Tập đoàn Parkson đặt chân vào Việt Nam năm 2005 và phát triển chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại các thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng, có thời điểm lên đến 10 trung tâm. Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã phải nộp đơn phá sản trước những khó khăn về môi trường kinh doanh. Parkson Saigon Tourist Plaza ở địa chỉ 35 Bis - 45 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM) là trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại Việt Nam. |
Hiện, Parkson Saigon Tourist Plaza thu hút khách hàng bởi sự hiện diện của 2 thương hiệu lớn là Uniqlo và Muji. Sau giai đoạn sửa chữa, nâng cấp, đến cuối năm 2019, Parkson Saigon Tourist Plaza dường như "sống lại" nhờ hợp tác với Uniqlo. Sức hút từ cửa hàng đầu tiên của Uniqlo và sau đó là Muji đã khiến trung tâm thương mại này gần như kín khách vào mỗi dịp cuối tuần, lễ Tết trong những năm qua. |
Minh Nhật (27 tuổi) cho biết dù Muji và Uniqlo đã mở những cửa hàng tiếp theo ở các TTTM tại quận 7 hay TP Thủ Đức nhưng anh vẫn thích đến Parkson để mua sắm vì tiện đường đi vào khu vực trung tâm. |
Khách nhộn nhịp mua sắm ở cửa hàng Uniqlo vào sáng cuối tuần. |
Ngoài việc mua sắm, khách hàng cũng thích nghỉ chân tại không gian cà phê của Muji. |
Tuy nhiên, không khí kinh doanh ở các thương hiệu khác ở tầng 1 của Parkson khá ảm đạm vì lượng khách đến mua sắm thưa thớt. |
Tương tự, rạp chiếu phim ở tầng 5 cũng khá vắng vẻ. Hà Vy (24 tuổi) nói với Zing rằng cô thường xem phim ở Vincom đối diện thay vì Parkson. “Parkson không có nhiều chỗ ăn uống, cà phê nên không tiện cho việc hẹn hò xem phim. Thay vào đó, tôi thích chọn những trung tâm thương mại vừa có nhà hàng để ăn tối rồi đi lên xem phim hơn”. |
Trong khi đó, Vincom Center Đồng Khởi đối diện Parkson Saigon Tourist Plaza thu hút đông đúc khách hàng hơn nhờ không gian rộng rãi cùng sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mỹ phẩm, thời trang, F&B. |
Tại Vincom, khách hàng có nhiều sự lựa chọn như ăn uống, mua sắm, xem phim, giải trí. Trung tâm thương mại này cũng thu hút nhiều đối tượng khách hàng khác nhau từ trung cấp đến cao cấp. Bình quân, các thương hiệu phải chi tới 135 USD/m2/tháng để thuê các gian hàng tại đây. |
Một trung tâm thương mại khác ở “đất vàng” quận 1 là Diamond Plaza đang trở thành điểm đặt chân đầu tiên ở Việt Nam của các thương hiệu quốc tế đình đám như hãng nước hoa cao cấp từ Anh Jo Malone, nhà hàng lẩu Beauty in the Pot hotpot. Chanel, Lilliput cũng vừa khai trương cửa hàng mới tại đây. |
Dù vậy, khách ở trung tâm thương mại này không quá đông đúc, nhộn nhịp. Một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản bán lẻ cho rằng tệp khách hàng của Diamond Plaza ở phân khúc cao cấp với ý định mua sắm rõ ràng. "Do đó ít thấy khách dạo quanh, khó tấp nập như những trung tâm thương mại khác", người này nói với Zing. |
Trong khi đó, Bitexco Financial Tower đang được lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp. Hiện, khu vực này ngày càng vắng bóng cả người tiêu dùng lẫn khách thuê. Tầng trệt tòa nhà chỉ còn lại vài quán cà phê, cửa hàng mỹ phẩm và showcase của Samsung. |
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế