Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hết nhiệm kỳ, ĐBSCL sẽ có 500 km đường cao tốc

Dù đến nay, cả vùng ĐBSCL mới có 90 km đường cao tốc, Bộ trưởng GTVT tin với số vốn được tập trung cho giao thông, hết nhiệm kỳ, số km đường cao tốc tại đây có thể đạt mốc 500.

Thông tin này được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cung cấp tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sáng 21/6. Giao thông luôn được xem là "điểm nghẽn" trong phát triển của vùng, và ước ao có thêm đường cao tốc cũng là tiếng nói nhiều năm nay mà cử tri vùng ĐBSCL từng đề đạt.

Xây thêm hàng trăm km đường cao tốc, nâng cấp 3 sân bay

Thông tin về kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL giai đoạn 2025-2030, Bộ trưởng Thể thẳng thắn thừa nhận kết cấu hạ tầng giao thông đang là “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển của vùng.

Để giải quyết điểm nghẽn đó, Bộ GTVT đã tập trung điều chỉnh quy hoạch giao thông, thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này để phát triển.

Het nhiem ky,  DBSCL co the co 500 km duong cao toc anh 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Nhật Bắc.

Một trong những đột phá được tư lệnh ngành giao thông đề cập là đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đến với TP Cần Thơ và một số cảng, đồng thời bổ sung cảng nước sâu Trần Đề, xem như là cửa ngõ chính của ĐBSCL, để tàu 80.000-100.000 tấn có thể hoạt động khu vực này.

Về hàng không, ngoài sân bay Cần Thơ, Bộ GTVT đang nghiên cứu để nâng cấp 3 sân bay. Trong đó, bay Phú Quốc sẽ nghiên cứu thêm đường băng; sân bay Cà Mau và Rạch Giá cũng đang trong kế hoạch nâng cấp để đảm bảo tàu bay A320 có thể đỗ.

Về đường bộ, lãnh đạo ngành giao thông khẳng định nhiệm kỳ này có sự quan tâm rất lớn dành cho ĐBSCL. Đến nay, có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.

“Hiện nay, cả vùng đồng bằng mới có 90 km đường cao tốc và chúng ta đang triển khai 30 km nữa”, theo lời Bộ trưởng Giao thông.

Dù vậy, ông cam kết trong nhiệm kỳ này sẽ bố trí đầu tư 400 km đường cao tốc, gồm những trục chính kết nối TP.HCM với Cần Thơ, từ Cần Thơ kết nối mũi Cà Mau hay tuyến An Thủ (Cao Lãnh) qua Rạch Giá.

Het nhiem ky,  DBSCL co the co 500 km duong cao toc anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

“Nếu theo đúng kế hoạch, cuối nhiệm kỳ này có thể đạt 400 km đường cao tốc, cộng với khoảng 130 km đang triển khai, như vậy ĐBSCL có thể có hơn 500 km đường cao tốc”, Bộ trưởng GTVT tính toán.

Ông cũng kỳ vọng khu vực ĐBSCL sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đến đây, hình thành các khu công nghiệp.

Chủ động “sống chung với lũ, ngập, mặn”

Chia sẻ về định hướng quy hoạch vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới để mở ra cơ hội phát triển mới, định hình các giá trị mới cho khu vực.

Quy hoạch vùng ĐBSCL, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xác định nhiều đột phá chiến lược.

Trước hết là phát triển vùng theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.

Bên cạnh đó là việc biến thách thức thành cơ hội, "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn"; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ.

Het nhiem ky,  DBSCL co the co 500 km duong cao toc anh 3

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin về định hướng quy hoạch vùng ĐBSCL. Ảnh: Nhật Bắc.

Bộ trưởng KH&ĐT cũng nhắc đến đột phá về thay đổi tư duy an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phù hợp với thị trường.

Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Cũng theo ông Dũng, đột phá chiến lược khác nằm ở kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP.HCM với Cần Thơ trong tương lai.

Mục tiêu là đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Quốc hội chốt hơn 84.000 tỷ đồng đầu tư 3 tuyến cao tốc cho phía nam

Với việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, 3 tuyến cao tốc phía nam được hưởng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù khi triển khai.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm