Theo ông này, điều các ngân hàng lo lắng bây giờ là nợ xấu vẫn xấu, nợ xấu thật, nợ xấu giả chưa phân minh, mô hình VAMC chưa chứng minh sự thuyết phục trong xử lý nợ xấu. Các kênh thoát tiền của ngân hàng vẫn bị kẹt cứng, hoạt động sản xuất thực của nền kinh tế gần như không dịch chuyển. Những cố gắng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dù đáng ghi nhận, nhưng kể cả dự định tiếp tục giảm lãi suất cũng không hứa hẹn sẽ kích thích được nền kinh tế và tạo sức sống mới cho các doanh nghiệp, ngân hàng.
Nhiều ngân hàng trong tuần qua đã ngưng các hoạt động cho vay, có tính chất ủy thác họ vẫn làm. Ví dụ, hoạt động cho vay với cá nhân kinh doanh chứng khoán theo T+3 dù room tín dụng cho hoạt động này vẫn còn. Không bình luận về tội danh, mức án của vụ án, điều mà một tổng giám đốc ngân hàng khác băn khoăn là “còn rất nhiều điểm trong phiên tòa chưa rõ, chưa sòng phẳng với giới làm kinh doanh và ngân hàng”. Ông cho rằng câu chuyện không thể khép lại ở đây bởi “tường thấp kẻ trộm mới tới”.
Tiếc là những quy chế liên quan đến “các yếu tố chết” trong hoạt động ngân hàng, như quy chế về tăng tài sản trên vốn ảo, cho vay nội bộ, sở hữu chéo... quá ít. |
Không thể phủ nhận việc trong một thời gian dài, các sai phạm đã diễn ra ở nhiều tổ chức tín dụng, khiến thị trường tiền tệ mất ổn định và không công bằng, nhóm người này thiệt thòi, nhóm kia mất nhiều chi phí cơ hội. Đó là bài học cho tất cả. “Hai điều chúng tôi rút ra, thứ nhất là về đạo đức nghề nghiệp. Thứ hai là vai trò cơ quan giám sát và quản lý với các hoạt động của ngành ngân hàng”, ông nói.
Bàn về ranh giới đạo đức nghề nghiệp, giới tài chính có câu nói “Do the right thing for wrong reasons”, nghĩa là nếu anh làm những việc chiếu theo luật pháp hiện hành không sai nhưng sai về đạo đức nghề nghiệp cũng là sai. Bộ quy tắc ứng xử (Code of conduct) ngành ngân hàng ở các nước (Việt Nam chưa có) liệt kê chi tiết những quy định mà luật pháp không thể bao phủ hết. Trong đó, có quy định về những giao dịch xung đột lợi ích, không được làm. Các hành động sẽ được xem xét trên khía cạnh việc đó được thực hiện đứng trên quyền lợi của ai.
Ví dụ, nếu anh tham gia điều hành ngân hàng, thực hiện giao dịch không làm hại cho ngân hàng hay làm hại cho ai nhưng cá nhân anh được lợi thì điều đó không được phép. Anh cũng không được mở những công ty cùng ngành nghề có tiềm năng cạnh tranh với ngân hàng. CEO của ngân hàng không được đứng lớp giảng cho nhân viên một ngân hàng khác nhưng giảng cho nhiều ngân hàng một lúc thì được. Thường, ở các thị trường đã có bộ quy tắc ứng xử này, các vi phạm pháp luật sẽ bị xử theo luật còn vi phạm đạo đức thì bị rút quyền hành nghề ngân hàng nói chung hay thực hiện một số nghiệp vụ nói riêng trong một thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn.
Ngoài bộ quy tắc ứng xử nói trên, còn có hệ thống văn bản ở dạng quy chế của ngành. Đó là những văn bản do cơ quan quản lý ngành ban hành, để điều chỉnh những hành vi dễ mắc phải nhưng luật và văn bản dưới luật không quy định cụ thể. Quyết định 1627/2001 của NHNN (về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng) là một văn bản như vậy.
Tiếc là những quy chế liên quan đến “các yếu tố chết” trong hoạt động ngân hàng, như quy chế về tăng tài sản trên vốn ảo, cho vay nội bộ, sở hữu chéo... quá ít. Các quy chế này có tác dụng ngăn người làm ngân hàng lại khi họ muốn linh hoạt. Các vi phạm quy chế nếu sớm được phát hiện thì phạm vi trừng phạt có thể chỉ dừng ở mức độ xử lý hành chính.
Một người gắn bó với nghề lâu năm thở dài: “Nếu có đủ các quy chế đó, sẽ không có chuyện trên 300 cán bộ ngân hàng bị bắt trong hai năm qua. Câu chuyện thất bại của ngân hàng, xin đừng lặp lại”. Hội đồng xét xử, tại phiên tuyên án đầu tuần này cũng kiến nghị qua vụ án bầu Kiên và đồng phạm, NHNN Nhà nước cần rà soát lại các văn bản, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn kịp thời các chủ trương cho ngân hàng.