Khi quân đội Mỹ và đồng minh tấn công sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, họ không rõ bao nhiêu thường dân còn trong thị trấn sa mạc ở Baghouz. Vì vậy, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã yêu cầu công ty vệ tinh tư nhân Planet cung cấp hình ảnh chụp khu vực hàng ngày của họ và làm một video đặc biệt về khu vực, NPR cho biết.
“Đoạn video trực tiếp đó thực sự thuyết phục chúng tôi rằng có hàng nghìn người dân bị mắc kẹt trong thị trấn. Điều đó đã giúp chúng tôi thuyết phục lực lượng liên minh dừng bắn phá khu vực vào thời điểm đó”, Josh Lyons, thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói.
Lực lượng liên minh đã chờ cho người dân rút khỏi khu vực, trước khi thực hiện đợt tấn công tiếp theo. Điều đó giúp cứu sống hàng trăm sinh mạng.
Josh Lyons, giám đốc phân tích không gian và địa lý của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết hình ảnh vệ tinh ngày càng trở thành bộ phận quan trọng trong việc điều tra nhân quyền, củng cố bằng chứng, đặc biệt là ở những khu vực nguy hiểm, để gửi đến các nhà nghiên cứu.
“Chúng tôi kết hợp dữ liệu từ các nguồn mở, lời khai của nhân chứng và hình ảnh từ không gian. Điều đó về cơ bản đã trở thành tiêu chuẩn vàng mới cho các cuộc điều tra”, ông Lyons nói.
"Chuỗi ngọc trai"
Ảnh vệ tinh từng bị chính phủ Mỹ hạn chế, cũng như ở một số quốc gia khác. Bây giờ ảnh vệ tinh thương mại có sẵn cho mọi người. Nó mở ra sân chơi mới cho các nhóm theo dõi nhân quyền, nhà nghiên cứu môi trường và giám sát hạt nhân.
Các địa điểm chấm đỏ được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mô tả là các địa điểm bị đánh bom. Ảnh: Planet. |
Những ảnh vệ tinh thương mại được cung cấp bởi các công ty vệ tinh tư nhân như Planet, Maxar. Đặc biệt, trong 3 năm qua, 150 vệ tinh thuộc sở hữu của công ty Planet đã chụp ảnh toàn bộ bề mặt Trái Đất mỗi ngày.
Các vệ tinh của Planet chụp hơn 1 triệu bức ảnh trong 24 giờ. “Hãy hình dung chuỗi ngọc trai đi quanh các cực, nhìn xuống và ghi lại hình ảnh trên Trái Đất mỗi ngày”, Rich Leshner, điều hành văn phòng Planet ở Washington, nói.
Lướt qua thư viện ảnh của Planet, bạn sẽ có được cái nhìn toàn cảnh về tình trạng của thế giới. Những con tàu du lịch nhàn rỗi vì đại dịch tụ tập neo ngoài khơi CocoCay ở Bahamas. Những con đường vắng vẻ xung quanh các địa điểm vốn rất đông du khách như đấu trường La Mã ở Rome. Khói từ những đám cháy do nông dân đốt rẫy ở rừng nhiệt đới Amazon.
Vệ tinh của chính phủ Mỹ thường có kích thước bằng chiếc xe buýt. Các vệ tinh của Planet chỉ bằng ổ bánh mì. Planet kinh doanh hình ảnh vệ tinh để kiếm tiền. Khách hàng của họ bao gồm quân đội Mỹ, các tập đoàn lớn.
Ngoài ra, Planet còn hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận, chính quyền một số quốc gia cần giám sát hoạt động trồng cần sa bất hợp pháp. “Tôi thường rất ngạc nhiên về những gì mọi người có thể nghĩ ra khi họ nhìn vào thứ gì đó mỗi ngày”, ông Leshner.
Giám sát chương trình hạt nhân
Melissa Hanham, phó giám đốc Mạng Hạt nhân Mở (ONN), nói rằng khi tốt nghiệp đại học 15 năm trước, bà muốn học cách giám sát các chương trình hạt nhân bí mật. “Tôi rất muốn biết điều gì đang diễn ra ở Triều Tiên, nhưng tôi không thể đến đó. Đó không phải là nơi mà một phụ nữ lạ mặt có thể đi lại và tìm hiểu mọi thứ”, bà Hanham nói.
Ảnh vệ tinh của Planet chụp lại vệt khói trong vụ phóng tên lửa của Triều Tiên năm 2019. Ảnh: Planet. |
Thật may, ở thời điểm đó, Google Earth vừa ra đời. Mạng lưới vệ tinh của Planet đã giúp bà nghiên cứu về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Sự bổ sung các vệ tinh hiện đại hơn đã giúp bà cùng ONN theo dõi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng một cách tinh vi hơn.
Vệ tinh còn giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu khoa học. Paul Allen, đồng sáng lập Mircosoft, đã thành lập công ty Vulcan vào năm 1986 và giao cho Bill Hilf làm giám đốc điều hành cùng trách nhiệm nặng nề trong việc lập bản đồ các đảo và rạn san hô trên thế giới. Ở thời điểm đó, sự hạn chế về công nghệ khiến công việc của Hilf và nhóm rất vất vả.
Nhưng kể từ khi mạng lưới vệ tinh của Planet hoạt động, giám đốc điều hành Hilf, các nhà khoa học đã kết hợp ảnh vệ tinh của Planet với kênh truyền hình National Geographic, các chính phủ, trường đại học và cộng đồng địa phương, từ Australia đến Madagascar để lập bản đồ các rạn san hô nhiệt đới.
Dự án Allen Coral Atlas nhằm mục đích bảo vệ các rạn san hô trước sự tác động của con người cũng như biến đổi khí hậu. “Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2021 là 100% các rạn san hô nông trên toàn thế giới được lập bản đồ hoàn chỉnh”, ông Hilf nói.
Từ những rạn san hô trên biển, đến chiến trường Syria, các vệ tinh thương mại đang góp phần làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về thế giới.