Đây là thông tin mới được lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chia sẻ liên quan tới giải pháp giải quyết tình trạng quá tải hệ thống diễn ra trên sàn này.
Cụ thể, lãnh đạo HoSE cho biết đang phối hợp với FPT để xây dựng hệ thống giao dịch tạm thời nhằm giảm tình trạng quá tải hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong đó, giải pháp này sẽ dùng phần mềm hệ thống giao dịch đang được sử dụng tại HNX và triển khai trên nền tảng hạ tầng của HoSE, thay thế hệ thống khớp lệnh hiện tại của sàn TP.HCM.
Theo lãnh đạo HoSE, giải pháp này sẽ giảm thiểu tác động, thay đổi đối với hệ thống của các công ty chứng khoán trên thị trường. Trong đó, mục tiêu đặt ra là hệ thống tạm mới sẽ xử lý được khoảng 3-5 triệu lệnh/ngày, cao gấp 3,3-5,5 lần so với công suất hiện tại (900.000 lệnh/ngày). HoSE cũng đánh giá đây là giải pháp tối ưu bởi thời gian triển khai không dài cũng như các rủi ro về góc độ hệ thống thấp.
Theo khảo sát, phân tích và đánh giá của FPT, thời gian dự kiến để triển khai hệ thống là khoảng 3 đến 4 tháng.
Hệ thống giao dịch tạm do HoSE cùng FPT xây dựng sẽ xử lý được 3-5 triệu lệnh/ngày, cao gấp 3-5 lần công suất hiện tại của sàn HoSE. Ảnh: Ngọc Dương. |
Chia sẻ về tình trạng quá tải trên sàn HoSE thời gian qua, lãnh đạo Sở Giao dịch TP.HCM cho biết tình trạng này chủ yếu ghi nhận tại các công ty chứng khoán có nhiều khách hàng, do số lượng lệnh giao dịch tăng đột biến nên không gửi được vào hệ thống.
Theo thống kê của HoSE, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới và giá trị giao dịch đã tăng đột biến từ đầu năm. Trong nhóm 20 công ty chứng khoán lớn nhất, lượng lệnh vào sàn tăng ít nhất trên 3 lần, bình quân tăng 5-6 lần, cá biệt có một số công ty ghi nhận số lệnh vào sàn tăng 13-18 lần. Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện hiện tượng quá tải hệ thống.
Hệ thống giao dịch của HoSE hiện có công suất thiết kế 900.000 lệnh. Hoạt động theo cơ chế phân bổ đều cho các công ty chứng khoán, trong đó gồm 20% cho lệnh dự phòng và 80% phân bổ cho công ty chứng khoán theo 2 vòng.
Vòng 1, hệ thống phân bổ đều cho mỗi công ty 3.000 lệnh (các công ty chứng khoán đều được chia như nhau, kể cả công ty đã dừng hoạt động). Tại vòng 2, dung lượng lệnh sẽ được phân bổ dựa theo số lệnh quá khứ của từng công ty và toàn thị trường.
Đặc biệt, HoSE cho biết các nguyên tắc phân bổ lệnh giao dịch này là thiết kế và tính năng sẵn có của hệ thống và HoSE hiện tại không thể can thiệp để thay đổi được.
Theo đó, với cơ chế phân bổ đều cho mỗi công ty chứng khoán khoảng 3.000 lệnh ngay từ đầu ngày, khi xảy ra tình trạng quá tải hệ thống ở một số công ty chứng khoán lớn, thì tại một số công ty nhỏ hơn, nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh giao dịch bình thường do các công ty này chưa dùng hết số lệnh được phân bổ.
Về giải pháp nâng lô giao dịch từ 10 lên 100, lãnh đạo HoSE cho biết giải pháp này chỉ mang tính tạm thời và đã góp phần giảm tải được một phần lệnh vào hệ thống, giúp thanh khoản tăng 15-18%. Tuy nhiên, hiện tượng quá tải hệ thống vẫn chưa xử lý được dứt điểm, nhất là trong các phiên có thanh khoản rất lớn 15.000-16.000 tỷ đồng.