Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiệp phụ với Bầu Thắng

Nếu có điều kiện, cơ hội thì ai cũng muốn khám phá. Thành công hay thất bại sẽ giúp chúng ta có trải nghiệm và bài học.

Giữa năm ngoái, đã có một bài viết về ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Đồng Tâm với tựa đề “90 phút với Bầu Thắng”. Đó là một câu chuyện khá đậm nét về sự chia sẻ từ chính ông. Từ chiến lược kinh doanh của ông với Đông Tâm, cho đến niềm đam mê cháy bỏng là bóng đá. Thời gian gần đây, câu chuyện về bầu Thắng có vẻ nóng lên với những thông tin tràn ngập trong giới đầu tư, kinh doanh. Câu chuyện về ông bầu với nhiều đam mê kinh doanh lại bắt đầu lấn sân ngành ngân hàng và thực phẩm bánh kẹo. Đó là việc đầu tư vào Ngân hàng Cổ phần Kiên Long, trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này, và gần đây nhất là ông đã bỏ ra gần 500 tỷ đồng để đầu tư vào công ty Cổ phần Kinh Đô.

- Đâu là lý do khiến một doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng như Đồng Tâm bỏ ra gần 500 tỷ đồng để đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo là Kinh Đô?

- Đây là một trong những lĩnh vực đầu tư chiến lược của Đồng Tâm. Việc quyết định đầu tư vào Kinh Đô không phải là một sớm một chiều, chỉ là chưa đến thời điểm chín muồi thì chúng tôi chưa thể thông tin rộng rãi được. Như tôi đã nói, cái gì tốt thì làm, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho đất nước thì chúng tôi làm. Kinh Đô là doanh nghiệp tốt, tiềm năng phát triển thì chúng tôi đầu tư thôi. Cổ tức chia hằng năm của Kinh Đô cũng khá cao, giá cổ phiếu tăng trưởng ổn định và có khả năng thanh khoản cao. Đặc biệt là những chiến lược sắp tới, khi Kinh Đô đang có nhiều chiến lược kinh doanh mới khi tham gia vào rất nhiều ngành hàng tiêu dùng mới, vốn rất tiềm năng ở Việt Nam và cũng ít bị tác động bởi các chu kỳ kinh tế. Tôi đang xài tiền vào đúng chỗ đó chứ.

Ngay như anh Nguyên (Tổng Giám đốc Kinh Đô) và gia đình anh cũng là một trong những cổ đông của Đồng Tâm đã 7 năm nay. Và nhiều doanh nhân trẻ khác cũng đang đầu tư vào Kiên Long, Đồng Tâm. Chúng tôi đều là doanh nhân.

 - Nhiều người nói bầu Thắng đầu tư vào Kinh Đô vì nhắm vào các dự án bất động sản của Kinh Đô?

 - Đương nhiên khi đã là đối tác thì sẽ hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Hơn nữa, chúng tôi là những doanh nhân, doanh nghiệp trẻ, thành viên của đại gia đình Doanh nhân trẻ Việt Nam hơn 20 năm qua. Doanh nhân trẻ hỗ trợ và ưu tiên sử dụng sản phẩm trong Hội, mà chất lượng càng tốt thì càng phải sử dụng chứ. Ví dụ như hằng năm vào các dịp lễ, Tết, Đồng Tâm đều mua sản phẩm của Kinh Đô để tặng khách hàng, cán bộ, công nhân viên. Ngược lại khi có nhu cầu xây dựng nhà máy hay dự án, tất nhiên Kinh Đô cũng sẽ quan tâm trước đến Đồng Tâm.

- Thế còn việc đầu tư vào Ngân hàng Kiên Long?

 - Ngân hàng là lĩnh vực tôi quan tâm từ lâu, ngay từ năm 2006 tôi cùng anh Vưu Khải Thành (Chủ tịch công ty Bitis) cùng một số doanh nhân khác đã tính chuyện lập ngân hàng, nhưng do trục trặc giấy phép nên không thực hiện được. Đến năm 2013, khi có cổ đông ở Kiên Long bán cổ phần, và cũng nhận thấy đây là ngân hàng hoạt động khá ổn định nên tôi đầu tư. Hơn nữa, là doanh nhân, nên tôi hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp đang nằm ở đâu, nên tôi tin không khó để nhìn ra một ngân hàng cần làm gì để đáp ứng được các nhu cầu đó.

- Nhiều ông chủ trước đây cũng tham gia đầu tư đa ngành và bị thất bại, tại sao ông vẫn quyết định đi theo hướng đa ngành?

 - Bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào cũng có rủi ro, từ bên trong lẫn bên ngoài, khách quan lẫn chủ quan. Và trong kinh doanh cũng vậy, chấp nhận rủi ro và quan trọng là khả năng mình nhắm có thể kiểm soát được rủi ro hay không. Do đó, đa ngành của Đồng Tâm là trong vòng kiểm soát được. Quan điểm của tôi là muốn đầu tư vào lĩnh vực gì ít nhất mình phải có kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó. Và điều quan trọng nhất trong bất kỳ lĩnh vực gì chìa khóa thành công vẫn là con người. Tôi không giỏi hết về các lĩnh vực, nhưng với tôi, kinh nghiệm quản trị tốt nhất là quản trị con người.

- Đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như vậy, phải chăng anh đã ngán gạch?

- Hiện tại ngành gạch và vật liệu xây dựng vẫn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Đồng Tâm. Các kế hoạch chiến lược của Đồng Tâm vẫn đang được triển khai đúng theo Nghị quyết của Đại hội đồng Cổ đông. Chúng tôi sắp kỷ niệm 45 năm ngày thương hiệu Đồng Tâm ra đời, và tôi khẳng định rằng là vài chục năm sau, Đồng Tâm sẽ vẫn làm gạch. Đồng Tâm chỉ không làm gạch khi người ta không còn xài gạch nữa.

Còn thử hỏi, có doanh nghiệp nào không đam mê chinh phục những đỉnh cao? Đó là tố chất của người làm kinh doanh chúng tôi. Nếu có điều kiện, cơ hội thì ai cũng muốn khám phá. Thành công hay thất bại sẽ giúp chúng ta có trải nghiệm và bài học. Quan trọng là giá của bài học đó bao nhiêu thôi. Những việc đầu tư này, tôi thấy cũng bình thường, nhiều doanh nhân Việt Nam khác còn giỏi hơn tôi, họ đi trước và cũng dấn thân chinh phục đam mê. Đơn giản chỉ là đa dạng hóa việc đầu tư để tìm kiếm cơ hội ở các lĩnh vực khác. Cuối cùng, cũng là đóng góp cho xã hội, giúp ích cho đất nước phát triển hơn.

 - Nhiều người đang tự hỏi tiền đâu mà ông Thắng đầu tư nhiều thế?

 - (cười) Thì đi vay thôi.

 - Hoạt động kinh doanh của Kiên Long cũng khá tốt, lãi tốt trong năm 2013 và quý I/2014, trong khi Đồng Tâm cũng đã có lãi sau 2 năm lỗ liên tục. Điều này là do nền kinh tế tốt lên hay là do quá trình điều hành quản lý?

- Cả hai. Đầu tiên tôi phải cảm ơn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là cảm ơn Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình. Nếu như không có những chính sách điều tiết tiền tệ kịp thời chắc tôi không còn ngồi trò chuyện hôm nay.

Thứ 2, phải kể đến nhờ có Thông tư 780 giúp doanh nghiệp và ngân hàng tự thỏa thuận cơ cấu lại khoản nợ, giúp Đồng Tâm vốn hóa vào các dự án trong dài hạn khiến lãi vay giảm xuống.

Thứ 3 là từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 nền kinh tế tốt hơn, khả năng bán hàng của Đồng Tâm tốt hơn, và điều này cũng do tâm lý người dân bớt sử dụng hàng Trung Quốc, hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, nên hàng trong nước được ưu tiên hơn.

Thứ 4 là người dân bắt đầu quay trở lại mua bất động sản. Hàng tồn của mình để đó, chỉ cần bán được là có lời rồi.

Và điều quan trọng với Đồng Tâm, chính sách nội bộ và chính sách dành cho khách hàng, hàng loạt đề án được xây dựng đã phát huy hiệu quả. Công ty cũng triển khai hệ thống tối ưu hóa tồn kho, cũng như hệ thống tin học hóa trong quản trị, mỗi thứ góp một ít đã giúp Đồng Tâm sản xuất hợp lý và kinh doanh hiệu quả hơn.

- Chiến lược kinh doanh của Kiên Long so với các ngân hàng khác là gì?

- Đó là cho vay nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn, khách hàng của Kiên Long là khách hàng nghèo. Những khoản vay nhỏ lẻ bao giờ cũng khiến chi phí phát sinh cao hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn. Nhưng bù lại, ổn định và ít rủi ro hơn. Để tiết giảm chi phí, Kiên Long chủ yếu sử dụng đội ngũ cộng tác viên để phát triển chiến lược này. Hiện Kiên Long có gần 1.500 cộng tác viên trên toàn hệ thống. Những cộng tác viên này sẽ có nhiệm vụ đưa khách hàng tới, giới thiệu với khách hàng các sản phẩm, chịu trách nhiệm bảo lãnh... Chiến lược này giải quyết một lượng tín dụng cho xã hội rất nhiều nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

- Đâu là những thay đổi ở Kiên Long kể từ khi anh về làm Chủ tịch?

- Thực tế tôi chỉ làm công tác định hướng chủ trương và tập trung vào chính sách nhân sự, đào tạo. Sự thay đổi lớn nhất và cảm thấy rõ nhất ở Kiên Long, đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Những văn hóa này phải xây dựng trên lẽ phải, công bằng và người lãnh đạo phải làm gương trước.

Tại Kiên Long, mình chưa bao giờ dùng quyền lực để điều hành áp đặt nhân viên, phần lớn các vấn đề đều dùng văn hóa để giải quyết. Văn hóa công ty đã có sẵn, nếu như ai cảm thấy không phù hợp thì rút lui, còn khi cùng bước lên chung một con thuyền thì phải theo quy tắc chung.

Tôi ví dụ, cán bộ - công nhân viên Kienlongbank phải chào cờ, hát Quốc ca thứ hai hằng tuần; làm việc đúng giờ; cấp trên phải có trách nhiệm với cấp dưới; trách nhiệm cá nhân; thiếu kiến thức thì phải học; lãnh đạo thì phải đào tạo nhân viên; có mùi rượu bia, hút thuốc lá thì không được vào công ty, ngân hàng làm việc; luôn xác định tư tưởng khách hàng là người trả lương cho mình... Tất cả quy tắc ứng xử này phải được tuân thủ từ cấp cao nhất đến nhân viên, không hề có ngoại lệ. Những thay đổi này, tôi kỳ vọng đến cuối năm 2014 mới cơ bản hoàn thành, nhưng không ngờ lại được anh em rất ủng hộ.

- Anh chọn nhân sự như thế nào?

- Với mỗi con người khi sinh ra muốn thành người hiểu biết theo tôi phải cần có tâm (sáng), kiên nhẫn và khiêm tốn. Khi làm việc gì thì phải có đam mê. Với lãnh đạo cần thêm 2 chữ nữa là hy sinh. Muốn làm gì thành công hãy tìm những người có đủ 7 chữ đó làm với mình.

- Kế hoạch kinh doanh 2014 của Kiên Long và Đồng Tâm là như thế nào anh?

- Đồng Tâm vừa mới tổ chức Đại hội Cổ đông vào cuối tháng 5 vừa qua. Tại Đại hội, Hội đồng Quản trị đã đề ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 135 tỷ đồng. Với Kiên Long, kế hoạch kinh doanh năm 2014, chúng tôi dự kiến tăng 12% tổng tài sản lên 23,842 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tổng huy động vốn và dư nợ cho vay tăng lần lượt 11% và 10% lên mức 19,505 tỷ đồng13,341 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch tăng 7% so với năm trước lên 419 tỷ đồng.

- Giữa Đồng Tâm và Kiên Long anh mê cái nào hơn?

- Cái nào cũng mê, với tôi, phải đam mê mới làm. Nhưng nếu bắt buộc phải xếp hạng cái nào mê nhất, thì tất nhiên là Đồng Tâm. Phải mê nhất mới theo được tới 45 năm qua chứ (cười).

- Tại Kiên Long, mặc dù anh làm Chủ tịch nhưng người đứng tên đại diện vốn là con trai Võ Quốc Lợi, liệu đây có phải là kế hoạch để chuẩn bị cho con trai lên nắm quyền.

- Thì ngay việc đầu tư vào Kiên Long là tạo điều kiện cho con được phát huy hết năng lực, ngành học vốn là tài chính. Tuy nhiên, không có chuyện vì con ông Thắng mà có thể lên làm lãnh đạo ngay. Phải va chạm thực tế thì việc học mới làm tốt được. Bởi không làm việc nhỏ thì không thể làm việc lớn.

- Tại sao không làm việc ở Đồng Tâm mà là Kiên Long?

- Mỗi người có một đam mê riêng và mình chỉ định hướng và không ép buộc con. Lợi đã tốt nghiệp một trong những Đại học Tài chính hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, 2 năm làm việc ở Kienlongbank, Lợi đều phải ứng xử như những nhân viên bình thường khác. Cái quan trọng là Lợi học được nhiều bài học quý giá và có thêm nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, nếu như Lợi đam mê ngành tài chính thì đứa con thứ của tôi - Võ Quốc Huy - lại đam mê sản xuất. Hiện Huy đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ và đang theo học thêm một vài khóa ngắn hạn ở Đại học Harvard. Có thể sau này Huy sẽ chọn làm ở Đồng Tâm.

Vấn đề ở đây không phải là Huy hay Lợi, mà là Đồng Tâm, Kiên Long hay Cảng Long An... đều là thương hiệu Việt, của người Việt, là tâm huyết của bao nhiêu cán bộ - công nhân viên các thời kỳ, có được do sự yêu mến, tin dùng của người Việt Nam. Đồng Tâm hay Kiên Long là một thương hiệu của xã hội, không phải của cá nhân tôi, gia đình tôi. Mà tiếp nối các thế hệ trước, đến tôi và cả thế hệ sau của Đồng Tâm, Kiên Long phải có trách nhiệm xây dựng và phát triển nó thành công hơn.

Các con tôi cũng giống như tôi, là một công dân của đất nước, không chỉ có trách nhiệm với bản thân, gia đình mà cao hơn nữa là trách nhiệm với thế hệ đi trước, với Tổ quốc, với dân tộc Việt Nam.

http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=20356-hiep-phu-voi-bau-thang

Theo Nguyễn Hùng/ Nhịp Cầu Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm