Ảnh: michigandaily. |
Độc giả thỉnh thoảng vẫn sẽ có cảm giác vật lộn những trang sách: Đôi khi là một cuốn tiểu thuyết với nhiều nhân vật đáng ghét hay một cốt truyện vô lý đến mức không thể thích nổi.
Nhiều lý do để đọc hết sách dù "chán"
Trong khi đọc sách không phải là điều bắt buộc (ngoài sách phục vụ học tập và nhu cầu công việc cần thiết), khi nào nên quyết định tiếp tục hay từ bỏ một cuốn sách? Câu hỏi này đã ra đời từ lâu, trước khi có sự xuất hiện của Internet.
Trong khi mục đích chính của đọc sách không phải để khoe, thì sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội trong thế kỷ 21 đã khiến việc thu hút sự chú ý với số sách đọc lớn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trên các cộng đồng đọc sách trực tuyến như Goodreads, Bookstagram, BookTok, BookTube,... việc “DNF”, viết tắt của “Did Not Finish” và thời điểm thích hợp để làm điều đó đã trở thành một đề tài gây nhiều tranh cãi.
Việc thử thách bản thân với các cuốn sách DNF của các KOL khác cũng đã trở thành xu hướng. Ảnh: Youtube. |
Gần đây, việc một TikToker chê sách quá nhiều chữ và có thể phải DNF ở trang 100 cũng đã dấy lên một cuộc “phong ba” trên nhiều nền tảng trực tuyến. Leah Vann, một nhà báo thể thao ở Texas, Mỹ, đã chia sẻ rằng cô từng đọc hết mọi cuốn sách cô bắt đầu chỉ để thêm tên tác phẩm đó vào danh sách đọc trên tài khoản Goodreads cá nhân.
Ngoài ra, cũng có nhiều người nói rằng dù bạn muốn bỏ dở một cuốn sách đến mức nào, bạn cũng nên đọc hết nó. Cây viết Rupert Hawksley từng viết trên tờ The Independent: “Chỉ đọc 20 trang sách của một tác giả là điều xúc phạm họ”.
Emily Kinard, một độc giả ở Washington, Mỹ, cũng chia sẻ với cộng đồng trên X/Twitter: “Quan điểm, phong cách viết và giọng văn khác biệt với chúng ta khiến thế giới của chúng ta trở nên rộng lớn hơn. Tôi sẽ đưa ra ý kiến, thường không được mọi người thích, là nên đọc hết sách dù không thích. Tôi cũng có thể nêu tên những cuốn sách tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm trong đó”.
Tuy nhiên, việc có quan điểm khác biệt với tác giả và tiếp tục đọc sách có thể được lý giải bằng việc độc giả vẫn quan tâm với nội dung và có thể tìm ra những điều mới trong đó. Trải nghiệm này khác với việc độc giả không có cảm xúc, thậm chí chán ghét tác phẩm đó, chỉ xét trên cảm nhận cá nhân. Lúc này, việc buộc phải tiếp tục đọc có thể trở thành “cực hình”.
Cuộc sống quá ngắn và thế giới sách rất rộng lớn
Trong khi đó, nhiều người khác cho rằng cuộc sống quá ngắn ngủi nên không nên dành thời gian để đọc thứ gì đó bạn không thực sự thích hoặc có chất lượng không tốt. Một cuộc khảo sát năm 2023 đối với độc giả Mỹ cuả tờ The Economist cho thấy, nếu độc giả Mỹ đọc 11 cuốn sách/năm, họ sẽ mất 84 năm để đọc hết danh sách sơ bộ các tác phẩm kinh điển. Còn nếu họ chỉ dành 15 phút mỗi ngày cho sách, họ cần tới 102 năm để hoàn thành danh sách trên.
Nhà văn kiêm blogger sách Lucy Pearson đã cho biết: “Nếu sau 50 trang mà tôi vẫn không thích cuốn sách đó, tôi sẽ chuyển sang cuốn khác”. Trước đó bà từng có trải nghiệm muốn hoàn thành danh sách 100 cuốn sách hay nhất của nước Anh, được biên soạn từ cuộc khảo sát của BBC năm 2003, để khám phá ra cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất. Tuy nhiên, bà đã nhận ra “cuộc sống quá ngắn cho những cuốn sách dở”.
Số lượng sách được xuất bản, cả bản in và bản điện tử, có thể sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh minh họa: Modern Retail. |
Tiểu thuyết gia người Mỹ John Irving cũng từng nói: "Người lớn không nên đọc hết những cuốn sách họ không thích".
Theo cây viết Molly Templeton của tờ Reactor Magazine, ngoài ra, còn một lý do đơn giản khác: Có rất nhiều sách và độc giả có thể tìm ra cuốn phù hợp với mình. Chuyên gia ngành sách Parul Sehgal từng đưa ra số liệu: “Vào năm 2018 đã có tới 1,6 triệu cuốn sách được tự xuất bản, cùng hàng chục nghìn cuốn được các nhà xuất bản truyền thống phát hành”. Dù số liệu đã cũ nhưng cũng đủ cho thấy lượng sách hiện phong phú đến mức nào, thậm chí chưa tính đến truyện tranh, tạp chí, tiểu luận, …
Ngoài ra, với sự phát triển của AI, số lượng sách được ra mắt trong thời gian tới có thể còn khổng lồ hơn nữa. CEO của Penguin Random House, Nihar Malaviya đầu năm nay từng cho biết về chiến lược tăng thị phần bằng cách bán thêm nhiều sách và kỳ vọng AI sẽ giúp xuất bản nhiều đầu sách hơn mà không cần phải thuê thêm nhân viên.
Không biến đọc sách thành cuộc cạnh tranh
Trong khi không thể phủ nhận vai trò tích cực của các cộng đồng sách trực tuyến, độc giả cần tự xác định được mục tiêu của mình. Việc phấn đấu đọc 200 cuốn sách một năm không phải là điều xấu nếu chúng mang lại niềm vui và tri thức, nhưng điều đó có thể là không chính đáng khi đọc chỉ để làm đầy danh sách. Hiện Leah Vann đã từ bỏ thói quen cố đọc sách cho hết khi nhận ra: "Đọc sách không phải là một môn thể thao và không có lợi ích gì khi đọc một cuốn sách mà tôi không thích".
Đối với một số người, việc từ bỏ một cuốn sách có thể khiến lương tâm cắn rứt, nhưng không có gì sai khi dừng lại đúng lúc. Tác giả Oliver Burkeman đã viết trong cuốn sách quản lý thời gian Four Thousand Weeks: Time Management for Mortals rằng: “Với tư cách là một con người hữu hạn, bạn luôn phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Nhưng chúng không phải là thất bại hay một sự từ chối những điều bạn không chọn. Thay vào đó, bạn đã đưa ra cam kết tích cực về việc dành một khoảng thời gian nhất định để làm điều này thay vì điều kia. Với bạn, điều bạn quyết định làm là điều quan trọng nhất ngay lúc này”.
Cây viết Molly Templeton cũng đánh giá, không có cuốn sách nào dành cho mọi độc giả. Những điều “nên” duy nhất khi đọc là có tâm hồn cởi mở, chấp nhận sự đa dạng và giữ lòng nhiệt thành với sách. Từ đó, độc giả có thể trở thành một “người đọc giỏi”, thay vì cố đọc mọi cuốn sách từng mở trang đầu tiên.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.