Các camera giám sát và thiết bị an ninh khác do Aventura Technologies, có trụ sở tại New York, bán cho quân đội Mỹ trong nhiều thập niên qua, trông giống như các sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ. Chúng được đóng gói trong các hộp có dòng chữ “Made in USA” với logo hình ngôi sao và các đường sọc, New York Times cho biết.
Những sản phẩm do công ty này bán ra được lắp đặt trên khắp các cơ quan chính phủ, bao gồm cả hàng không mẫu hạm và một cơ sở của Bộ Năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, vào năm ngoái, một quân nhân tại căn cứ không quân Mỹ đã nhận thấy các ký tự chữ Trung Quốc trên màn hình một camera do Aventura sản xuất.
Phát hiện này đã dẫn đến cuộc điều tra của công tố viên quận Brooklyn, New York. Hôm 7/11, công tố viên liên bang quận Brooklyn, cho biết các thiết bị này thực sự được sản xuất tại Trung Quốc và dễ bị hack. Điều đó làm tăng nguy cơ các cơ quan chính phủ Mỹ đã lắp đặt các thiết bị và phần mềm an ninh mạng dễ bị phía Trung Quốc theo dõi.
7 người bị truy tố
Trong một đơn khiếu nại dài 40 trang, các công tố viên đã cáo buộc hình sự đối với Aventura và 7 người liên quan. Các bị cáo bị buộc tội nói dối khách hàng Mỹ trong hơn 10 năm về nguồn gốc Trung Quốc của các sản phẩm do công ty này bán ra.
Bị cáo Frances Cabasso (giữa) một trong những người của Aventura bị truy tố bước ra khỏi Tòa án liên bang Brooklyn. Ảnh: New York Post. |
Các sản phẩm của Aventura được mua bởi các cơ quan chính phủ bao gồm camera nhìn đêm, thân máy, cửa quay tự động và các thiết bị an ninh khác, công tố viên cho biết. 6 trong số 7 bị cáo đã bị bắt và lần đầu tiên xuất hiện tại Tòa án liên bang quận Brooklyn vào ngày 7/11.
Bị cáo thứ 7 dự kiến được triệu tập đến tòa vào ngày 8/11. Một trong các luật sư của các bị cáo nói rằng cáo buộc là vô căn cứ và không phù hợp. Luật sư của các bị cáo khác từ chối bình luận, hoặc không trả lời yêu cầu bình luận.
Các bị cáo bị buộc tội âm mưu lừa đảo, nhập khẩu trái phép. Trong đó, 2 bị cáo, cặp vợ chồng Jack Cabasso, Frances Cabasso bị buộc tội chủ mưu và rửa tiền.
Khách hàng lớn nhất của Aventura là cơ quan chính phủ, quân đội, không quân và hải quân, đã giúp công ty kiếm được 88 triệu USD doanh thu từ năm 2010. Aventura đã không trả lời email yêu cầu bình luận của New York Times. Các số hotline được liệt kê trên trang web của công ty đã bị ngắt kết nối.
Luật sư Richard P. Donoghue trình bày các chứng cứ cáo buộc Aventura lừa dối người tiêu dùng. Ảnh: AP. |
“Các khách hàng đã trả tiền để mua các sản phẩm mà họ tin là được sản xuất tại Mỹ”, một công tố viên nói. Luật sư liên bang Richard P. Donoghue tại Brooklyn, từ chối cho biết vụ việc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, hay có ai ở Trung Quốc đã xâm nhập vào thiết bị của Aventura hay không.
Ông cho biết cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Các nhà chức trách đang tìm kiếm những khách hàng tư nhân đã mua sản phẩm của Aventura. Phần mềm được sử dụng trên các sản phẩm của Aventura sau khi kiểm tra thì phát hiện có lỗ hổng cho phép bên thứ 3 truy cập vào.
“Rõ ràng đó là một mối lo ngại lớn đối với Mỹ, cơ sở hạ tầng có thể bị tổn hại bởi phần cứng và phần mềm được sản xuất tại Trung Quốc”, luật sư Donoghue nói. Các nhà chức trách đang tháo gỡ thiết bị khỏi các cơ sở của chính phủ và quân đội.
Chủ sở hữu từng làm ăn thân mật của Trung Quốc
Các công tố viên cho biết chủ mưu trong vấn đề này là Jack Cabasso, 61 tuổi, chủ sở hữu của Aventura. Theo hồ sơ Cabasso trong quá trình điều tra, công tố viên mô tả ông ta là một kẻ lừa đảo hàng loạt, có tiền sử phạm tội trong thời gian dài.
Kể từ năm 1982, ông Cabasso từng bị kết án lừa đảo và các tội danh khác. Cabasso có mối quan hệ kinh doanh sâu sắc với Trung Quốc và sử dụng nhiều công ty vỏ bọc để rửa tiền. Ông Cabasso cũng bị cáo buộc đưa ra tuyên bố sai lệch, rằng vợ ông ta là CEO của Aventura, để công ty có thể giành được hợp đồng dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ.
Nhân viên FBI tịch thu tài sản của Aventura liên quan đến vụ án. Ảnh: New York Post. |
Các công tố viên đã tịch thu du thuyền sang trọng và đóng băng 12 tài khoản ngân hàng với số tiền khoảng 3 triệu USD của Cabasso. Ông ta được cho là rất trơ tráo, năm 2016, ông đã gửi một email cho đại diện chính phủ Mỹ, cáo buộc các nhà thầu khác bán sản phẩm giám sát do Trung Quốc sản xuất, nhằm hạ bệ đối thủ.
Trong bức thư khiếu nại, ông bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an ninh mạng liên quan đến thiết bị Trung Quốc, trong khi chính công ty của Cabasso lại dán nhãn “Made in USA” lên thiết bị sản xuất tại Trung Quốc
Vụ việc tiếp tục khoét sâu vào những lo ngại từ lâu của các quan chức an ninh về tiềm năng các thiết bị viễn thông của Trung Quốc sẽ được sử dụng cho mục đích gián điệp. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, kể từ năm 2012, hơn 80% các vụ gián điệp kinh tế do các công tố viên liên bang điều tra đều có liên quan đến Trung Quốc.
Trong một động thái cho thấy sự lo ngại của các quan chức Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ lắp đặt các thiết bị sản xuất ở nước ngoài có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Lệnh cấm này đã ngăn chặn gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc hợp tác với các công ty Mỹ, mà không có sự chấp thuận của chính phủ.