Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao hồi ký làm báo Vũ Bằng có tên 'Bốn mươi năm nói láo'?

Vũ Bằng không coi nghề báo là ghê gớm, ông chỉ tự trào, coi những chuyện hậu trường làm báo của mình là "nói láo" để vẽ bức tranh chân thực về làng báo.

Goethe cho rằng nghề báo sinh ra để người ta tiêu khiển. Còn nhà thơ Baudelaire quan niệm báo chí chỉ chứa những thứ kinh khủng như chiến tranh, giết tróc, tội ác... Hai ý kiến về nghề báo được Vũ Bằng trích đưa vào phần đầu cuốn hồi ký.

Quan điểm ấy nghe qua có vẻ hợp với tên sách Bốn mưới năm "nói láo". Nhưng tư tưởng làm báo của Vũ Bằng lại hoàn toàn khác với ý kiến có phần xem thường nghề báo của Goethe, trái với nhận xét nghề báo là lá cải, “giẻ rách”, “đồ bỏ” của Baudelaire.

bon muoi nam lam bao vu bang anh 1
Hồi ký Bốn mươi năm "nói láo" của cá nhân Vũ Bằng cho thấy lịch sử một giai đoạn làm báo của Việt Nam.

Tác giả không gọi cuốn hồi ký của mình là Bốn mươi năm làm báo, mà lấy tên sách là Bốn mươi năm "nói láo", bởi theo ông, “nói láo là một vinh dự, làm nghề nói láo là làm một nghề đặc biệt ít ai dám đem ra khoe khoang”.

Vũ Bằng dẫn ra bốn câu thơ mà Bồ Tùng Linh đưa vào mở đầu tập truyện bất hủ Liêu trai chí dị:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
Chuyện đời đã chán không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời”.

Theo ông, Bồ Tùng Linh thấy vinh dự khi làm nghề nói láo, thiên hạ cũng là nghe láo. Ông tự nhận mình huỵch toẹt là nói láo, ưa nói láo, nhưng nói láo như vậy còn hơn là nói chuyện đời xấu quá.

bon muoi nam lam bao vu bang anh 2
Cuốn sách cho thấy quan điểm báo chí của Vũ Bằng, cũng như lòng yêu nghề của ông.

Còn với nghề báo, khi người ta nói “làm báo nói láo ăn tiền”, Vũ Bằng cho rằng anh em làng báo nghe câu ấy, ngoài mặt thì có vẻ bất cần, nhưng thâm tâm thì hơi giận: tại sao làm cái nghề cao quý như nghề báo, tại sao lãnh một sứ mạng nghiêm trọng là hướng dẫn dư luận, tại sao phụng sự một quyền lực lớn mạnh vào bậc thứ tư trên trái đất này mà có người dám bảo là nghề nói láo.

Với Vũ Bằng, ông không coi nhẹ nghề “nói láo”, cũng không cho nó cái quyền năng quá lớn lao. Cuộc đời ngang dọc 40 năm lăn lộn với nghề báo của Vũ Bằng đã chứng minh ông yêu nghề này biết bao.

“Tôi chỉ biết một điều: thích thì làm, thích làm báo thì viết báo, chớ cũng chẳng xây mộng lớn lao gì hết”, Vũ Bằng giãi bày trong sách.

Thuở nhỏ, Vũ Bằng ngày ngày trông coi hiệu sách cho gia đình, mơ tưởng đến những bài viết đăng trên báo. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dưới sự kiểm soát gắt gao của trường Pháp, cậu học sinh Vũ Bằng cùng với bạn bè làm tờ Hồn nước Nam - một nguyệt san nói về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, văn hóa dân tộc. Mặc kệ sự sắp xếp của gia đình muốn cho cậu con trai sang Paris học nghề bác sĩ, Vũ Bằng bỏ học để làm báo.

Từ đó, Vũ Bằng ngược xuôi làm báo, đi hết từ tòa báo này đến làm chủ bút tòa báo khác, tung hoành đất Bắc chưa đủ, ông lại vào Nam làm báo. Bởi vậy, hồi ký làm báo của cá nhân Vũ Bằng, mà đọc có thể thấy cả một lịch sử làm báo của Việt Nam qua các giai đoạn: từ đầu thế kỷ 20 tới năm 1954 (ở Hà Nội), và từ 1954 tới 1969 ở Sài Gòn.

Ở đó người đọc có thể thấy các tờ báo xưa hoạt động như nào, hưng thịnh ra sao, ai nắm vai trò chủ chốt trong các tờ báo như Đông Tây, Nhật Tân, Trung Bắc Tân văn, Vịt Đực, Tiểu thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Chủ Nhật, Trung Việt Tân văn, Tiếng Dân, Công Luận, Lửa Sống...

Trong sách, người đọc cũng phần nào cảm nhận sự say nghề của những nhân vật đình đám làng báo như Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Đào Trinh Nhất, Ngô Tất Tố, Tchya, Vũ Đình Long, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Thanh Châu... 

Trong suốt quá trình làm báo, có lúc Vũ Bằng coi nghề báo là lớn lao. Với giọng văn hoạt khẩu, pha chút tự trào, ông nói: “Có lúc tôi cũng tưởng là tôi oai, mà nghề tôi là nghề ghê gớm thực; nhưng gặp lúc mây chiều gió sớm, mình rất thành thực với lòng, tôi cảm thấy rằng nghĩ như vậy, chỉ là mình tự dối mình".

bon muoi nam lam bao vu bang anh 3
 Vũ Bằng, người làm văn làm báo sôi nổi nửa đầu thế kỷ 20.

"Để lòng lên bàn tay, tôi chỉ thấy tôi là một anh nói láo trường kỳ, nói láo vô tội vạ, nói láo ra tiền, để kết cục đến bây giờ mang lấy cái nghiệp vào thân, không sao gỡ được, đành là cứ phải tiếp tục nói láo cho đến chết - vì tôi biết chắc sẽ không thể nào thoát được hai bàn tay sắt bọc nhung của bà chúa báo”.

Lúc Vũ Bằng thành thực với lòng mình nhất, khi ông “để lòng lên hai bàn tay”, phơi lòng mình ra cho chính mình và thiên hạ thấy, là lúc tình yêu của ông với nghề báo hiện lên rõ nhất.

Và cái cách gọi nghề của mình là “nói láo”, đó là một chút tự trào của Vũ Bằng. Từ "nói láo" ông dùng đầy hàm ý, chỉ những câu chuyện hậu trường làng báo ông kể ra trong sách là chuyện "nói cho vui", "nói láo".

Nhưng những câu chuyện tưởng như "láo lếu" về những người, những tòa báo mà Vũ Bằng kể, hóa ra lại giúp người đọc nhận thức được bao sự thật của một giai đoạn báo chí, những con người xả thân, xả gia tài vì nghề. Với cách “nói láo” có phần dân dã, vui vẻ ấy, mà người đọc tới tận hôm nay vẫn nhận được bao thông tin lợi ích về nghề báo.

Học tập phong cách sử dụng ngôn ngữ báo chí của Bác Hồ

Sự nghiệp báo chí của Bác Hồ rất rộng lớn, phong phú, nhiều vấn đề, bài học và kinh nghiệm quý để lại cho các thế hệ con cháu.


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm