CEO McDonald’s Steve Easterbrook bị sa thải hồi đầu tuần trước do có quan hệ tình dục với nhân viên cấp dưới. Vụ việc này thể hiện quyết tâm không khoan nhượng của các tập đoàn tại Mỹ trước những hành vi quấy rối tình dục của cấp trên đối với nhân viên, ngay cả khi có sự đồng thuận, theo Reuters.
Theo các chuyên gia về quản trị tập đoàn, trước đây, ban điều hành các tập đoàn lớn thường làm ngơ trước hành vi sàm sỡ nhân viên của các thành viên cấp cao. Quan điểm này đã thay đổi khi nhiều người nhận thấy những rủi ro đối với công ty khi giám đốc và nhân viên có quan hệ bất chính. Sự thay đổi này một phần nhờ những cáo buộc xâm hại tình dục đối với Harvey Weinstein, cựu giám đốc điều hành Công ty Weinstein hồi năm 2017, khởi nguồn của phong trào #MeToo.
Không thể tiếp tục làm ngơ
“Họ không còn phủ nhận hay giấu giếm khi chuyện xảy ra nữa”, Jeffrey Sonnenfeld, giám đốc chương trình lãnh đạo tại Học viện Quản lý Yale cho biết. “Nhiều báo cáo xâm hại tình dục được gửi về hơn, và hội đồng quản trị đã có hành động cụ thể trước những tố cáo này”.
Easterbrook, người vừa bị tố cáo trước hội đồng quản trị McDonalds đã vi phạm chính sách của chuỗi burger nổi tiếng này khi có quan hệ đồng thuận với một nhâ viên cấp dưới.
Steve Easterbrook bị sa thải khỏi vị trí CEO McDonald’s. Ảnh: AP. |
Hồi năm ngoái, Brian Krzanich cũng từ chức giám đốc điều hành tại tập đoàn công nghệ Intel Corp sau khi bị điều tra vì có quan hệ với một nhân viên, phá vỡ các quy tắc của công ty.
Nhiều công ty không cho phép cấp trên và nhân viên có mối quan hệ bất chính. Các nhân viên có thể không dám từ chối đòi hỏi tình dục vì sợ những hậu quả tiêu cực.
Trả lời Reuters, Mark Spund, giám đốc bộ phận thực thi luật lao động tại Davidoff Hutcher & Citron LLP khi cho rằng điều này thể hiện sự mất cân bằng quyền lực. “Với nhiều công ty, những mối quan hệ kiểu này là trái quy định và hầu hết thành viên cấp cao trong vụ việc bị cách chức”.
Theo một nghiên cứu, trong năm 2017, 26% các trường hợp CEO rời ghế là do có hành vi trái đạo đức, trong khi con số này là 8% ở thập kỉ trước đó.
Các ban giám đốc cũng thường xuyên thảo luận về những quy định áp dụng trên toàn công ty, bao gồm cấm nảy sinh tình cảm giữa các nhân viên, Gillian Emmett Moldowan, một luật sư tại Shearman & Sterling LLP cho biết.
Theo cô, trước đây, các tập đoàn ít khi dành thời gian xem xét những chính sách có yếu tố nhân sự. Tuy nhiên vì những tai tiếng có thể xảy ra, ngày nay toàn bộ hội đồng sẽ tham gia vào vụ việc thay vì để nó cho ủy ban bồi thường.
Trong những trường hợp ban lãnh đạo bị cách chức do áp lực về đạo đức, có thể kể tới Brian Dunn, cựu CEO Best Buy đã từ chức năm 2012 sau những cáo buộc có liên hệ với một nhân viên nữ, và Mark Hurd, cựu giám đốc tập đoàn HP rời đi năm 2010 do những cáo buộc tương tự, mặc dù đã được chứng minh trong sạch trong một cuộc điều tra nội bộ sau đó.
Văn hóa độc hại tại các công ty lớn
Một số công ty cho phép các nhân viên khác phòng ban có quan hệ, theo Sonnenfield. Tuy nhiên họ không được phép dính líu tới giới cấp cao như Easterbook tại McDonald’s.
Liệu việc sa thải Easterbrook và đưa Chris Kempczinski lên thay thế có đem tới sự thay đổi nào cho những nhân viên cấp thấp làm việc tại chuỗi nhà hàng, những người đã báo cáo họ thường xuyên đối diện với quấy rối, sàm sỡ và đề nghị tình dục hay không, vẫn là một câu hỏi để ngỏ.
Reuters trích lời Fight for $15, một chiến dịch yêu cầu tăng mức lương tối thiểu, cho biết đã có hơn 50 khiếu nại tình dục được gửi tới liên quan đến McDonald’s.
“Ở McDonald’s tồn tại một thứ văn hóa độc hại, kể từ CEO có quan hệ bất chính với nhân viên, cho tới ban quản lý chế nhạo, sa thải hoặc trả thù những nạn nhân bị quấy rối tình dục trong công ty”, nhóm này cho biết.
“Với CEO mới, McDonald’s có cơ hội thay đổi điều này”.