Thông tin trên được ông Lê Phương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai chia sẻ với Zing.vn.
Trước đó, hàng trăm container thanh long xuất khẩu đã bị ùn tại khu vực cửa khẩu đường bộ Kim Thành, thuộc Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Theo ông Phương, Ban Kinh tế cửa khẩu tỉnh đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng phía Hà Khẩu (Trung Quốc) để tháo gỡ vướng mắc, giúp hàng hóa nông sản Việt Nam bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định được thông quan thuận lợi, an toàn.
Phía Trung Quốc cũng đã tạo thuận lợi hơn đối với mặt hàng này, các khâu kiểm duyệt và thông quan nhanh chóng.
Các lô hàng xuất khẩu nông sản, trong đó có thanh long đều được giải quyết thủ tục hải quan điện tử và được tạo điều kiện thông quan nhanh nhất.
Hiện tại, tình trạng ùn ứ hàng trăm container thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã không còn. Ảnh minh họa: Văn Hưng. |
Theo Hải quan Lào Cai, do thời điểm chính vụ, lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc khá lớn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 xe chở hàng lên cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, nước này lại kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ hàng nông sản nhập khẩu.
Tình trạng ùn ứ mấy ngày qua xuất phát từ việc các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đều in sẵn trên bao bì chữ Trung Quốc từ cơ sở sản xuất. Việc này làm khó truy xuất nguồn gốc và việc kiểm tra xuất xứ hàng nông sản, kéo dài thời gian làm thủ tục. Mỗi ngày phía Trung Quốc chỉ làm thủ tục cho khoảng 200 xe thông quan.
Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay ngay từ tháng 5/2018, phía Trung Quốc đã bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, nước này yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Đây là 2 yêu cầu xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc. Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói do Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác.
"Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu, kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng, Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt", ông Dương nói.
Ông khuyến nghị các doanh nghiệp lưu ý các yêu cầu này, để đảm bảo việc xuất khẩu suôn sẻ.