Nửa thập kỷ qua kể từ ngày đại dịch bùng phát, những điểm bán sách độc lập và các phong trào xã hội nở rộ tại Mỹ. Từ đây, nhu cầu với các cơ sở kinh doanh nơi khách hàng đến để tìm kiếm sự thay đổi chung cũng tăng cao.
Theo New York Times, từ Los Angeles đến Baltimore, các doanh nghiệp này đã trở thành chỗ dựa không thể thiếu trong các khu dân cư đang có khoảng cách giàu nghèo gia tăng, tình trạng mất an ninh nơi ở và bạo lực phân biệt sắc tộc. Một số hiệu sách đã tổ chức mô hình tương trợ từ lâu, song nó ngày càng phổ biến hơn trong thời kỳ đại dịch.
Không gian hỗ trợ cộng đồng, thúc đẩy thay đổi xã hội
All Power Books (APB) là hợp tác xã hiệu sách do các tình nguyện viên vận hành. Savannah Boyd, người đồng sáng lập APB, cho biết hiệu sách do người điều hành nhiều nhóm tương trợ khác nhau thành lập vào năm 2021.
Ban đầu họ làm việc trong không gian công ty và những căn hộ chật chội. Nhưng thiếu một không gian vật lý thì rất khó tuyển thành viên mới, thảo luận chiến lược và củng cố nguồn lực, nên ban điều hành đã mở rộng sang một cửa hàng kiểu truyền thống.
Giống như nhiều hiệu sách đối kháng văn hóa khác, APB thể hiện quan điểm và sứ mệnh của mình qua phong cách trang trí và hoạt động kinh doanh. Tiệm có một tủ lạnh dự trữ thực phẩm và một phòng chứa sản phẩm kinh nguyệt, thuốc tránh thai và đồ vệ sinh cá nhân cung cấp miễn phí cho mọi người.
Một sáng thứ bảy trời mưa, 8 thành viên của APB đến Nhà thờ Ki-tô (Church of Christ) để phân phát chỗ sản phẩm sót lại mà họ mua từ ngân hàng thực phẩm. Lượng thực phẩm lớn bất thường: những thùng khoai tây mini, thịt đông lạnh, đậu xanh, táo và quả xuân đào cùng các món ăn nhẹ như chả giò chiên và Sour Patch Kids.
Mạng lưới phân phối thực phẩm hàng tuần, một chương trình của hiệu sách, đã trở thành phao cứu sinh cho nhiều cư dân West Adams - khu dân cư xưa kia thuộc về người da màu nhưng đang ngày một "trưởng giả" hơn. Hơn chục người lớn tuổi, hầu hết là người da màu và người Mỹ Latinh, đợi tình nguyện viên đóng gói phần của mình ở bãi đậu xe.
Đối với Rickey Powell (64 tuổi), cựu thương binh chỉ được phát phiếu thực phẩm trị giá 23 đôla mỗi tháng, đây là chương trình cung cấp thực phẩm duy nhất trong tầm đi bộ, cung cấp hàng tạp hóa dùng trong một tuần cho vợ và ba đứa cháu của ông. Một tay cầm điếu thuốc, một tay giữ xe tập đi, ông xin thêm ít thịt cho bọn trẻ. "Tôi dựa vào nơi đây, tôi thường là người đầu tiên xếp hàng".
Kimberley Kinder, phó giáo sư về quy hoạch đô thị tại Đại học Michigan và tác giả sách Hiệu sách cấp tiến: Không gian đối kháng của phong trào xã hội, cho biết bản chất hướng đến công chúng khiến các hiệu sách trở thành tác nhân đặc biệt mạnh mẽ góp phần thay đổi xã hội.
Sự kiện được tuyển chọn, những vật trưng bày qua cửa sổ và trên giá sách có thể giới thiệu tới đông đảo khán giả một mục đích cụ thể, là cầu nối dẫn đến các cách tổ chức trang trọng hơn. Cô nói: "Các bảng hiệu, trưng bày và sự kiện thể hiện lập trường chính trị rồi sẽ tràn ra đường phố của những nơi này", thêm rằng điều này có thể giúp công chúng biết đến vấn đề ảnh hưởng đến các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội như LGBTQ+ hoặc người vô gia cư.
Truyền thống lâu năm
Nửa sau thế kỷ 20, giai đoạn xã hội cực kỳ bất ổn đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các hiệu sách hoạt động độc lập vì nữ quyền, người da đen và người đồng tính tại Mỹ.
Charis Books & More (CBM) ở Decatur, Georgia là hiệu sách độc lập về nữ quyền thành lập năm 1974, có chương trình hỗ trợ người chuyển giới. Tháng 4/2023, CBM phân phối thuốc tránh thai khẩn cấp Plan B; 6 tháng trước khi Tòa án Tối cao bang Georgia phê chuẩn lệnh cấm phá thai kéo dài 6 tuần.
Firestorm Books ở Asheville, Newyork là tổ chức nữ quyền, queer thành lập năm 2008. Họ gửi sách và tạp chí cho các tù nhân LGBTQ+ và tổ chức buổi thông tin hàng tháng về việc xây dựng chiến dịch công đoàn.
Kate Khatib, chủ hiệu sách và quán cà phê Red Emma's do công nhân làm chủ, mở cửa ở Baltimore cách đây hai thập kỷ, nổi lên từ phong trào "chống toàn cầu hóa" cuối những năm 1990, chống chính sách thương mại tự do và bất bình đẳng kinh tế.
Người biểu tình từng làm gián đoạn hội nghị thượng đỉnh của các công ty trên khắp thế giới, nhưng người sáng lập Khatib cho biết những cuộc biểu tình này "hiệu quả nhưng chóng tàn". Họ quyết định thành lập "tổ chức có cơ sở hạ tầng".
Năm 2021 họ mua một tòa nhà hai tầng. Tại đây, họ tổ chức chương trình cộng đồng và giáo dục cốt lõi "Trường học miễn phí Baltimore", hội thảo tự hướng dẫn; câu lạc bộ sách về chủ đề như khủng hoảng khí hậu và bãi bỏ nhà tù; sự kiện ký tên thỉnh nguyện và các cuộc họp.
Joshua Clark Davis, nhà sử học tại Đại học Baltimore, cho biết "hiệu sách của các nhà hoạt động" thường ưu tiên sứ mệnh hơn kinh doanh: Họ thúc đẩy các phong trào xã hội thông qua sản phẩm; tạo không gian tụ tập cho cả nhà hoạt động có kinh nghiệm, người mới và người chỉ đến vì tò mò. Mô hình kinh doanh của họ học theo "mục tiêu giải phóng và bình đẳng" của nhiều tổ chức đi trước.
Davis cho biết, trong những năm 1960 và 1970, các hiệu sách do người da đen làm chủ nở rộ, giới thiệu văn chương ủng hộ phong trào "Quyền lợi cho người da đen" mới ra đời lúc bấy giờ.
Công tác xây dựng phong trào của các hiệu sách này thường vấp phải trở ngại. Năm 1968, giám đốc FBI J. Edgar Hoover đã chỉ đạo cơ quan này giám sát các hiệu sách do người da đen làm chủ, cho đó là "cơ sở tuyên truyền thù hận", cũng như là các "trung tâm văn hóa của chủ nghĩa cực đoan".
Tháng 12/2023, hợp tác xã Bluestockings nhận được thông báo trục xuất sau khi một số cư dân cho rằng chương trình ngăn ngừa quá liều opioid của họ dẫn đến bạo lực và phóng uế trên đường phố. Bluestockings vẫn đang đàm phán với chủ cho thuê.
Tháng 5 vừa qua, hai năm sau khi vượt qua sau yêu cầu trục xuất, APB buộc phải chuyển đi sau khi chủ nhà bán tòa nhà. Boyd cho biết không gian mới cách đó nhiều dãy nhà, rộng hơn, nhưng sẽ tốn hàng tuần và hàng nghìn đôla để cải tạo. APB phải tạm dừng nhiều sự kiện và dịch vụ miễn phí. Boyd nói: "Chúng tôi chỉ có tám người đang chiến đấu chống lại cả một hệ thống".
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Công ty sách tiếp cận hơn 1 triệu khách hàng mỗi tháng trên TikTok
Một số đơn vị phát hành sách đã thử nghiệm và bước đầu gặt hái thành công trên TikTok chia sẻ rằng nền tảng này đóng góp đáng kể vào doanh thu bán sách.
Tác giả Mỹ bỏ tiền túi quảng bá sách khi nhà xuất bản thờ ơ
Theo The Guardian, nhiều tác giả đang tìm đến các đơn vị quảng cáo bên ngoài để tự quảng bá sách cho họ.
Bí quyết để quận sách cũ ở Tokyo ‘ăn nên làm ra’ giữa kỷ nguyên số
Quận Jinbōchō của Tokyo đã là trung tâm của các hiệu sách cũ từ cuối thế kỷ 19. Nơi đây đang tiếp tục phát triển nhờ thích ứng với thời đại và mang lại các dịch vụ độc đáo.