Ở K.League hiện tại, việc chiêu mộ ngoại binh dựa theo quy định 3+1 (3 cầu thủ nước ngoài + 1 cầu thủ châu Á). Kể từ mùa giải năm 2020, hạn ngạch ngoại binh sẽ có cấu trúc 3+1+1 với việc bổ sung 1 cầu thủ thuộc khối ASEAN.
Như vậy, sau tiền đạo Nguyễn Công Phượng đang cho thấy tầm ảnh hưởng tại Hàn Quốc, cơ hội đang mở ra cho cầu thủ Việt Nam nói riêng và các tên tuổi trong khu vực ASEAN nói chung đặt chân đến xứ sở kim chi từ mùa giải năm sau.
Công Phượng từng được Incheon chiêu mộ bằng suất của ngoại binh châu Á. Đồ họa: Minh Phúc. |
Theo tờ Sportalkorea, quy định này nằm trong một phần chiến lược của Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) tham gia vào thị trường Đông Nam Á. KFA từng cố gắng phát sóng các trận đấu của K.League tại Việt Nam vài năm trước khi nắm bắt được triển vọng phát triển ở thị trường này.
Tham vọng của KFA được củng cố sau khi ghi nhận "hiệu ứng" khổng lồ mà Công Phượng mang lại trên cả đất Hàn Quốc và Việt Nam.
Khi tiền đạo gốc Đô Lương đặt chân đến K.League, đã có hơn 26.000 người theo dõi trận mở màn K.League 2019 của Incheon trên nền tảng trực tuyến một cách bất hợp pháp.
Sau đó, KFA đã giới thiệu đường link phát sóng trận đấu trên Internet nhưng máy chủ gặp sự cố khi có hơn 30.000 người truy cập cùng thời điểm.
Ngoài sự quan tâm trên các phương tiện đại chúng, các CĐV Việt Nam còn thường xuyên có mặt trên khán đài để cổ vũ cho Công Phượng. Khá đông phóng viên Việt Nam sang Hàn Quốc để tác nghiệp các trận đấu của Incheon. Mạng xã hội của đội bóng ngập tràn cả tiếng Hàn và tiếng Việt.
Công Phương đang nỗ lực thể hiện bản thân trong màu áo Incheon. Ảnh: IUFC. |
Nắm bắt được tầm ảnh hưởng của Công Phượng, các công ty Hàn Quốc nhanh chân bước vào thị trường Việt Nam để phát triển ứng dụng thể thao.
Một đơn vị đã phát sóng các trận đấu Incheon trên nền tảng ứng dụng trực tuyến và ghi nhận 320.000 lượt xem chỉ trong 3 ngày cùng hàng nghìn lượt bình luận. Con số này tương đương với lượng xem của cả mùa bóng chày chuyên nghiệp hoặc các trận cầu quốc tế hạng A ở Hàn Quốc.