Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Henry Ford đối xử với các vật liệu sản xuất ôtô đặc biệt thế nào?

Công ty chúng tôi luôn cố gắng sản xuất với mức lãng phí tối thiểu cả về nguyên vật liệu lẫn sức người.

Tất cả các loại thép của chúng tôi đều đặc biệt nhưng đối với mỗi loại thép, chúng tôi phải có được ít nhất một, hoặc nhiều vật liệu thay thế khác, những vật liệu đã được thử nghiệm và chứng minh đầy đủ về khả năng thay thế. Chúng tôi cũng làm tương tự đối với mọi loại vật liệu và các bộ phận của sản phẩm.

Lúc đầu, chúng tôi chỉ sản xuất ra rất ít bộ phận và không sản xuất động cơ. Đến nay (*), chúng tôi chế tạo tất cả các động cơ và hầu hết các bộ phận, vì làm như vậy rẻ hơn. Chúng tôi cũng hướng tới việc sản xuất thừa ra tất cả các bộ phận để không bị ảnh hưởng bởi các cơn sốc thị trường hay bị tê liệt do các nhà sản xuất nước ngoài không có khả năng thực hiện đơn đặt hàng.

Chẳng hạn, giá cả của kính đã tăng lên một cách chóng mặt trong thời kỳ chiến tranh trong khi chúng tôi lại là một trong những đối tượng tiêu thụ kính nhiều nhất cả nước. Bây giờ, chúng tôi đang xây dựng một nhà máy sản xuất kính của riêng mình. Nếu bỏ tất cả công sức chỉ để thay đổi sản phẩm thì chúng tôi sẽ chẳng đạt được điều gì; nhưng bằng cách không thay đổi sản phẩm, chúng tôi đã có thể đầu tư công sức vào việc cải tiến quá trình sản xuất.

Tu truyen anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: The New York Times.

Bộ phận quan trọng của một chiếc đục là phần mũi sắc. Nếu như có một học thuyết đơn lẻ nào mà hoạt động kinh doanh có thể dựa vào thì chính là lý thuyết đó. Sẽ chẳng có gì khác biệt giữa việc làm thế nào để tạo ra chiếc đục một cách tốt nhất với việc loại thép tuyệt vời nào được dùng để làm ra nó, hay nó đã được rèn tốt ra sao. Nếu như mũi đục đó không sắc thì đó không phải là một cái đục, nó chỉ là một mẩu kim loại.

Điều tôi muốn nói ở đây là việc một vật có thể làm được gì mới là quan trọng, chứ không phải nó được giả định là sẽ làm được. Nếu chỉ một cú đánh nhẹ lên chiếc đục sắc nhọn có thể thực hiện được công việc thì chúng ta đâu cần phải nghiến răng gõ mạnh vào một chiếc đục đã mòn? Chiếc đục được tạo ra để cắt, chứ không phải để dùng thứ khác gõ lên.

Chiếc búa chỉ là phương tiện hỗ trợ công việc mà thôi. Do đó, nếu chúng ta muốn lao động thì tại sao không tập trung vào công việc và thực hiện nó theo cách nhanh nhất? Điểm quan trọng của buôn bán hàng hoá đáp ứng được người tiêu dùng. Một sản phẩm không làm hài lòng người tiêu dùng là một sản phẩm không có “mũi nhọn”. Và chúng ta sẽ phải lãng phí nhiều công sức để đẩy nó vào lưu thông.

Mũi nhọn của một nhà máy là con người và máy móc. Khi người lao động không phù hợp thì máy móc cũng không được sử dụng hợp lý và ngược lại. Bất kỳ người lao động nào bị yêu cầu bỏ ra nhiều công sức hơn mức cần thiết để thực hiện việc được giao đều sẽ là một sự lãng phí.

Điểm cốt lõi trong quan điểm của tôi là: Sự lãng phí và tham lam sẽ cản trở việc cung cấp dịch vụ thực sự. Cả sự lãng phí và tham lam đều không cần thiết. Sự lãng phí chủ yếu là do một người không hiểu mình đang làm gì, hoặc bất cẩn trong việc tiến hành nó. Sự tham lam chỉ là một tên gọi khác của sự thiển cận.

Công ty chúng tôi luôn cố gắng sản xuất với mức lãng phí tối thiểu cả về nguyên vật liệu lẫn sức người, và luôn cố gắng sao cho việc phân phối cũng thu được lợi nhuận tối thiểu, tuỳ theo tổng lợi nhuận tính trên số lượng phân phối. Trong quá trình sản xuất, tôi muốn tối đa hoá mức lương của người lao động – bởi vì đó cũng là tối đa hoá sức mua. Và vì việc này còn tạo ra chi phí nhỏ nhất và bán hàng với lợi nhuận thấp nhất, chúng tôi đã có thể phân phối sản phẩm phù hợp với sức mua.

Vì vậy, tất cả những người có quan hệ với chúng tôi như giám đốc, công nhân hay người tiêu dùng đều có đời sống tốt hơn nhờ sự tồn tại của chúng tôi. Cơ chế mà chúng tôi xây dựng nên đang thực hiện vai trò phục vụ xã hội. Đó chính là nguyên nhân duy nhất khiến tôi muốn nói về nó. Các nguyên tắc của sự phục vụ đó là:

  1. Không sợ hãi tương lai và không sùng bái quá khứ. Một người lo sợ tương lai, sợ thất bại sẽ giới hạn các hoạt động của mình. Thất bại chỉ là cơ hội để bắt đầu lại một cách thông minh hơn. Thất bại trung thực không có gì đáng xấu hổ; sợ thất bại mới là điều đáng hổ thẹn. Những gì đã qua chỉ hữu ích khi nó gợi ý cách thức và phương tiện giúp bạn tiến bộ hơn.
  2. Không màng đến cạnh tranh. Ai làm tốt việc gì thì nên làm việc đó. Sẽ là sai trái nếu cố gắng tước đoạt công việc kinh doanh của người khác - sai trái vì khi đó một người đang cố gắng hạ thấp địa vị của người khác vì lợi ích cá nhân - để cai trị bằng vũ lực thay vì trí thông minh.
  3. Đặt dịch vụ trước lợi nhuận. Không có lợi nhuận, doanh nghiệp không thể mở rộng. Việc kiếm tìm lợi nhuận vốn không sai. Doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả tốt không thể không thu lại lợi nhuận, nhưng lợi nhuận chắc chắn phải là phần thưởng cho dịch vụ tốt. Nó không thể là cơ sở - nó phải là kết quả của dịch vụ.
  4. Sản xuất không phải là mua thấp và bán cao. Đây là quá trình mua nguyên liệu một cách công bằng với chi phí cộng thêm nhỏ nhất có thể, biến những nguyên liệu đó thành sản phẩm có thể tiêu thụ và cung cấp cho người tiêu dùng. Cờ bạc, đầu cơ và giao dịch lạnh lùng chỉ thêm cản trở sự tiến triển này.

Tất cả vấn đề tôi đã nói ở trên nảy sinh như thế nào, phát triển ra sao và được đưa vào ứng dụng như thế nào sẽ là chủ đề của các chương tiếp theo.

------------------------------------------

(*) Cuốn hồi ký xuất bản lần đầu năm 1922

Henry Ford/Alpha Books - NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY