Ngay sau khi EU thông qua gói kích ngân sách trị giá 1.800 tỷ euro để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, hầu hết quốc gia cho biết sẽ dùng số tiền này để tiếp tục thực hiện các chính sách lớn, trong đó có hiện thực hóa “thỏa thuận xanh”.
Thỏa thuận xanh là việc các quốc gia EU sẽ tiến tới trung tính carbon vào năm 2050, nghĩa là khi đó EU sẽ không thải CO2 ra môi trường, lượng khí thải ra sẽ cân bằng với lượng hấp thụ, giúp tạo sự cân bằng. Thỏa thuận xanh cũng đề ra một loạt các biện pháp trong có những lộ trình và công cụ chính sách để giảm phát thải, trong đó có việc tiến tới cấm xe động cơ đốt trong.
Đây được coi là một trong những hành động cụ thể và quyết liệt nhất để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình của các nước đi trước để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của riêng mình.
Hiện thực hóa tăng trưởng xanh bằng xe điện
Theo Ủy ban Liên Hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), tăng trưởng xanh là chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của con người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai...
PGS TS Bùi Quang Tuấn chia sẻ về hiện thực hóa tăng trưởng xanh tại Việt Nam bằng xe điện. Ảnh: Hoàng Hà. |
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh thì cần phải có sự hành động một cách tổng thể, ở nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực. Ông nhắc đến việc phải xanh hóa sản xuất, kích thích xu hướng tiêu dùng xanh, xây dựng lối sống xanh, cơ cấu lại các ngành kinh tế…
“Các nước phát triển tuyên bố sẽ giảm 80% lượng phát thải so với đầu thế kỷ 21. EU cũng tuyên bố trung tính carbon vào năm 2050. Do đó, tôi cho rằng chúng ta cũng cần đặt mục tiêu trung tính cacbon sau năm 2050”, ông Tuấn nói.
Xe điện tự lái, không phát thải, một thành phố sạch là tương lai mà chúng ta mong muốn
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển xe điện cũng chính là một trong những yếu tố giúp Việt Nam hiện thực hóa được giảm phát thải.
Ngoài ra, khi xe điện được ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một thiết bị thông minh, giúp xây dựng đô thị thông minh, giao thông thông minh.
“Xe điện tự lái, không phát thải, một thành phố sạch là tương lai mà chúng ta mong muốn”, ông nhấn mạnh.
Công cụ chính sách
Tuy nhiên, theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, để có thể hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, giảm thiểu xe sử dụng động cơ đốt trong thì cần có một tổ hợp các chính sách, không chỉ là chính sách kinh tế, còn còn cả điều chỉnh hành vi con người.
Đầu tiên, ông cho rằng cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, hành vi của mình trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, để làm sao cải thiện về môi trường, tăng chất lượng cuộc sống. Để làm được điều này thì cần phải có truyền thông và giáo dục.
Cần có một tổ hợp các chính sách, không chỉ là chính sách kinh tế, còn còn cả điều chỉnh hành vi con người để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh. Ảnh: Minh Đức. |
Từ góc độ kinh tế, ông Tuấn nhấn mạnh đến giải pháp và lộ trình rõ ràng. Ông lấy ví dụ Pháp và Đức có lộ trình đến năm 2040 không sử dụng xe có động cơ đốt trong, như vậy các nhà đầu tư sẽ phải có lộ trình từ nay đến khi đó chuyển đổi sản xuất ra sao. Người tiêu dùng cũng có kế hoạch chuyển đổi kế hoạch của bản thân mình.
“Lộ trình rất quan trọng, là tín hiệu rõ ràng cho nhà đầu tư và người tiêu dùng”, ông nói.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cho cả nhà sản xuất và nhà tiêu dùng trong phát triển các công nghệ xanh. Ví dụ chi phí sản xuất ô tô điện còn cao hơn động cơ đốt trong, nên cần có hỗ trợ về mặt chi phí để các nhà sản xuất xe điện yên tâm.
Với người tiêu dùng, các nước như Hàn Quốc hay Nhật Bản đều tặng tiền mặt cho người dân mua xe điện và thải loại xe cũ sau 13 năm. Do đó, ông cho rằng Việt Nam cũng cần những chính sách như vậy. Ngoài ra còn có chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Như ở Thái Lan, thuế tiêu thụ đặc biệt của xe điện là 8% so với xe thông thường là 35%.
Lộ trình rất quan trọng, là tín hiệu rõ ràng cho nhà đầu tư và người tiêu dùng
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Về lâu về dài, ông Tuấn cho rằng cần phải tạo ra một thị trường phát thải, nghĩa là chủ thể nào phát thải nhiều ra môi trường thì phải trả nhiều, chủ thể nào phát thải ít thì được thưởng. Cơ chế như vậy sẽ khuyến khích xã hội đầu tư vào cái gì ít phát thải.
“Công cụ chính sách phải tác động nhiều mặt, cả cung, cả cầu, cả thị trường, cả một lộ trình rõ ràng”, ông nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh cần có giải pháp mang tính liên thông, liên ngành đặc biệt là giáo dục đào tạo. Cần xây dựng tư duy lối sống xanh, quyết định hành vi sống xanh, văn hóa sống xanh.
“Chúng ta cần một tổ hợp các chính sách trên nhiều lĩnh vực”, ông Tuấn nói.