Chuyên đề giới thiệu hơn 250 tài liệu, hiện vật, hình ảnh và phim tài liệu phản ánh những thành tựu nổi bật đất nước ta đã đạt được trên chặng đường 50 năm qua, từng bước hiện thực hóa những mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trước lúc đi xa.
Đặc biệt, trưng bày còn giới thiệu những tư liệu, hiện vật quý gắn liền với sự ra đời của bản di chúc lịch sử và đợt sinh hoạt chính trị toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo di chúc ngay sau khi Người qua đời.
Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” hay còn gọi là di chúc của Hồ Chủ tịch. |
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (02/9/1969), trong cuộc họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) ngày 3/9/1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giới thiệu đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) xin được chuyển đến Trung ương tài liệu “Tuyệt đối bí mật” hay còn gọi là Di chúc của Hồ Chủ tịch được viết sẵn trong vòng 4 năm để dặn lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phòng khi Người qua đời.
Trong ảnh là toàn văn gốc “Tài liệu Tuyệt đối bí mật” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm 3 bản, một bản đánh máy chính thức năm 1965 và 2 bản viết tay bổ sung các năm 1968 và 1969.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khắc trên than đá. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Bản đánh máy chính thức gồm 3 tờ, đề ngày 15/5/1965, được đánh máy chữ mực xanh (đánh máy một mặt) trên giấy thường, có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh phía cuối trang 3, bên cạnh chữ ký của Bác là chữ ký của người làm chứng (đ/c Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương).
Bản viết tay bổ sung năm 1968 gồm 4 tờ, đề tháng 5/1968, được viết tay bằng mực xanh, 2 tờ viết 2 mặt, 2 tờ viết một mặt. Xen kẽ là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.
Bản viết tay bổ sung năm 1969 có một tờ, đề ngày 10/5/1969, viết tay bằng mực xanh ở mặt sau của tờ tin tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã (trang 15a, ra ngày 3/5/1969). Xen kẽ là những dòng viết bằng mực đỏ, có chỗ gạch xóa.
Toàn bộ các bản gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thủ tướng Chính phủ Công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012) hiện nay được bảo quản theo chế độ đặc biệt tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
Hòn đá chặn giấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng thời gian Người làm việc tại Phủ Chủ tịch. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Xác định di chúc không chỉ là một di sản thiêng liêng, mà còn là một văn kiện chính trị thể hiện tinh thần, trách nhiệm và nguyện vọng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc; để đảm bảo các yêu cầu khách quan của cách mạng thời điểm bấy giờ, Trung ương Đảng đã xem xét, cân nhắc, lựa chọn công bố một phần những trang tài liệu với tên gọi là Di chúc của Hồ Chủ tịch vào đúng ngày truy điệu tiễn đưa Người (9/9/1969).
Đồng thời, Trung ương mở đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, nêu cao quyết tâm thực hiện di chúc, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Trong ảnh là những văn kiện quan trọng gắn với đợt sinh hoạt này.
Những văn kiện quan trọng gắn với đợt sinh hoạt chính trị “Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”. |
Trưng bày chuyên đề: “Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng trung ương Đảng.