Theo lãnh đạo cơ quan cứu hỏa thành phố Seoul, hàng chục nghìn người đã đổ ra đường phố ở thủ đô Hàn Quốc để ăn mừng lễ hội Halloween, trong đó có khu phố Itaewon - khu vực nổi tiếng với cuộc sống về đêm sôi động và những con ngõ hẹp.
Nhân chứng cho biết những con đường và ngõ hẻm chật hẹp đã trở nên quá tải khi đám đông tụ tập bên ngoài các quán bar, quán rượu và nhà hàng.
Juliette Kayyem, chuyên gia quản lý thảm họa và nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN, nhận định mật độ dân cư ở Seoul có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.
Bà Kayyem nói rằng trong tình huống hoảng loạn, những con phố hẹp kết hợp với hẻm cụt "chắc chắn sẽ gây thương vong". Trong khi đó, người dân Seoul đã quen với đám đông nên không thể phát hiện sớm mối nguy cận kề.
“Người dân ở Seoul đã quen với việc sống trong những không gian chật chội, do đó, có thể họ chưa hoàn toàn cảnh giác với những con phố đông đúc”, bà nói.
Hiệu ứng Domino
Theo hãng thông tấn Yonhap, con hẻm nơi xảy ra thảm kịch là một con dốc có kích thước 4 x 40 m, nối khu nhà hàng sầm uất với con đường chính ở Itaewon. 6 người lớn khó có thể đi qua con hẻm này cùng một lúc.
Tuy nhiên, một đám đông lớn đã ùa vào con hẻm vào đêm xảy ra thảm kịch. Vụ giẫm đạp bắt đầu "ngay lập tức" sau khi một số người ngã và khiến những người khác ngã xuống như "quân cờ domino". Họ chồng chất lên nhau, không thể di chuyển hoặc thở, các nhân chứng cho biết.
Xe cứu thương và nhân viên cứu hộ đến hiện trường vụ giẫm đạp ở Itaewon, Seoul. Ảnh: AP. |
Mật độ đông đúc khiến lực lượng cứu hộ và cảnh sát gặp khó khăn khi phải vượt qua quãng đường 100 m đến hiện trường vụ tai nạn và giải cứu nạn nhân, dẫn đến số người thiệt mạng lớn. Giao thông tắc nghẽn khi nhiều người trở về nhà cũng khiến lực lượng cứu hộ càng khó khăn hơn khi hỗ trợ nạn nhân, theo Star.
Bên cạnh đó, bà Kayyem nói thêm rằng tâm lý hoảng sợ cũng thường là một yếu tố dẫn đến những bi kịch tương tự. “Khi cơn hoảng loạn xảy ra và (mọi người) không còn nơi nào để đi, họ có thể bị giẫm đạp”, bà cho biết.
Song vị chuyên gia nhấn mạnh “rất nhiều lần (những cơn hoảng loạn này) xảy ra mà không có một thời điểm báo động cụ thể nào”.
Trong khi đó, India Today đưa tin ban đầu, đám đông có tinh thần tốt và bình tĩnh, nhưng sau đó cuộc hỗn loạn bắt đầu và mọi người bị xô đẩy, ép vào nhau, với tiếng la hét và tiếng thở khó nhọc.
Nhân chứng Park Jung Hoon, 21 tuổi, cũng nói với Reuters: “Chúng tôi đã thấy một cảnh tượng tưởng như chỉ có trong phim ngay trước một khách sạn ở khu vực này. (Mọi thứ) giống như một cuộc chiến”.
"(Đội cứu hộ) đang thực hiện hô hấp nhân tạo ở khắp nơi và mọi người đổ xô vào như không bị điều gì kiểm soát. (Mọi thứ) hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát", anh nói.
Quận Itaewon nổi tiếng với giới trẻ Hàn Quốc và người nước ngoài. Vào đêm 29/10, hàng chục quán bar và nhà hàng chật kín khách tham gia lễ hội Halloween sau khi hoạt động kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng trong 3 năm ứng phó với đại dịch Covid-19.
“(Mọi người) sẽ thấy đám đông lớn vào dịp Giáng sinh và lễ bắn pháo hoa, nhưng đám đông lần này lớn hơn gấp 10 lần so với những sự kiện đó”, anh Park nói với Reuters.
Cái bẫy chết chóc
India Today ước tính khoảng 100.000 người đã đổ về Itaewon để tham gia lễ hội Halloween ngoài trời lớn nhất đất nước, nhưng lễ hội hoành tráng này đã sớm biến thành một cái bẫy chết chóc.
Một nhà báo địa phương cho biết thông báo khẩn cấp đã được gửi đến mọi điện thoại di động ở quận Yongsan, nhằm kêu gọi người dân trở về nhà càng sớm càng tốt do "trường hợp khẩn cấp gần khách sạn Hamilton ở Itaewon".
Ông Lee Sang Min, Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, phát biểu trong một cuộc họp báo trước đó. Ảnh: Yonhap. |
Sau khi thông tin về thảm kịch nổ ra, sự chú ý đổ dồn vào các tiêu chuẩn an toàn và các biện pháp kiểm soát đám đông được áp dụng trong những dịp lễ tương tự. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã kêu gọi xem xét lại sự an toàn của các địa điểm tổ chức lễ hội.
“Chúng tôi hy vọng cơ quan cảnh sát quốc gia, chính quyền địa phương và những cơ quan khác sẽ nhanh chóng kiểm tra an toàn và các biện pháp an toàn tại địa điểm để các sự kiện Halloween được tổ chức trên toàn quốc một cách có trật tự”, Tổng thống Yoon Seok Yeol cho biết trong chỉ thị khẩn cấp đêm 29/10.
Về vấn đề này, bà Kayyem nhận định dù rất khó xác định thời điểm báo động thảm kịch, các nhà quản lý vẫn "có thể dự đoán lượng người tham gia trước đêm 29/10".
“Các nhà chức trách có trách nhiệm theo dõi số lượng đám đông trong thời gian thực, để xác định (thời điểm) cần thiết phải đưa mọi người ra ngoài”, bà nói.
Nhiều người cũng chỉ trích rằng thảm họa này có thể đã được ngăn chặn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang Min tuyên bố thảm kịch không thể được ngăn chặn bằng cách triển khai thêm cảnh sát, theo Korea Herald.
"Đây không phải một cuộc tụ tập quy mô lớn gây ra mối quan tâm đặc biệt", ông Lee nói tại một cuộc họp giao ban hôm 30/10. "Quy mô của đám đông không khác mấy so với những năm trước".
"Đây dường như không phải một sự cố có thể được ngăn chặn bằng cách triển khai thêm cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa đến hiện trường", ông nói và cho biết thêm số lượng lớn cảnh sát đã được triển khai ở Gwanghwamun do một số cuộc biểu tình.