Trong lộ trình 5 năm làm "siêu dự án" vành đai 4 (2022-2027), Hà Nội đang đi những bước đầu tiên ở khâu giải phóng mặt bằng, cắm mốc chỉ giới đỏ. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương khởi động cho một siêu dự án liên kết vùng. Nhưng điều này là chưa đủ.
Theo chuyên gia, bên cạnh những tính toán tập trung vào đường sá, thành phố cần có quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị xung quanh dự án vì "đường chạy đến đâu, nhà sẽ mọc theo đến đó".
Giải quyết ùn tắc, "hút" dân ra khỏi nội đô
Trao đổi với Zing, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định tuyến vành đai 4 đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các tỉnh trong vùng.
Tuyến đường này sẽ giúp giảm tải cho vành đai 3 vốn đã quá tải vì phải gánh hàng nghìn xe trọng tải lớn di chuyển mỗi ngày. Vì vậy, trong thiết kế mới, vành đai 4 cần được đảm bảo chất lượng, quy mô mặt cắt, thiết kế mật độ xe trong một giờ để giải tỏa giao thông cửa ngõ giữa Hà Nội và địa phương lân cận.
Ngoài vai trò kết nối, chuyên gia cho rằng đường vành đai 4 góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở nhiều huyện, làm tiền đề cho tiến trình "lên quận" của các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn. Việc này cũng gián tiếp thúc đẩy quá trình “hút” dân ra khỏi nội đô.
Ông Chính dẫn chứng đường vành đai của Malaysia, Thái Lan và cho rằng hai quốc gia này đã làm tốt khi thiết kế khu đô thị sinh thái xung quanh các tuyến đường liên kết vùng, nhằm tạo không gian phát triển đô thị bền vững. Hà Nội cũng có thể làm tương tự khi triển khai vành đai 4.
Vành đai 4 vùng thủ đô giao cắt với nhiều trục đường hướng tâm của Hà Nội, giúp san sẻ áp lực giao thông với tuyến vành đai 3. Đồ họa: Duy Anh. |
Theo chuyên gia, quy hoạch tổng thể của vành đai 4 cho thấy dự án tiếp cận nhiều tuyến đường xuyên tâm của Hà Nội, trong đó cắt đại lộ Thăng Long. Đây là tuyến đường được định hướng kết nối giữa trung tâm nội đô với khu vực phát triển văn hóa, khoa học và thương mại, dịch vụ.
Ngoài ra, vành đai 4 giao cắt nhiều tuyến đường quan trọng như Hà Nội - Hà Đông, quốc lộ 1 đoạn qua Thanh Trì, sau đó cắt qua khu đô thị mới ở Hưng Yên… Đây đều là những tuyến liên kết vùng quan trọng.
Dự án cũng nằm trong hành lang của hệ thống giao thông kết nối từ Lào Cai về Hà Nội, trong đó trọng tâm là sân bay quốc tế Nội Bài với khả năng được nâng cấp lên khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Vì vậy, nếu nhìn rộng hơn, đây là tuyến đường giúp vận hành nhiều loại hình vận tải hành khách quan trọng từ nội đô ra khắp các hướng.
“Với một siêu dự án tầm cỡ như vành đai 4, Hà Nội và các địa phương cần có tầm nhìn trong quy hoạch, làm rõ xung quanh có bao nhiêu đô thị, bao nhiêu dự án giao thông, đường song hành đi kèm, quy mô hạ tầng ra sao”, ông Chính góp ý tất cả yếu tố này phải được tính toán ngay từ bây giờ.
Vị trí vành đai 4 (đường màu vàng) cắt qua đại lộ Thăng Long tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Tân. |
Đồng quan điểm, thạc sĩ Phan Trường Thành, chuyên gia về quản lý đô thị, cho rằng vành đai 4 hình thành sẽ giúp giải quyết nhiều điểm đen về ùn tắc giao thông của Hà Nội, đặc biệt ở khu vực cửa ngõ như cầu Thanh Trì, quốc lộ 2, quốc lộ 5...
Cùng với đó, sau khi hoàn thành, tuyến đường này có thể giúp giảm thiểu chi phí vận tải cho doanh nghiệp do kết nối trực tiếp từ sân bay Nội Bài tới các tỉnh, thành phố lân cận.
Tính toán phát triển quỹ đất đô thị dọc vành đai 4
Lưu ý những việc Hà Nội cần làm khi triển khai vành đai 4, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng thành phố nên quy hoạch thêm hạ tầng xung quanh, bao gồm các tuyến đường song hành, đường gom, các lối lên xuống, đường kết nối... "Phát triển quỹ đất đô thị dọc theo vành đai cũng là vấn đề cần tính đến", ông Chính nói.
Khu đất của dự án cảng cạn ICD Mỹ Đình nằm tại vị trí vành đai 4 giao với quốc lộ 32. Ảnh: Việt Linh. |
Việc này cần phải làm song song với công tác giải phóng mặt bằng, vì sau khi dự án khởi công trong một năm tới, giá đất có thể biến động khiến thành phố gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa ở những khu vực muốn xây hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, ông Chính cho rằng Hà Nội cần một hệ thống giao thông kết nối (TOD) bao gồm metro, xe buýt để khiến giao thông nội đô cùng vành đai 4 trở nên đồng bộ. Đi cùng với đó là các địa điểm như trung tâm thương mại, dịch vụ mọc lên ở hai bên đường để phục vụ người dân. Đây là xu hướng mà thế giới đang đi theo.
"Tránh sau khi hoàn thành vành đai 4, dự án không có khả năng kết nối với các mạng lưới đường xung quanh"
Thạc sĩ Phan Trường Thành
Theo chuyên gia, dọc theo vành đai 4, địa phương sẽ không bố trí công trình văn hóa, công cộng, xã hội lớn mà tập trung điểm thêm các công trình mang tính tiện ích như trạm dừng nghỉ, siêu thị…
Trong khi đó, từ vành đai 4 trở vào nội đô, Hà Nội có thể làm những công trình hạ tầng mang tính thu hút người dân như bảo tàng, triển lãm, sân bóng hiện đại, trung tâm thể thao…
“Giá trị của vành đai 4 vẫn phải là kết nối giao thông vùng, còn những mục tiêu khác như thu hút dân cư từ nội đô sẽ được thực hiện bằng cách thêm hạ tầng xung quanh nhằm phục vụ cho người dân”, ông Chính nêu quan điểm.
Vành đai 4 đi qua 7 huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai. Đồ họa: Duy Anh. |
Trong khi đó, thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng hiện, việc xác định và bàn giao mốc chỉ giới đỏ cho vành đai 4 ở Hà Nội vẫn chỉ tập trung vào các tuyến đường chính và 5 nút giao liên thông gồm: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường trục 100, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6 và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Còn chỉ giới đường đỏ ở nhiều nút giao khác chưa được xác định.
Ông lưu ý việc xác định chỉ giới của tuyến liên kết phải được triển khai đồng bộ với trục chính, tránh trường hợp sau khi hoàn thành, dự án không có khả năng kết nối với các mạng lưới đường xung quanh.
Không chạy theo nhà đầu tư
Liên quan đến những lo ngại khi thành phố chạy theo nhà đầu tư để phát triển đô thị ồ ạt xung quanh tuyến vành đai, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ các bài học đã có.
Quá trình quy hoạch hạ tầng 2 bên đường vành đai 4, Hà Nội cần tránh lặp lại tình trạng xây dựng cao ốc ồ ạt, phá nát quy hoạch như đã xảy ra tại trục vành đai 3. Ảnh: Ngọc Tân. |
Thành phố cần tuân thủ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương phê duyệt các dự án nhà đầu tư xin cấp phép.
“Nhà đầu tư chỉ thích làm dự án, trong khi thành phố không thể chạy theo toàn bộ mong muốn của nhà đầu tư. Địa phương rất cần có bản quy hoạch chi tiết đối với hạ tầng xung quanh vành đai, tránh tình trạng phát triển đô thị ồ ạt theo dự án”, KTS Trần Ngọc Chính nói.
"Nhà đầu tư chỉ thích làm dự án, trong khi thành phố không thể chạy theo toàn bộ mong muốn của nhà đầu tư"
KTS Trần Ngọc Chính
Ông Chính cho rằng thành phố cần xem xét tính đúng sai của những dự án xung quanh các trục vành đai đã có như vành đai 2, 3. Nếu nhận thấy dự án không đúng quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt khiến ùn tắc xảy ra, Hà Nội cần nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm khi triển khai phê duyệt dự án quanh vành đai 4.
“Xây dựng một dự án là quá trình vừa làm, vừa điều chỉnh tiến độ, vừa rút kinh nghiệm. Dự toán ở thời điểm hiện tại chưa chắc đã đúng vì khi đi vào thực tiễn có thể thay đổi”, chuyên gia nhìn nhận.
Theo vị chuyên gia, điều quan trọng là Hà Nội cần giữ quyết tâm chính trị cao để thực hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh kể từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành dự án.