất Linh, Thế Lữ, Thạch Lam, Khái Hưng, Trần Tiêu, Nguyễn Tường Bách, Huyền Kiêu và tác giả. Tất cả trong cơn rượu đều vung lên phải đi nhưng rồi chẳng biết đi đâu. Cũng may họ gặp anh chàng Nguyễn Tuân của Vang bóng một thời và họ được dự chầu hát độc nhất vô nhị gồm đủ mặt các danh kỹ đương thời.
Và nhờ đó, ta mới biết được Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam cầm roi chầu để thưởng thức điệu hát Đào Nương thế nào. Biết đến một nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát chơi nhạc phẩm Danse Macabre đuổi được những tên lính lê dương ra khỏi phòng trà. Trả chúng về đúng lại với cái bản nguyên con người thiện lương.
Trước khi đi còn "trịnh trọng giơ tay chào các nhạc sĩ kiểu nhà binh, đoạn rất lịch sự - lễ độ là khác - rút lui khỏi quán, sau khi thanh toán tiền hàng đầy đủ, không quên, bồi thường chiếc bóng đèn điện vỡ rất chu đáo, và thưởng tiền cho bồi bàn rất trọng hậu".
Và quên sao được những sợi khói mảnh mai nhớ nhung đốt lên từ lò hương nhớ người khuất bóng từ mùa thu năm nào như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Du. Rồi nhà thơ cách mạng thuần túy Phan Bội Châu, thi gia lớp trước cụ Ưng Bình Thúc Giạ.
Tất cả người chưa gặp, người đã gặp, người cùng thời và khác thời đều về đây tề tựu. Họ là những người chết vô hình nhưng không vắng mặt. Cũng như chính số phận của cuốn sách Đốt lò hương cũ, tác giả của nó đã ra đi "về cõi không hư vô cùng tận" năm 1967, bốn năm sau thì nhà xuất bản Lửa Thiêng mới đưa in.
Giờ đây, cuốn sách được in lại sau mấy chục năm trời đằng đẵng. Qua bao lần gió mưa biến chuyển của thời cuộc, con người. Sinh thời thi nhân chưa được thấy hình hài đứa con của mình. Nhưng thiết nghĩ cũng có sao đâu khi mà những người chết ấy sống vĩnh viễn trong lòng chúng ta hôm nay.