Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệu quả khi đọc sách cùng con

Theo thạc sĩ Hoàng Anh Đức, đọc sách cùng con là sự “đồng bộ dữ liệu” trong sách giữa người lớn và trẻ nhỏ. Còn đọc sách cho con chỉ mang tính chất gửi thông tin từ cha mẹ sang bé.

Giữa không gian sách rộng lớn nằm giữa lòng Hà Nội, vợ chồng chị Trần Thị Lý (32 tuổi, quận Đống Đa) đang chăm chú ngồi đọc sách cùng con gái nhỏ.

Chia sẻ với Zing, chị cho biết cả gia đình thường đến nhà sách vào những ngày rảnh rỗi hoặc cuối tuần. Mục đích là để thư giãn, tìm mua sách và đọc cùng con.

“Những không gian nhà sách rộng lớn kết hợp khu vui chơi và chỗ ngồi đọc thuận tiện như thế này giúp mọi người có thể thoải mái trong việc lựa chọn sách. Mua sách cho trẻ con không phải chuyện đơn giản, phải cho các bé xem sách và đọc thử, nếu thấy thích thì cha mẹ mới nên mua”, chị Lý nói.

Với sự tác động của hàng loạt buổi diễn thuyết, chương trình truyền cảm hứng đọc sách trong gia đình những năm qua, nhiều gia đình Việt đã ý thức được tầm quan trọng của việc đọc. Thế nhưng, giữa hai khái niệm “đọc sách cùng con” và “đọc sách cho con”, một số bậc phụ huynh vẫn tỏ ra lúng túng.

“Bé nhà tôi năm nay 6 tuổi, đã biết đọc, nhưng hai vợ chồng thi thoảng vẫn tự mua sách về và tự đọc cho con nghe. Thú thật, chúng tôi cũng không nắm rõ sở thích của bé nên hôm nay đến đây để con tự chọn sách”, anh Hoàng Mạnh Đăng (36 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ khi đang cùng gia đình trải nghiệm ngày cuối tuần ở một nhà sách.

Doc sach cung con anh 1

Đọc sách cùng con là cách hiệu quả để tạo ra kết nối trong gia đình. Ảnh: Thu Huệ.

“Đồng kiến tạo” khi đọc sách

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia, thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA, tác giả của một số cuốn sách viết về giáo dục và cách đọc sách trong gia đình - chia sẻ trong giáo dục có khái niệm “đồng kiến tạo”, nghĩa là cùng chung tay thực hiện một hành động, thay vì thụ động tiếp nhận một chiều.

“Nếu chỉ có một người thuyết giảng, người nghe sẽ cảm thấy nhàm chán và dần mất đi hứng thú. Do đó, cần có quá trình tương tác để nắm bắt khả năng tiếp nhận và mức độ hứng thú của đối phương”, ông Đức lý giải.

Điều tương tự xảy ra với khái niệm “đọc sách cùng con” và “đọc sách cho con”. Theo thạc sĩ Hoàng Anh Đức, đọc sách cùng con là sự “đồng kiến tạo”. Nếu thực hiện và duy trì được thói quen này, cha mẹ sẽ hiểu được tại thời điểm đọc, con đang quan tâm tới chủ đề gì, từ đó việc lựa chọn sách theo sở thích của con sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Ông cũng lấy ví dụ: “Hãy tưởng tượng chúng ta có 2 thiết bị, điện thoại và máy tính bảng. Đọc sách cùng con chính là sự đồng bộ dữ liệu giữa 2 thiết bị đó. Còn đọc sách cho con chỉ đơn thuần là gửi dữ liệu từ thiết bị này sang thiết bị kia”.

Trong cuốn Readology: Đọc thế nào? của mình, ông cũng chỉ ra dẫn chứng về hành động các bạn nhỏ thực hiện nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca.

Cụ thể, khi vừa đứng vào hàng, chưa có bất kỳ sự kết nối nào nảy sinh. Nhưng khi tất cả cùng hòa mình vào giai điệu, cách lấy hơi, nhịp thở và nhịp tim sẽ được đồng bộ bởi ca từ hào hùng của bài hát và sự đồng điệu từ những người xung quanh. Tương tự, hành động cả gia đình cùng đọc sách cho nhau nghe sẽ tạo ra kết nối, tăng thêm hứng khởi cho con trẻ.

Doc sach cung con anh 2

Cha mẹ đọc sách cùng con còn tạo nên nền tảng để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình. Ảnh: Thu Huệ.

Nền tảng hình thành văn hóa đọc trong gia đình

Là người làm công tác xuất bản, đồng thời cũng là người mẹ luôn quan tâm đến thói quen đọc sách trong gia đình, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho rằng đọc sách cùng con sẽ tạo nên sự tương tác hai chiều.

Bên cạnh đó, hành động này còn giúp khơi gợi tư duy, tính chủ động và khả năng sáng tạo cho trẻ thay vì “biến” chúng trở thành người tiếp nhận thông tin một chiều.

Các tác giả trong nước khi viết sách thiếu nhi, cần đặt ra câu hỏi: Với cuốn sách này, cha mẹ sẽ đọc cùng con như thế nào?

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam

Bà Phượng chia sẻ: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm khi đọc sách cùng con từ khi bé còn nhỏ. Tôi mua một cuốn sách, cùng đọc, đặt ra các câu hỏi và tương tác với con. Sau đó, tôi đề xuất con kể lại câu chuyện trong sách theo cách của con. Kết quả là cách kể của bé khiến tôi rất ngạc nhiên. Rõ ràng, sự sáng tạo đã được hình thành trong quá trình hai mẹ con cùng đọc sách”.

Người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng các tác giả trong nước khi viết sách thiếu nhi, cần đặt ra câu hỏi: Với cuốn sách này, cha mẹ sẽ đọc cùng con như thế nào?

Thay vì đọc sách cho con, thạc sĩ Hoàng Anh Đức nói phụ huynh nên đọc cùng con. Bởi trên hết, hành động này còn là nền tảng để hình thành, xây dựng nên văn hóa đọc trong gia đình.

Đọc đúng cách giúp con thêm yêu sách

TS Nguyễn Thị Thu cho rằng để trẻ có trải nghiệm vui khi đọc là điều quan trọng nhất. Trước hết, cha mẹ phải lựa chọn được sách hay và đọc cùng con mỗi ngày.

Lan tỏa tình yêu đọc sách cho trẻ

Cha mẹ cần dành thời gian đọc sách cùng con, lựa chọn tác phẩm phù hợp độ tuổi là những vấn đề tác động trực tiếp tới thói quen đọc sách của trẻ nhỏ.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm