Theo Reuters, sàn giao dịch tiền mã hóa Houbi Mall cho biết đã ngừng hoạt động đào Bitcoin và một số dịch vụ giao dịch phục vụ khách hàng ở Trung Quốc đại lục. Hãng cho biết sẽ tập trung kinh doanh ở các thị trường khác.
Tương tự, HashCow - có 10 chi nhánh ở Trung Quốc - cũng cho biết đã tuân thủ quy định của chính quyền Bắc Kinh và ngừng mua các hệ thống đào Bitcoin mới. HashCow cũng cam kết hoàn trả các đơn đặt hàng chưa đi vào khai thác của nhà đầu tư.
Trong khi đó, BTC.TOP cũng xác nhận đã tạm ngừng hoạt động tại Trung Quốc vì những rủi ro liên quan đến luật pháp. Jiang Zhuo Er - nhà sáng lập BTC.TOP - cho biết sẽ chuyển hướng sang kinh doanh tại Bắc Mỹ.
Jiang dự đoán thị trường khai thác tiền mã hóa sẽ chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác.
Theo nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Nature Communications, hoạt động đào tiền mã hóa tại Trung Quốc sẽ tiêu tốn lượng điện hàng năm khoảng 297 tWh vào năm 2024, tương đương tổng tiêu thụ điện của cả Italy vào năm 2016.
Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực giảm khí thải nhà kính. Chính quyền nước này cam kết đạt trung hòa carbon (không có sự gia tăng ròng khí thải nhà kính toàn cầu vào khí quyển do hệ quả từ các hoạt động kinh doanh sản xuất) vào năm 2060.
Việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát tiền mã hóa ảnh hưởng mạnh đến thị trường này. Giá Bitcoin giảm gần 50% so với mức đỉnh hồi tháng 4 và sụt khoảng 17% hôm 23/5 trước khi tăng trở lại mức 36.500 USD/đồng. Giá Ether cũng giảm mạnh trước khi tăng lại ngưỡng 2.200 USD/đồng.
Tuần này, giới chức Trung Quốc đã 2 lần mạnh tay gây sức ép lên thị trường tiền mã hóa nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
Trong phiên giao dịch 23/5, có lúc giá Bitcoin sụt xuống dưới 32.000 USD/đồng. Tuy nhiên, giá đã quay lại ngưỡng 35.000 USD/đồng trong sáng nay.
'Đầu tư Bitcoin không dành cho người yếu tim'
Bất chấp việc giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác liên tục trồi sụt dữ dội trong vài ngày qua, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin vào loại tài sản đầy rủi ro này.