Viện Công nghệ California ở Mỹ (Caltech) ở Mỹ gọi hành tinh ẩn náu ở rìa hệ Mặt Trời là “Hành tinh thứ 9”. Vật thể có khối lượng gấp khoảng 10 lần trái đất và di chuyển trên một quỹ đạo lạ và rất dẹt.
“Trên thực tế, thời gian hành tinh thứ 9 xoay một vòng quanh mặt trời có thể lên tới 10.000-20.000 năm”, tuyên bố của Caltech trên tạp chí Astronomical Journal nêu rõ.
Konstantin Batygin và Mike Brown, hai nhà nghiên cứu của Caltech, nói rằng con người chưa thể quan sát “Hành tinh thứ 9” bằng mắt. Họ phát hiện nó nhờ mô hình giả lập trên máy tính.
Theo mô hình máy tính, Hành tinh thứ 9 có khối lượng bằng khoảng 5.000 lần sao Diêm Vương. Các nhà nghiên cứu tin lực hấp dẫn của nó tác động tới chuyển động của nhiều hành tinh lùn bên ngoài Thái Dương Hệ, đặc biệt là những thiên thể băng trong Vành đai Kuiper.
Mike Brown cho rằng có thể Hành tinh thứ 9 văng ra ngoài rìa trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành hệ Mặt Trời. Khi đó 4 lõi chính hút khí xung quanh chúng để tạo nên sao Mộc, sao Thổ, sao Hải Vương và sao Thiên vương.
Có lẽ Hành tinh thứ 9 hình thành từ lõi thứ 5. Do tới quá gần sao Mộc và sao Thổ, nó bị đẩy tới vị trí xa xôi.
Hiện tại hàng loạt kính thiên văn hiện đại, bao gồm cặp kính W. M. Keck và Subaru trên đỉnh Maunakea ở Hawaii, Mỹ, đang tìm Hành tinh thứ 9.
“Đây là lần đầu tiên trong hơn 150 năm, chúng ta có bằng chứng đáng tin cậy rằng quá trình thống kê số lượng thiên thể trong hệ Mặt Trời vẫn chưa hoàn thành”, nhà nghiên cứu Batygin nói.
Giới thiên văn từng phát hiện nhiều hành tinh khác, gồm sao Hải vương vào năm 1846, bằng mô hình toán học.
“Không phải mọi dự đoán đều trở thành hiện thực. Nhiều trường hợp các nhà khoa học dự đoán sự tồn tại của hành tinh, song họ không tìm thấy chúng”, Robert Massey, phó giám đốc Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia Anh, bình luận.
Tuy nhiên, Massey cũng nói thêm rằng những nhà khoa học công bố nghiên cứu về Hành tinh thứ 9 đều có uy tín trong giới học giả. Vì thế giả thuyết của họ rất xứng đáng để dư luận chú ý.