Sau khi vụ án Nguyễn Đức Kiên được xét xử sơ thẩm, với việc “bầu Kiên” bị kết án về tội kinh doanh trái phép và mới đây, giám đốc hai doanh nghiệp ở Khánh Hòa bị khởi tố cũng về tội này với hành vi khai thác, mua bán tiền ảo Bitcoin, nhiều người lo ngại cho sự an toàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của mình. Phóng viên đã trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập xung quanh vấn đề môi trường kinh doanh để củng cố niềm tin của doanh nghiệp.
- Dưới góc nhìn của một người hành nghề luật, ông nhìn nhận như thế nào về tâm trạng của giới doanh nhân sau khi vụ án “bầu Kiên” được xét xử sơ thẩm? Cái gọi là “kinh doanh trái phép” theo nghĩa luật không cấm cũng không cho phép dường như đang diễn ra rất nhiều trong thực tế đời sống đầu tư kinh doanh?
- Sau vụ án này, giới doanh nhân rất lo ngại và thật ra không chỉ các doanh nhân mà cả những người dân bình thường nữa, bởi ai chẳng nghĩ có lúc mình sẽ tham gia kinh doanh và thành lập công ty. Lý do thực chất không phải ở chỗ tất cả mọi người đều theo dõi và hiểu bản chất vụ án “bầu Kiên” là gì, mà chỉ nghe đến việc “kinh doanh trái phép” là bị xử tù.
Cái nỗi sợ về việc ai làm gì cũng phải xin phép chính quyền như trong thời bao cấp mà nhiều người muốn quên đi thì nay, qua vụ án “bầu Kiên”, lại quay về. Còn những ai chưa từng biết đến nó (bởi không sống qua thời ấy) thì đơn giản là ngạc nhiên và thắc mắc tại sao, bởi đây là thời của tự do kinh doanh kia mà! Tóm lại, đó là câu chuyện của dư luận xã hội và tâm lý xã hội. Nó tồn tại một cách thực tế và khách quan mà không ai có thể kiểm soát hay ngăn chặn được.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập. |
Riêng tôi là luật sư thì nhìn nhận vấn đề cụ thể và rành mạch hơn một chút. Chữ “kinh doanh trái phép” đi ra từ Bộ luật Hình sự, hàm ý là kinh doanh không đăng ký hoặc không có giấy phép trong một số ngành nghề gọi là kinh doanh có điều kiện.
Tinh thần của Luật Doanh nghiệp thực ra rất khác và không còn quan điểm “cấp phép”, nghĩa là anh chỉ được làm cái gì mà pháp luật cho phép, như trước kia. Thay vào đó là yêu cầu đăng ký kinh doanh và giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với một số lĩnh vực nhất định.
Thực tiễn ở quốc gia nào có kinh tế thị trường cũng là vậy. Về mặt pháp lý, các hành vi “đăng ký” hay “xác nhận” của cơ quan chính quyền không phải là “cấp phép”, bởi “cấp phép” là anh có quyền cho hay không cho theo ý anh muốn, còn “đăng ký” và “xác nhận” là anh buộc phải làm nếu tôi chứng minh với anh là tôi đủ các điều kiện theo luật định. Có nghĩa là tôi có quyền hành động tự do miễn là tuân thủ pháp luật.
Như vậy, Bộ luật Hình sự gọi “kinh doanh trái phép” là không đúng và tòa án cũng tuyên như vậy là không chuẩn, bởi đúng ra phải xác định vấn đề là “kinh doanh trái pháp luật”. Và câu chuyện tiếp theo được mọi người đương nhiên thắc mắc là “trái pháp luật” có nghĩa như thế nào.
- Cụ thể, các doanh nghiệp thắc mắc điều gì, thưa ông?
- Điều họ băn khoăn nhiều nhất là hoạt động đầu tư. Một doanh nghiệp, với động cơ khi thành lập là kinh doanh kiếm lời thì tất yếu sẽ phải tiến hành đầu tư dưới rất nhiều hình thức khác nhau như đầu tư mua bán chứng khoán, đầu tư với các đối tác khác vào từng dự án cụ thể hay thành lập pháp nhân mới để phát triển kinh doanh.
Vấn đề là việc đầu tư luôn luôn gắn với các cơ hội chợt đến từ thị trường, do đó chủ doanh nghiệp sẽ không coi đó là một chức năng chính nên không tính đến việc đăng ký kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cũng đã thử đăng ký kinh doanh chức năng đầu tư bên cạnh các ngành nghề khác, nhưng được các cơ quan đăng ký kinh doanh trả lời: “Không cần đăng ký”. Có nghĩa rằng ai cũng hiểu đó là chuyện bình thường của doanh nghiệp, như việc “hít thở” của con người vậy.
Một doanh nghiệp, với động cơ khi thành lập là kinh doanh kiếm lời thì tất yếu sẽ phải tiến hành đầu tư dưới rất nhiều hình thức khác nhau như đầu tư mua bán chứng khoán, đầu tư với các đối tác khác vào từng dự án cụ thể hay thành lập pháp nhân mới để phát triển kinh doanh. |
Sau chuyện “bầu Kiên”, nhiều người bỗng giật mình là vấn đề có khi không phải thế, đặc biệt đối với việc mua, bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Họ chia sẻ với tôi rằng: bởi đã trót đầu tư hoặc sắp đầu tư cho nên dự định sẽ xin các công văn của cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận việc này, phòng khi gặp “bất trắc” như bầu Kiên thì có “bảo bối” ấy chìa ra.
Tôi bảo họ rằng: đừng ảo tưởng như vậy, bởi một khi phải ra tòa như bầu Kiên thì các công văn ủng hộ của các cơ quan chính quyền kia không chắc còn giá trị đâu. Lý do là nói sòng phẳng về pháp lý, tòa án chỉ tuân theo luật thôi, hay chí ít thì việc giải thích luật cũng phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành. Chính bởi vậy cho nên các doanh nghiệp đang cảm thấy khá bế tắc về chuyện này.
- Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang được thảo luận tại Quốc hội. Một trong những nội dung rất được quan tâm là sẽ không còn ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện (điều 25 dự thảo). Thế nhưng, có quan điểm cho rằng việc này chỉ có ý nghĩa về mặt thủ tục hành chính thay vì “giải phóng” nỗi lo “kinh doanh trái phép” như kỳ vọng, vì khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, vẫn phải khai báo ngành nghề kinh doanh và nếu muốn bổ sung ngành nghề thì vẫn phải làm thủ tục khai báo (điều 26 dự thảo). Theo ông, quy định về đăng ký kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp mới nên như thế nào?
- Tôi thừa nhận nếu thay đổi cơ chế đăng ký kinh doanh như dự định sẽ tạo nên một sự giải phóng mới cho doanh nghiệp. Thủ tục đăng ký kinh doanh theo ngành nghề vừa qua đã ngày càng rắc rối và phức tạp, nhất là sau khi áp dụng cái gọi là “mã ngành” theo yêu cầu của các cơ quan thống kê, và thực sự trở thành một “vấn nạn” khi mỗi doanh nghiệp phải kê khai tới vài trang về ngành nghề mà vẫn chjưa đủ. Có một sự nhầm lẫn, thậm chí bế tắc ở đây.
Thứ nhất, lẫn lộn giữa đăng ký thành lập pháp nhân và đăng ký hoạt động kinh doanh. Đăng ký pháp nhân là bắt buộc nhưng đăng ký các hoạt động cụ thể thì có ý nghĩa gì một khi doanh nghiệp thường phải thay đổi ngành nghề để phù hợp với nhu cầu của thị trường?
Thứ hai, sự phối hợp có tính liên ngành trong quản lý nhà nước như thống kê hay áp thuế và các chính sách ưu đãi dựa trên các ngành nghề được đăng ký đã và đang rất hình thức, không hiệu quả, bởi đơn giản là cái doanh nghiệp đăng ký không nhất thiết là cái doanh nghiệp thực sự làm.
Chẳng hạn như các con số về tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp của ngành thống kê dựa trên đăng ký kinh doanh sẽ không bao giờ đúng cả bởi không ai bỏ vốn ra nếu chưa có dự án, chưa nói đến kê khai vốn rồi mà sau đó không huy động được.
Ở nhiều quốc gia, người ta chỉ yêu cầu đăng ký pháp nhân với cơ quan chính quyền, còn các hoạt động sau đó về nguyên tắc sẽ do điều lệ của doanh nghiệp quy định. Tôi cho rằng điều đó đúng và Luật Doanh nghiệp nên đổi mới theo hướng này bởi nó bảo đảm quyền tự do kinh doanh thật sự của người dân và phù hợp với các quy luật thị trường.
Nhà nước, nếu muốn có thông tin để quản lý hiệu quả thì trước hết phải xác lập niềm tin vào sự trung thực của doanh nhân và doanh nghiệp, để từ đó yêu cầu doanh nghiệp tự báo cáo trên cơ sở hoạt động thực tế của họ kết hợp với chế độ kiểm tra và giám sát.
- Mở rộng ra, Luật Doanh nghiệp cần phải sửa đổi, bổ sung như thế nào để củng cố niềm tin cho giới doanh nhân, để hiện thực hóa tinh thần công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm?
- Chúng ta đang thực hiện sửa đổi Luật Doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nội địa với thế giới. Nền kinh tế phải cạnh tranh thông qua các doanh nghiệp và các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng sức mạnh quản trị chứ không phải dựa trên tấm đệm của cơ chế và chính sách. Luật Doanh nghiệp mới phải thật sự tạo ra các chuẩn mực về quản trị công ty theo các tiêu chuẩn hiện đại và tiên tiến. Rất tiếc đó là điều mà cho tới nay chúng ta chưa làm được.
Trái lại, hầu như chúng ta vẫn còn tiếp tục “luẩn quẩn” dài dài trong câu chuyện “cấp phép” và “đăng ký”, tức chỉ quan tâm đến việc làm tròn chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước mà bỏ qua hay xem nhẹ các lợi ích thật sự của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nói thêm là nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm” là đúng nhưng đã bị hiểu không chuẩn xác bởi một số nhân vật trong vụ án “bầu Kiên”. Nguyên tắc này được hiểu là áp dụng tuyệt đối với công dân là cá nhân nhưng không hẳn có cùng ý nghĩa và phạm vi đối với tổ chức hay pháp nhân. Pháp nhân luôn luôn bị kiểm soát bởi các thủ tục đăng ký, điều lệ và đặc biệt là chế độ giám sát, báo cáo và công bố thông tin theo các tiêu chuẩn của sự minh bạch trên cơ sở Luật Doanh nghiệp chung hay các luật chuyên ngành.
- Tại một hội nghị tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự do Bộ Tư pháp tổ chức để làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung bộ luật này, báo cáo của Bộ Tư pháp cho rằng cần bỏ một số tội như tội kinh doanh trái phép, cố ý làm trái... do không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập. Quan điểm của ông như thế nào, đặt trong bối cảnh tâm trạng của giới kinh doanh sau vụ án bầu Kiên?
Tôi tán thành đề xuất của Bộ Tư pháp về việc bỏ tội “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự vì nó phản ánh tư duy và thực trạng của thời kỳ kinh tế kế hoạch trước đây. Nhà nước, vì các lý do chính đáng như an ninh quốc gia và lợi ích công cộng, tùy từng thời điểm có thể quy định các điều cấm hay hạn chế đối với các hoạt động của công dân, bao gồm cả quyền tự do kinh doanh.
Tuy nhiên, các điều cấm đó phải được quy định rất rõ ràng và công bố công khai để mọi người không nhầm lẫn, từ đó giảm thiểu sự vi phạm. Một khung khổ pháp luật thiếu rõ ràng sẽ trở thành “cái bẫy” đối với người dân, và đó rất tiếc là điều được dư luận nói đến trong trường hợp của bầu Kiên.
Sửa đổi Bộ luật Hình sự cần song hành với sửa đổi Luật Doanh nghiệp và các luật về kinh tế có liên quan để không xảy ra cái cảnh luật này thì mở cửa thông thoáng trong khi luật kia lại treo lơ lửng một thanh gươm lúc nào cũng sẵn sàng rơi xuống.
- Để giải tỏa tâm trạng ấy, để mọi người yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, đó không chỉ là bài toán hoàn thiện pháp luật. Vấn đề áp dụng pháp luật hiện đang có sự vênh nhau giữa cơ quan hành pháp và tư pháp. Giải bài toán tổng thể này như thế nào, thưa ông?
- Tôi nhất trí rằng sự “lệch pha” giữa các cơ quan hành pháp và tư pháp là một thực tế và việc giải quyết nó cho mục tiêu tránh cho người dân trở thành nơi gánh chịu hậu quả phải được đặt trong một bài toán tổng thể. Bài toán đó chính là xây dựng nhà nước pháp quyền. Các cơ quan hành pháp phải hành xử trong một tâm thế luôn luôn coi các hành vi của mình chịu sự phán xét của tòa án, chứ không chỉ cơ quan cấp trên.
Đồng thời, các tòa án cần phải độc lập để khi đưa ra phán quyết sẽ lấy các quy định của pháp luật là căn cứ tối thượng. Bên cạnh đó, trong cuộc chơi tổng thể để tiếp cận và đạt được công lý, sẽ không chỉ có các bên tham gia là cơ quan nhà nước mà còn là các luật sư, nhà báo và các thiết chế khác của xã hội dân sự.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi để một nhà nước pháp quyền được hoàn thiện, tôi cho rằng chúng ta vẫn có thể khai thác các không gian có sẵn trong khung khổ pháp luật hiện hành, mà một ví dụ rất thú vị đã được các luật sư đề xuất trong vụ án bầu Kiên, đó là đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức năng giải thích các điều luật không rõ ràng.