"Thị trường tiền mã hóa đang 'phi Trung Quốc hóa', từ giao dịch cho đến hoạt động khai thác, sau khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kiểm soát mạnh tay", South China Morning Post dẫn lời phó giáo sư Wang Juan thuộc Đại học Giao thông Tây An nhận định.
Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc cấm giao dịch tiền mã hóa từ năm 2017, qua đó đẩy các sàn giao dịch như Binance, Huobi, và OkEx ra nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua nhà chức trách vẫn để các công ty và cá nhân đào Bitcoin hoạt động.
Hoạt động đào Bitcoin đòi hỏi lượng điện khổng lồ, trong khi Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Các công ty đào Bitcoin cũng tận dụng nguồn điện giá rẻ từ than đá ở những khu vực như Nội Mông, Tứ Xuyên và Tân Cương.
Theo báo cáo của Đại học Cambridge, hoạt động đào Bitcoin toàn cầu tiêu tốn 121,36 Twh/năm, lớn hơn tổng lượng điện Argentina tiêu thụ hàng năm.
Hoạt động đào Bitcoin toàn cầu tiêu tốn 121,36 Twh/năm, lớn hơn tổng lượng điện Argentina tiêu thụ hàng năm. Ảnh: Getty Images. |
"Đào Bitcoin tại Trung Quốc tiêu tốn khoảng 1% tổng lượng điện tiêu thụ tại nước này. Việc tiết kiệm 1% lượng điện là rất lớn đối với Trung Quốc", chuyên gia fintech Richard Turrin ở Thượng Hải cho biết.
Mới đây, Nhân Dân nhật báo đăng bài xã luận khẳng định những quy định quản lý nghiêm ngặt của Bắc Kinh đồng nghĩa với việc hoạt động đào Bitcoin đã hết thời ở Trung Quốc. Các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng nhiều lần cảnh báo về những rủi ro tài chính mà tiền mã hoá có thể gây ra.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Liu He và Quốc vụ viện khẳng định cần siết chặt lệnh cấm đào và giao dịch Bitcoin. Lập tức, giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác lao dốc mạnh.
Ngoài ra, thời gian qua Ngân hàng Ngân dân Trung Quốc cũng đang quảng bá đồng NDT kỹ thuật số. Các tổ chức tài chính bắt đầu triển khai các dịch vụ với đồng NDT kỹ thuật số.
Ông Nishant Sharma - CEO BlockBridge, hãng tư vấn về đào tiền mã hóa - nhận định ngành công nghiệp đào tiền mã hóa sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. CBECI ước tính 6 tháng trước, đào Bitcoin tại Trung Quốc chiếm 75% toàn cầu, nhưng hiện đã giảm xuống 65%.
Dù vậy, ông Sharma cho rằng Trung Quốc sẽ không gấp gáp dẹp bỏ ngành công nghiệp tiền mã hóa. “Đào tiền mã hoá là ngành công nghiệp lớn tại Trung Quốc, thu hút hàng trăm nghìn lao động. Do đó, Trung Quốc sẽ không lập tức trấn áp mạnh tay”, CEO BlocksBridge dự báo.