Không chỉ là những người yêu sách, nhiều phụ huynh trong giới xuất bản, phát hành sách còn truyền cho con tình yêu và thói quen đọc sách hàng ngày.
Khi thực hiện giãn cách tại nhà, việc đọc sách cùng con càng trở thành lựa chọn lý thú, giúp giải tỏa căng thẳng, nâng cao tri thức và gắn kết các thành viên trong gia đình.
Dù ở nhà hay đi đâu, sách vẫn là người bạn đồng hành của gia đình bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Tự học thông qua sách
Theo bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books, đọc sách chính là học. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng trường chỉ cung cấp cho chúng ta khoảng 25% kiến thức, 75% còn lại cần phải tự học mỗi ngày. Bà mẹ hai con này nhận định, trong quá trình tự học đó, việc đọc sách rất quan trọng
Là một diễn giả ở nhiều Talkshow về chủ đề “Mẹ Việt dạy con đọc sách”, bà Kim Thoa cho biết hai yếu tố cần và đủ trên hành trình này là sự tác động của phụ huynh và thời gian. Cùng con đọc sách trong mùa dịch sẽ càng hiệu quả hơn vì hiện tại, cả bố mẹ và bé đều có nhiều thời gian.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam - chia sẻ trong nhà bà có nhiều giá sách ở khắp các phòng. Người mẹ này để sách ở khắp nơi “để con chạm vào đâu cũng thấy sách". Điều này có thể "dụ" con đọc sách nhiều hơn, nhất là trong thời gian này.
Mùa dịch không thể đến trường, sách càng trở nên quan trọng trong gia đình. Với tôi, việc nằm dài trên giường đọc sách cho con là điều dễ chịu nhất trên đời.
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Người đứng đầu NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết thêm: “Trong mùa dịch, con không thể đến trường, tôi để cháu tự quyết định giờ học các môn và tự đọc sách. Ở nhà tôi, bố mẹ đọc cuốn nào hay sẽ chia sẻ với con hoặc định hướng ở tuổi con nên đọc những sách gì”.
Chẳng hạn, khi con đang học văn nghị luận, bố mẹ nên hướng đọc về cuộc đời các nhà tư tưởng, cách họ phản biện, lập luận, tư duy. Bên cạnh đó, con tự đọc những tựa sách theo đam mê, sở thích trong mùa dịch cũng là cách giúp con phát triển nhận thức tốt.
Chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập viên Công ty CP Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, tác giả của cuốn sách Trong vòng tay mẹ - chia sẻ: “Mùa dịch không thể đến trường, sách càng trở nên quan trọng trong gia đình tôi. Tôi hạn chế việc con sử dụng các thiết bị điện tử, cố gắng đọc sách cùng con. Với tôi, việc nằm dài trên giường đọc sách cho con là điều dễ chịu nhất”.
Bà mẹ hai con này cũng nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh trong mùa dịch, khi con trẻ có nhiều thời gian, hãy cùng chúng đọc sách. Sách giúp con phát triển tư duy, trí tưởng tượng, suy nghĩ độc lập và rèn luyện sự tập trung. Đó là những điều quan trọng để con bước vào đời.
Tác giả Hoàng Anh Đức cho biết mới chỉ 3 tuổi, bé nhà anh đã "sở hữu" một bộ sưu tập sách "chật nhà" nhờ tìm được niềm vui từ thói quen đọc sách cùng bố. Ảnh: NVCC. |
Đọc sách để gắn kết các thành viên trong gia đình
“Sau khi đọc xong, con sẽ nói ra cảm xúc, suy nghĩ của mình. Hơn nữa, bố mẹ có thể trao đổi, bàn luận để hiểu con hơn. Đọc sách cùng con chính là một trong những cách đơn giản và hiệu quả để gắn kết yêu thương trong gia đình, nhất là trong mùa dịch này”, biên tập viên Diệu Thủy nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng đọc sách cùng con khi các bé còn nhỏ sẽ “đặc biệt hiệu quả”, bởi đó là cách để xây dựng tình cảm, dạy trẻ “chơi” với ngôn ngữ và khám phá những điều lý thú từ sách.
“Đến khi con lớn hơn, tôi chọn cách chia sẻ hai chiều: Định hướng con đọc, sau đó yêu cầu con chia sẻ lại nội dung cuốn sách đó; hoặc để con tự tìm các cuốn sách con yêu thích. Khi đó, các bạn nhỏ sẽ cảm thấy được bố mẹ tôn trọng sở thích”, bà Hoa Phượng nêu quan điểm.
Việc đọc sách cùng con trong thời điểm này không chỉ là lựa chọn của các bà mẹ. Ông bố 9X Hoàng Anh Đức là một ví dụ. Cuốn sách Readology: Đọc thế nào? - Không thể trì hoãn việc đọc sắp lên kệ của anh tổng hợp nhiều bí quyết và lợi ích từ việc đọc sách cùng con hàng ngày.
Đối với anh, đọc sách là một kỹ thuật giúp gắn kết các thành viên trong mùa dịch: “Sau các bữa ăn là tới giờ cả gia đình tôi cùng đọc sách. Đa phần thời gian này, tôi và con đọc sách về thói quen hàng ngày, tình cảm gia đình, bạn bè; hoặc sách khoa học, sách hư cấu”.
Đọc sách không chỉ là thói quen cần hình thành cho con trẻ, mà còn là cách để cả gia đình giải tỏa căng thẳng trong thời gian dịch bệnh.
Bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books
“Phương châm của tôi là đọc sách cùng con, thay vì đọc sách cho con. Sau khi quen dần với việc đọc, con có thể nhớ các câu chuyện, nhân vật. Tôi có thói quen đọc một nửa câu, rồi hỏi con xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo để khơi gợi trí tưởng tượng của bé”, tác giả Hoàng Anh Đức nói thêm.
Theo ông bố 9X này, chúng ta có thể cùng con lập ra một danh sách các thể loại và tựa sách khác nhau, sau đó, “lấp đầy” danh sách đó.
"Đọc sách không chỉ là thói quen cần hình thành cho con trẻ, mà còn là cách để cả gia đình giải tỏa căng thẳng trong thời gian dịch bệnh", theo bà Nguyễn Kim Thoa, CEO Tân Việt Books. Bà cho rằng thời gian này, các phụ huynh nên dành nhiều thời gian trong ngày để đọc sách cùng con.
“Hành động đó phải được lặp đi lặp lại vào một khung giờ cố định. Hơn thế, các ông bố, bà mẹ cần chuẩn bị trước những đầu sách để đọc cùng con mỗi ngày, biến việc này thành niềm vui trong mùa giãn cách”, bà Kim Thoa tâm sự.