Các bước sóng ánh sáng từ ba đài quan sát không gian được chồng lên nhau tạo nên hình ảnh mới độc đáo về Mặt Trời. Ảnh: JPL-Caltech/JAXA/NASA. |
Hình ảnh mới được công bố là sự kết hợp những điểm tia X giải phóng từ Mặt Trời quan sát được từ kính viễn vọng quang phổ hạt nhân (được mô tả bằng màu xanh lam) với dữ liệu từ kính viễn vọng Hinode của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (được hiển thị bằng màu xanh lá cây) và Tổ hợp Hình ảnh Khí quyển trên Đài quan sát Động lực học Mặt Trời của NASA (màu đỏ), CNN đưa tin hôm 16/2.
Kính viễn vọng quang phổ hạt nhân, hay còn gọi là kính NuSTAR, có thể quan sát tia X được giải phóng từ các điểm nóng nhất trong bầu khí quyển của Mặt Trời.
Trong khi đó, kính viễn vọng tia X Hinode có khả năng phát hiện tia X năng lượng thấp. Đài quan sát Động lực học Mặt Trời có thể phát hiện tia cực tím cực mạnh.
Ngoài các loại ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy được, vẫn có nhiều bước sóng ánh sáng bị che khuất khỏi tầm nhìn của chúng ta, trong đó có tia X và tia cực tím.
Từ quỹ đạo của mình quanh Trái Đất, NuSTAR đã chụp được 25 bức ảnh tia X năng lượng cao trong bầu khí quyển của Mặt Trời vào tháng 6/2022.
Trong khi NuSTAR quan sát được các tia X năng lượng cao từ Mặt Trời (được diễn tả bằng màu xanh lam), kính Hinode quan sát được tia X năng lượng thấp (xanh lá), và Đài quan sát Động lực học Mặt Trời ghi được hình ảnh của tia cực tím (đỏ). Ảnh: JPL-Caltech/JAXA/NASA. |
Kính viễn vọng NuSTAR, được phóng lên không gian vào tháng 6/2012, có nhiệm vụ quan sát các lỗ đen khổng lồ và các ngôi sao suy tàn bên ngoài Thái Dương hệ, nhưng nó cũng quan sát được hình ảnh độc đáo về Mặt Trời.
Một trong những bí ẩn lớn nhất về Mặt Trời là tại sao bầu khí quyển bên ngoài của nó - hay còn gọi là vành nhật hoa - nóng hơn ít nhất 100 lần so với bề mặt của thiên thể này.
Các nhà thiên văn học cho rằng sức nóng của vành nhật hoa có thể đạt mức đáng kinh ngạc, tới một triệu độ C, là do các vụ nổ nhỏ có tên nanoflare.
Rất khó để nhận ra các nanoflare vì độ sáng của Mặt Trời quá mạnh, nhưng NuSTAR có thể phát hiện vật chất chứa năng lượng được tạo ra từ các nanoflare xảy ra gần nhau. Dữ liệu của NuSTAR có thể giúp các nhà khoa học theo dõi tần suất xảy ra nanoflare để hiểu rõ hơn về chu kỳ hoạt động của Mặt Trời.
Những câu hỏi lớn - Vũ trụ
Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...