Một đứa trẻ sinh ra dưới đống đổ nát và được cứu sống vài giờ sau đó, dây rốn vẫn còn dính với cơ thể mẹ. Một bé gái nằm bẹp dưới đống đổ nát vẫn lấy tay che chắn cho em mình suốt 36 giờ. Một cậu bé treo lơ lửng trên mái nhà chỉ biết đọc kinh cầu nguyện, hay cậu thiếu niên tự ghi hình bản thân dưới đống đổ nát, tự hỏi liệu mình sẽ sống hay chết.
Những hình ảnh đau lòng về một số trẻ em bị mắc kẹt trong trận động đất hôm 6/2 ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông suốt những ngày qua.
Trong đó, một số may mắn được đội cứu hộ và người dân địa phương cứu sống, thoát ra từ đống đổ nát trong cảnh đầu bù tóc rối, quần áo, tóc và cơ thể bám đầy bụi. Những đứa trẻ khác không may mắn như vậy, thi thể của chúng được bọc trong chăn, đặt bên đường hoặc nằm gọn trong vòng tay cha mẹ.
Một số trẻ thậm chí là thành viên duy nhất sống sót trong gia đình. Số khác vẫn chưa thể xác định danh tính, các nhân viên cứu hộ đang nỗ lực tìm cách giúp chúng đoàn tụ với người thân, theo New York Times.
Không đứa trẻ nào tránh được tổn thương
“Không một đứa trẻ nào trải qua trận động đất ở khu vực này mà không bị tổn thương cả về thể chất lẫn tâm lý”, Joe English, phát ngôn viên của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cho biết.
Ông English nói thêm hiện vẫn chưa thể xác định có bao nhiêu trẻ em đã thiệt mạng hoặc được giải cứu khỏi đống đổ nát.
Trong khi đó, ở nhiều khu vực, người dân đang dùng tay không đào bới và kéo những đứa trẻ ra ngoài.
Bé gái chào đời dưới đống đổ nát được điều trị tại một bệnh viện nhi ở thị trấn Afrin, tỉnh Aleppo, Syria hôm 7/2. Ảnh: Ghaith Alsayed/AP. |
Hôm 6/2, Khalil al Shami, 34 tuổi, đang tìm kiếm trong đống đổ nát của tòa nhà ở thành phố Jinderes - nơi anh trai anh từng sống - thì nhìn thấy chân của chị dâu Afraa Abu Hadiya và một bé gái vẫn còn dây rốn quấn quanh người. Hadiya đã sinh con trong khi bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Trong một cuộc phỏng vấn, Shami kể khi anh cắt dây rốn dính đầy bụi, đứa bé cất tiếng khóc chào đời. Anh tiếp tục đào với hy vọng người mẹ vẫn còn sống. Nhưng Hadiya đã không qua khỏi.
“Đứa bé lẽ ra sẽ chào đời ngày hôm sau, nhưng có thể chị ấy đã sinh con khi sốc”, anh nói.
Đứa bé được cứu sống vào chiều 6/2 và đưa đến bệnh viện nhi ở thị trấn Afrin. Bác sĩ Hani Maarouf nói thân nhiệt của bé giảm xuống còn 35 độ C và có nhiều vết bầm tím, với một vết bầm lớn ở lưng, nhưng bé trong tình trạng ổn định.
Bác sĩ Maarouf cho biết đứa bé có thể đã được sinh ra vài tiếng trước khi các nhân viên cứu hộ tìm thấy. Ông nói nếu bé gái được sinh trước trận động đất, em có thể không qua khỏi vì thời tiết lạnh tại Syria, theo AP.
Ông Sleiman, người có mặt tại hiện trường, cho biết khi trận động đất xảy ra, bà Abu Hadiya cùng chồng và 4 người con khác đã cố chạy ra khỏi tòa chung cư, nhưng tòa nhà đổ sập lên người họ.
Chấn thương nối tiếp chấn thương
Tại một thành phố khác của Syria, video từ hiện trường cho thấy hai bé gái bị kẹt dưới đống đổ nát, nằm chồng lên nhau. Một người đàn ông cố gắng tiếp cận chúng, anh nghe thấy tiếng kêu khóc: “Hãy đưa con ra ngoài".
Ở Besnaya-Bseineh, Haram, bé Mariam, 7 tuổi, cố gắng che chắn cho em mình dưới đống bê tông suốt 36 giờ, theo CNN.
“Xin hãy cứu con ra khỏi đây, con sẽ làm bất cứ điều gì cho chú”, bé Mariam, 7 tuổi, nói với những người cứu hộ khi được phát hiện dưới đống đổ nát của ngôi nhà ở Besnaya-Bseineh.
"Con sẽ làm người giúp việc cho chú", cô bé nói thêm. Nhân viên cứu hộ sau đó đã trả lời: "Không, không".
Vừa cầu xin giúp đỡ, Mariam vừa nhẹ nhàng vuốt tóc em mình, Ilaaf, khi cả hai nằm chồng lên nhau trên chiếc giường đã bị những mảnh vỡ đè lên một phần.
Ở một địa điểm khác, cậu thiếu niên mặc áo sơ mi đỏ phủ đầy bụi đã tự quay phim dưới đống gạch và kim loại cong vênh còn sót lại của ngôi nhà. Cậu nói không biết làm thế nào để diễn tả cảm giác của mình, không rõ mình sẽ sống hay chết. Sau đó, một tiếng hét vang lên trong video.
“Hơn hai, ba gia đình mắc kẹt, bạn nghe thấy tiếng la hét của họ và hàng xóm của chúng tôi. Thượng đế hãy giúp chúng tôi”, cậu nói trong video.
Bé gái Mariam che chắn cho em suốt 36 giờ khi 2 chị em kẹt dưới đống đổ nát. Ảnh: Twitter/Northwestern Syria. |
Nhiều gia đình chạy khỏi nhà trong thời tiết lạnh giá, chỉ mặc quần áo ngủ, đang trú ẩn trong ôtô hoặc những địa điểm công cộng như nhà thờ Hồi giáo và trường học.
Đối với trẻ em Syria, trận động đất xảy ra sau 12 năm gồng gánh nỗi đau chiến tranh, nghèo đói và nhiều lần phải sơ tán do các cuộc xung đột.
“Chấn thương nối tiếp chấn thương, đau lòng nối tiếp đau lòng. Họ sẽ còn một con đường dài phía trước", ông English nói.
Trọng tâm trước mắt của Liên Hợp Quốc là đảm bảo trẻ em và những gia đình bị ảnh hưởng được tiếp cận với đồ ăn, nước uống an toàn và các dịch vụ vệ sinh - yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh tật trong những ngày đầu khủng hoảng. UNICEF cũng đang chuẩn bị cung cấp hỗ trợ về tâm lý.
Cảnh ngộ của di dân Syria
Mục Thế giới giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách "Người nuôi ong thành Aleppo" kể về trải nghiệm di cư đến Anh để thoát khỏi cuộc nội chiến Syria. Bám theo nhân vật Nuri Ibrahim và những khó khăn trên hành trình của anh, “Người nuôi ong thành Aleppo” không chỉ cho thấy tình cảnh không thể chịu nổi của những người dân vô tội, đó đồng thời là những tổn thương, ám ảnh mà họ phải chịu đựng.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.