Giai đoạn 2013-2015, thống kê cả nước có khoảng 50.000 môi giới bất động sản, nhưng theo các cơn "sốt đất", số nhân sự trong ngành này đã tăng gấp 6 lần, theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS).
Dù vậy, ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch VARS cho rằng số lượng thực tế còn nhiều hơn, vì ai cũng có thể làm môi giới bất động sản.
Siết hoạt động môi giới bất động sản
Thực tế, trong những giai đoạn "sốt nóng" của thị trường bất động sản, môi giới trở thành một nghề hấp dẫn với thu nhập cao và rào cản gia nhập gần như không có. Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập, tức hành nghề tự do.
Tuy nhiên, cũng vì vậy, VARS cho biết chỉ trên dưới 30.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề, đồng nghĩa 90% môi giới trên thị trường đều chưa qua đào tạo bài bản.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 đòi hỏi chứng chỉ hành nghề của môi giới, đồng thời yêu cầu môi giới phải làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới hoặc sàn giao dịch bất động sản.
Bộ Xây dựng sẽ triển khai các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Phương thức tổ chức sẽ do Bộ giao hoặc ủy quyền trực tiếp cho một số đơn vị, trong đó có VARS.
Mặt khác, môi giới được hưởng thù lao, hoa hồng từ sàn hoặc doanh nghiệp môi giới, còn chủ đầu tư và doanh nghiệp môi giới nhận các khoản tiền thanh toán từ khách hàng qua tài khoản ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc mọi thù lao và hoa hồng của môi giới đều phải được chuyển khoản qua ngân hàng.
Từ ngày 1/8, môi giới bất động sản sẽ không được hành nghề tự do. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Khi quy đầu mối về doanh nghiệp để quản lý, Luật đồng thời bổ sung quy định các sàn môi giới trước khi hoạt động phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của sàn để được cấp giấy phép hoạt động.
Đồng thời, các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản được quy định chi tiết hơn. Chủ đầu tư dự án và doanh nghiệp môi giới phải công khai các loại hợp đồng này trước khi áp dụng. Chưa kể, thông tin về bất động sản cũng được yêu cầu công khai nhằm nâng cao tính minh bạch, an toàn, lành mạnh trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
"Các quy định này sẽ góp phần minh bạch hóa, chuyên nghiệp hóa hơn nữa các hoạt động môi giới, giao dịch bất động sản, đồng thời phòng ngừa, hạn chế các bất ổn thị trường do các hoạt động môi giới, kinh doanh dịch vụ bất động sản thiếu sự kiểm soát hiệu quả", ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại Ngày hội Môi giới Bất động sản 2024 diễn ra hồi cuối tháng 6.
Thực tế, những quy định này cũng tương tự các thị trường phát triển khác như Hàn Quốc, Singapore... Đơn cử, ông Jeff Poo, nguyên Chủ tịch Viện các đại lý bất động sản Singapore IEA, nhà sáng lập Liên minh hệ thống bất động sản các nước ASEAN - ARENA cho biết môi giới muốn hành nghề ở Singapore đều phải trải qua các khóa học đào tạo và thi cấp chứng chỉ bắt buộc.
Mỗi năm, môi giới nước này cũng cần đạt 6 tín chỉ nhất định để tiếp tục phát triển chuyên môn và gia hạn chứng chỉ môi giới. Từ tháng 10/2025, số tín chỉ cần đạt được nâng lên 16.
Hay tại Hàn Quốc, môi giới trước khi được chứng nhận giấy phép cũng cần phải hoàn thành khóa học đào tạo nghiệp vụ tương đương 28-32 giờ và trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ môi giới được đánh giá là tương đối khắc nghiệt với số lượng dự thi khoảng 400.000 thí sinh, chỉ sau kỳ thi đại học tại quốc gia này.
Doanh nghiệp môi giới săn lùng nhân sự
Dưới tác động của Luật mới, giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp môi giới càng có vị thế quan trọng hơn trên thị trường.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Tài chính - Bất động sản của Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy ngay từ nửa đầu năm nay khi những quy định siết chặt này còn trong Dự thảo Luật, các doanh nghiệp môi giới đã tăng cường tuyển dụng, săn lùng nhân sự và đẩy mạnh hoạt động đào tạo.
Thậm chí, nhiều cuộc thi còn được tổ chức để vừa truyền thông cho dự án bất động sản, vừa phát triển kỹ năng mềm cho cá nhân môi giới.
"Các doanh nghiệp bắt đầu chú trọng hơn vào việc xây dựng đội ngũ đa năng, đa nhiệm, bên cạnh mở rộng về quy mô để phục vụ các chiến lược dài hạn, cũng như đáp ứng các quy định theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2023", DXS-FERI cho biết.
Đáng nói, kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường cùng với tầm quan trọng của sàn môi giới cũng thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới, bên cạnh sự trở lại của các đơn vị đầu ngành sau thời gian tái cấu trúc và quan sát.
Nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực môi giới bất động sản, trong khi các đơn vị đầu ngành cũng quay trở lại sau thời gian tái cấu trúc. Ảnh: AGG. |
Nửa đầu năm nay, nhiều chủ đầu tư đã tập trung xây dựng lại các sàn nội bộ để chuẩn bị triển khai các dự án mới, như Vinhomes có đội ngũ Elite Vision Vinhomes, Novaland có B.A.M, Phát Đạt đẩy mạnh Realty Holdings, hay các thương hiệu Đất Xanh Services, sàn giao dịch bất động sản Nam Long, Khải Hoàn Land... cũng được củng cố.
DXS-FERI đánh giá một số đơn vị mới gia nhập thị trường nhưng đã thích nghi rất tốt với tình hình mới và dần tiếp cận nhóm doanh nghiệp dẫn đầu. Đồng thời, hàng loạt kỷ lục về số lượng đại lý, sàn F1 cùng phân phối dự án cũng được thiết lập, khi sự cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, liên minh trở thành quân bài chiến lược của các doanh nghiệp môi giới.
Theo ông Trần Minh Hoàng - Phó chủ tịch VARS, các quy định chặt chẽ trong luật pháp cùng những khó khăn thời gian qua sẽ tạo nên một cuộc thanh lọc lớn, giúp thị trường chỉ còn lại những doanh nghiệp và môi giới có hoạt động chuyên nghiệp với đầy đủ phẩm chất, năng lực.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm, thị trường đã chào đón sự quay trở lại hoạt động của 1.577 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 2.210.
Tuy nhiên song song đó, có 3.185 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động có thời hạn, tăng 25% so với nửa đầu năm ngoái.
Thống kê về số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, quay lại hoạt động, tạm ngừng hoạt động và giải thể trong những quý gần đây. Biểu đồ: VARS. |
Phân tích thực tế, VARS ghi nhận tại các thị trường có tiến trình phục hồi tốt, nhiều dự án ra hàng, thì số lượng sàn giao dịch và môi giới bất động sản gia nhập mới và trở lại hoạt động tăng cao. Ước tính tổng số lượng bằng khoảng 60% so với giai đoạn "đỉnh".
Trong khi đó, một số khu vực ghi nhận thêm sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động, cá biệt có những nơi gần như không còn "bóng dáng" môi giới bất động sản như Lào Cai, Phú Yên...
Thời gian tới, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, ông Hoàng Hải cho rằng cộng đồng môi giới cần chủ động trang bị và thường xuyên cập nhật kiến thức mới về pháp luật liên quan, cũng như tích cực áp dụng công nghệ, kênh bán hàng trực tuyến để hóa giải "điểm nghẽn" tiếp cận khách hàng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.