Đây là một trong những thông tin quan trọng được ghi nhận trong Nghị quyết Hội đồng quản trị của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 và phương án chia cổ tức năm 2020.
Ngoài việc thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với 120.000 tỷ đồng doanh thu và 18.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, Hòa Phát cũng thông qua phương án trích lập các quỹ với phần lợi nhuận đạt được trong năm 2020 liền trước.
Trong đó, với 13.506 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt được năm 2020, vượt hơn 4.500 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm, Hòa Phát sẽ dành khoảng 719 tỷ để trích quỹ đầu tư phát triển và quỹ khen thưởng phúc lợi, thù lao HĐQT…
Trong hàng trăm tỷ đồng trích quỹ này, Hòa Phát dành 81 tỷ đồng, tương đương 0,6% lợi nhuận sau thuế cả năm để trả thù lao cho các thành viên Hội đồng Quản trị.
Đặc biệt, “vua thép” cũng dành 225 tỷ để trích quỹ khen thưởng cho ban điều hành doanh nghiệp. Số này tương đương 5% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 đã được cổ đông doanh nghiệp thông qua trước đó.
Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cùng 2 Phó tổng giám đốc được trích quỹ khen thưởng năm 2020 lên tới 225 tỷ đồng. Ảnh: HPG. |
Đến cuối năm 2020, HĐQT của Hòa Phát ghi nhận 9 thành viên gồm ông Trần Đình Long là Chủ tịch HĐQT và 3 Phó chủ tịch là ông Trần Tuấn Dương, Nguyễn Mạnh Tuấn và Doãn Gia Cường, cùng 5 thành viên khác.
Như vậy, bình quân mỗi thành viên HĐQT tại Hòa Phát sẽ nhận mức thù lao khoảng 9 tỷ đồng cho năm 2020 vừa qua.
Trong khi đó, Ban điều hành hiện tại của Hòa Phát chỉ bao gồm 3 thành viên là ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc và 2 Phó tổng giám đốc là bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên và Nguyễn Việt Thắng. Như vậy, 3 lãnh đạo này sẽ nhận mức khen thưởng lên tới 225 tỷ do lợi nhuận sau thuế năm 2020 vượt hơn 4.500 tỷ so với kế hoạch.
Tính bình quân, mỗi thành viên trong Ban điều hành của “vua thép” sẽ nhận mức thưởng 75 tỷ đồng.
Riêng cá nhân ông Trần Tuấn Dương, với vai trò vừa là Tổng giám đốc vừa là Phó chủ tịch HĐQT Hòa Phát, mức thù lao và khen thưởng bình quân ông có thể nhận về đợt này sẽ lên tới 84 tỷ đồng.
Tại Hòa Phát, cùng với ông Trần Đình Long, ông Dương cũng là một trong những cổ đông sáng lập và là lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.
Hiện tại, cá nhân ông Dương đang nắm giữ hơn 88,6 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 2,68% vốn doanh nghiệp. Ông cũng là cổ đông cá nhân lớn thứ 3 tại “vua thép” chỉ sau Chủ tịch Trần Đình Long và vợ Vũ Thị Hiền với lần lượt 26,08% và 7,34% vốn sở hữu.
Lượng cổ phiếu HPG ông Dương nắm giữ hiện cũng có giá thị trường lên tới hơn 4.100 tỷ đồng.
Không chỉ các lãnh đạo Hòa Phát được trích các quỹ thù lao, khen thưởng lớn trong năm vừa qua. Kết quả kinh doanh tăng cao năm 2020 kèm kỳ vọng năm 2021 cũng giúp các cổ đông doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận từ cổ phiếu.
Tính trong vòng 1 năm trở lại đây, cổ phiếu HPG đã tăng một mạch từ vùng 13.000 đồng (tháng 3/2020) lên mức 46.300 đồng (cuối ngày 29/3) hiện tại, tương đương mức tăng gần 3,6 lần. HPG cũng là một trong những cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất 1 năm trở lại đây cùng với một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng.
Ngoài phần trích quỹ thù lao HĐQT và khen thưởng Ban điều hành nói trên, HĐQT Hòa Phát cũng thông qua mức chi trả cổ tức với phần lợi nhuận năm 2020 là 35% (5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu), dự kiến trả trong quý II-III/2021. Tỷ lệ cổ tức năm 2021 cũng dự kiến không thấp hơn 30%.