Tiếp nối thành công của Squid Game, Netflix ra mắt series mới Hellbound. Tác phẩm kỳ bí do đạo diễn Yeon Sang Ho - từng nổi danh với siêu phẩm điện ảnh Train to Busan năm 2016 - cầm trịch. Phim được chuyển thể từ webtoon cùng tên do chính Yeon Sang Ho và họa sĩ Choi Kyu Seok đồng sáng tác.
Hellbound lấy bối cảnh giả tưởng năm 2022, khi cả xã hội hoảng loạn về những “sứ giả Địa ngục”. Nếu như trong Death Note, số phận mỗi người bị định đoạt khi tên họ xuất hiện trong cuốn sổ tay tử thần thì ở Hellbound, người ta cho rằng chính Đức Chúa Trời phán tội loài người. Đến "ngày phán xét", ba con quỷ đến từ chiều không gian khác sẽ tấn công, sát hại tội đồ theo cách dã man nhất.
Cùng lúc đó, một nhóm tôn giáo tên Chân lý mới do Jung Jin Soo (Yoo Ah In) cầm đầu đã gieo vào lòng dân tư tưởng những người bị quái vật giết là tội nhân, xứng đáng nhận sự trừng phạt từ bề trên. Tiếp tay cho hội này còn có nhóm Hội mũi tên, những kẻ nhân danh Chúa để truy lùng và hành hung người không tin vào thần quyền và thân nhân của họ.
Xã hội thần quyền giả tạo
Chủ đề tôn giáo thu hút không ít nhà làm phim, mặc cho đây là hướng đi mạo hiểm và nhạy cảm. Tính riêng điện ảnh Hàn Quốc có thể kể đến những bộ phim như The Wailing, Save Me, The Priest - cũng khai thác việc con người nhân danh đức tin để làm điều độc ác.
Tác phẩm mượn những sinh vật kỳ ảo để giới thiệu loài quái vật đáng sợ hơn - con người. |
Đạo diễn từng đoạt giải Oscar, Bong Jun Ho, miêu tả tác phẩm Hellbound đã đạt tới “cấp độ thiên tài”. Giống như Train to Busan, Yeon Sang Ho chỉ mượn lực lượng siêu nhiên để kể về thế giới nội tâm và tín ngưỡng của con người. Quái vật hay “thiên thần báo tử” trong phim thoạt nhìn là sinh vật hữu hình, nhưng thực ra đại diện cho cái chết, cho sự bất lực trước số phận, là những thảm họa mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Đó là những sự kiện có thực trong một bối cảnh phi thực tế.
Niềm tin sai lầm, nỗi sợ hãi, sự điên cuồng và thiếu hiểu biết là những yếu tố xuyên suốt 6 tập phim. Hellbound chứng minh sự cuồng tín nguy hiểm tới mức nào. Hội Chân lý mới ngoài mặt luôn tuyên truyền về đạo đức, lương thiện nhưng lại ngấm ngầm gây tội ác, lấy Chúa và nỗi sợ của con người làm cớ cho hành vi ích kỷ, thù hận nhằm trục lợi và củng cố quyền lực.
Tác phẩm cũng tố cáo sự thao túng của truyền thông và những lũng đoạn của các tập đoàn phi pháp. Địa ngục giữa trần gian chính là sự vô cảm của xã hội. Những “anh hùng bàn phím” núp sau màn hình máy tính và những buổi livestream, xúc phạm danh dự, chà đạp nhân phẩm, công kích đời tư, thậm chí đẩy những người trái quan điểm vào cái chết. Việc truyền thông sẵn sàng thỏa hiệp với các thế lực ngầm khi truyền bá thông tin sai lệch để định hướng dư luận.
Nỗi kinh hoàng còn đến từ sự thờ ơ, thậm chí phấn khích của những kẻ cuồng đạo khi thấy đồng loại bị hành quyết khiến người xem không khỏi bất bình về một thế giới máu lạnh, nơi những giá trị đạo đức ngày càng băng hoại. Nhân vật kẻ cầm đầu Hội mũi tên khiến nhiều người liên tương tới Kim Eo Jun, một nhà báo thường đưa ra các phát ngôn chính trị cực đoan trên mạng xã hội
Mang đến bầu không khí u ám và ngột ngạt, song Hellbound vẫn thắp sáng lên niềm tin về tình người ấm áp và sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu trong 3 tập đầu, khán giả theo chân viên cảnh sát Jin Kyung Hoon (Yang Ik Joon) và nữ luật sư Hye Jin (Kim Hyun Joo) điều tra các thảm án và giáo phái Chân lý mới thì nửa sau phim tập trung vào hành trình cứu đứa con mới lọt lòng của vợ chồng nhà sản xuất Bae Young Jae (Park Jung Min).
Họ đại diện cho những con người lương thiện trong xã hội hỗn loạn, tuy chịu nhiều bi kịch éo le vẫn không ngừng chiến đấu vì cộng đồng và chống trả những bất công. Họ còn là những người cha, người mẹ làm mọi giá để bảo vệ sinh mạng và hạnh phúc của con cái. Sự hy sinh của người này cũng tạo tiền đề cho sự hồi sinh của những số phận khác.
Dàn sao thực lực và yếu tố bạo lực thừa thãi
Ngôi sao Giày thủy tinh Kim Huyn Joo không chỉ phát huy thế mạnh trong những cảnh tâm lý mà còn lột xác ở những pha hành động nặng đô. Park Jung Min, Yang Ik Joon, Won Jin Ah cùng dàn diễn viên phụ đều làm tốt vai trò của mình.
Không thể không nhắc tới màn trở lại truyền hình ấn tượng của “ảnh đế” Yoo Ah In sau nhiều năm tung hoành điện ảnh. Anh mang đến một giáo chủ với tam quan vặn vẹo đầy lôi cuốn bí ẩn, dẫn dắt người xem đi tới mọi cung bậc cảm xúc. Chính vì vậy, sự biến mất nhân vật nửa chính nửa tà Jin Soo khiến sức hút bộ phim giảm đi đáng kể sau 3 tập đầu.
Ảnh đế mang đến cảm giác vừa rùng rợn, vừa quyến rũ cho nhân vật giáo chủ. |
Trước khi chiếu trên Netflix, Hellbound đã được mời ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Toronto, LHP Busan, LHP London... và nhận về nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình.
Theo thống kê của trang Flix Patrol, phim đã giành vị trí đầu bảng Netflix chỉ sau một ngày lên sóng, trở thành phim Hàn đầu tiên đạt kỷ lục trên, chứng minh cho độ thu hút của tác phẩm và sự bùng nổ của làn sóng K-drama trên đấu trường quốc tế.
Tuy sở hữu nhiều điểm cộng, phim cũng gây ra phản hồi trái chiều trên mạng xã hội. Những cảnh bạo lực trong phim bị đánh giá là quá dã man, thừa thãi; còn phần kỹ xảo vụng về, cứng nhắc. Cốt truyện dày đặc, hệ thống nhân vật dàn trải khiến người xem khó nắm bắt chủ đề và mạch phim.
Dẫu còn một số lỗ hổng và tình tiết chưa trọn vẹn, không thể phủ nhận Hellbound là một tác phẩm có cốt truyện hấp dẫn, đa nghĩa với lối kể táo bạo cùng các nhân vật được phát triển độc đáo. Với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ và bí ẩn dần được hé lộ, 6 tập phim này dường như chỉ là tiền đề cho phần tiếp theo hứa hẹn nhiều sự phức tạp, kịch tính hơn.